Hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam”
Ngày 26 tháng 9 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Hội nghị tự đánh giá đề tài khoa học cấp bộ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” do ThS. Dương Văn Huế, Phó Chánh Văn phòng, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm. TS. Nguyễn Văn Kim, Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch hội đồng, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, TS. Cung Phi Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Theo Ban chủ nhiệm đề tài, công tác tiếp công dân là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là công tác quan trọng trong các hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp tiếp tục gia tăng, phát sinh nhiều điểm nóng gây mất ổn định xã hội. Phần lớn những khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai, mặc dù vậy, công tác tiếp công dân ở các cấp, các ngành trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tiếp công dân, việc phối kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các cơ quan Đảng, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn, đang là rào cản cần sớm có giải pháp khắc phục.
Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực trạng về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam, Đề tài đưa ra những giải pháp đổi mới như sau: Giải pháp hoàn thiện pháp luật và các quy định về tổ chức và hoạt động tiếp công dân (hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động tiếp công dân; hoàn thiện các quy định của Đảng về tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp dảng viên và công dân; đổi mới thể chế tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam); Đổi mới về quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương; Đổi mới về hoạt động tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước; Đổi mới về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Đổi mới về hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; Đổi mới vê quy trình tiếp công dân của các quan trong Đảng.
Cũng tại hội nghị, các thành viên Hội đồng tự đánh giá đề tài đã cho ý kiến đóng góp để đề tài hoàn thiện về mặt thể thức và nội dung trước khi được đánh giá chính thức. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, với một báo cáo tổng thuật 150 trang thì đây là một sản phẩm dày dặn, đạt được mục tiêu đề ra; nội dung và cách tiếp cận về cơ bản đảm bảo được yêu cầu. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài cần làm rõ phạm vi nghiên cứu, đó là nghiên cứu về pháp luật, tổ chức và hoạt động tiếp công dân cả hệ thống chính trị Việt Nam chứ không chỉ là các cơ quan hành chính nhà nước. Mục tiêu chung của đề tài cần bỏ mục tiêu hoàn thiện pháp luật tiếp công dân theo hướng đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị, mục tiêu chỉ là đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam. Đối với Chương I, Đề tài cần nghiên cứu các vấn đề về lý luận về tổ chức và hoạt động như: Khái niệm, vai trò; làm rõ khái niệm đổi mới; các yếu tố tác động đến việc đổi mới. Đối với Chương II, Đề tài cần bổ sung và làm rõ thực trạng việc tổ chức tiếp công dân của Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra góp ý, tên của các chương cần đầy đủ theo tên đề tài, tức là thêm từ “đổi mới” vào tên của các chương; bổ sung những khái niệm cơ bản về tổ chức và hoạt động tiếp công dân; bổ sung đặc điểm chung và đặc điểm riêng của công tác tiếp công dân của các cơ quan trong hệ thống chính trị; mục 1.2 khái quát về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam cần bổ sung khái niệm về tiếp công dân của hệ thống chính trị; bổ sung đặc điểm của tiếp công dân của hệ thống chính trị; mục 1.3 về nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam nên bố cục lại theo nội dung: Đổi mới về tổ chức và đổi mới về hoạt động; mục 1.6 điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính tri Việt Nam cần gắn kết với việc đổi mới. Đối với Chương II, Đề tài mới chỉ đề cập tới hoạt động tiếp công dân của cơ quan hành chính nhà nước, do vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần bổ sung nội dung hoạt động tiếp công dân của Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên....; các nguyên nhân cần được nhóm lại cho logic hơn. Tên của Chương III cần được chỉnh sửa là quan điểm, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; mục 3.1 sửa lại tên là quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, TS. Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội đồng kết luận, đây là một đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; cách tiếp cận xuyên suốt, logic, nội dung nghiên cứu đa dạng, phong phú, các đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có tính khả thi. Tuy nhiên, để đề tài có giá trị thực tiễn hơn, Ban chủ nhiệm cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Làm rõ khái niệm “hệ thống chính trị”, “đổi mới”, các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; bổ sung thêm một số các yếu tố tác động đến việc đổi mới công tác tiếp công dân; phần đánh giá pháp luật cần được tiếp cận ở mức độ vừa phải. Hơn nữa, Đề tài cần nghiên cứu sâu vấn đề hoạt động tiếp dân của hệ thống chính trị Việt nam. Đối với Chương III, Ban chủ nhiệm đề tài khi đưa ra các quan điểm, giả pháp cần đi theo hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động; cân đối lại cơ cấu của 03 chương cho hợp lý, một số nội dung còn nhắc lại luật, các nội dung sử dụng kết quả nghiên cứu cần được trích nguồn; phần kết của các chương cần trình bày bao quát và logic hơn. Đề tài cần bám vào tên đề tài để đảm bảo mục tiêu và nội dung nghiên cứu.
Theo kết quả bỏ phiếu của thành viên Hội đồng, đề tài được đánh giá đạt, đủ điểu kiện để đánh giá chính thức.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng