Tọa đàm khoa học: “Đổi mới giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”
Ngày đăng:  15/11/2024 | 03:29 CH | 41
Ngày 15 tháng 11 năm 2024, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đổi mới giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì Tọa đàm.
...

Mở đầu cuộc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu khai mạc báo cáo dẫn đề, với mục tiêu tiếp cận đổi mới giáo dục liêm chính xuất phát từ nghiên cứu, đánh giá thực trạng nhận thức về liêm chính, về giáo dục liêm chính và hiệu quả thực hành giáo dục liêm chính thời gian qua. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức. Để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài; từng bước hiện thực hóa quan điểm “Bốn không” - “không thể”, “không dám”, tiến tới ''không muốn'' và ''không cần'' tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, Ban Nội chính Trung ương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án trình Bộ Chính trị ban hành “Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính”; trong đó có nội dung về công tác giáo dục liêm chính trong thời kỳ đổi mới. Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Viện CL&KHTT nhận thấy đây là một vấn đề rất cần được nghiên cứu, trao đổi, bàn luận chuyên sâu để có cơ sở tham mưu xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện vấn đề này.

Giáo dục liêm chính không phải là vấn đề mới và được tiếp cận dưới nhiều góc độ; luôn thu hút sự quan tâm và được tiến hành bởi nhiều chủ thể nhà nước và xã hội ở Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, gắn với mục tiêu PCTN, lãng phí, xây dựng Chính phủ và nền công vụ liêm chính, kiến tạo, phát triển vì nhân dân phục vụ trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thì vấn đề giáo dục liêm chính đang là vấn đề mà hiện nay Đảng, Chính phủ và nhân dân quan tâm sâu sắc.

Kế thừa quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đấu tranh PCTN, tiêu cực, tha hóa quyền lực. Người cho rằng, cần kiểm soát chủ nghĩa cá nhân – “căn bệnh mẹ đẻ ra tham nhũng”.

Về thực tiễn giáo dục liêm chính và hiệu quả thực hành giáo dục liêm chính, xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức liêm chính, nhất là trong bối cảnh Đảng ta luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì việc xây dựng văn hóa liêm chính trong toàn xã hội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng chiến lược, bền vững và hiệu quả nhất. Trong mọi trường hợp, giáo dục trong gia đình là yếu tố nền tảng hình thành nhân cách, lối sống và văn hóa liêm chính, phòng ngừa tham nhũng.

Tiếp theo báo cáo dẫn đề, PGS.TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận: Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện.

Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị có tính hệ thống, khái quát, cập nhật và góp phần đồng bộ với các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương của đảng viên. Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Quy định 144-QĐ/TW chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng và là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW: Một là, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến ngày càng phức tạp hơn nhưng chưa có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả; Hai là, sẽ có những lực cản, trở ngại trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW; Ba là, trong tổ chức thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW cũng sẽ phát sinh những vướng măc, bất cập do yêu cầu cao với trình độ của đội ngũ cán bộ hiện có; Bốn là, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW.

Quy định số 144-QĐ/TW đã đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay; góp phần loại bỏ những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tế nhưng chưa có quy định để điều chỉnh; thiết thực đưa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vào cuộc sống. Đặc biệt, Quy định 144-QĐ/TW còn là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; là cơ sở để cấp ủy đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới; là tiền đề quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Cũng tại Toạ đàm, TS. Tạ Ngọc Hải, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, Bộ Nội vụ trình bày tham luận: Hoàn thiện về chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra.

Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra là việc cán bộ, công chức trong các cơ quan có chức năng thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc trưng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra: Thứ nhất, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành Thanh tra có quan hệ chặt chẽ với chuẩn mực được pháp luật quy định; Thứ hai, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ngành Thanh tra có phạm vi rộng hơn quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ được pháp luật quy định đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Chuẩn mực đạo đức của công chức, viên chức ngành Thanh tra có nhiều nội dung thuộc chuẩn mực đạo đức cán bộ công chức hành chính nói chung được quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, do hoạt động công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra có những điểm rất đặc thù, vì vậy, công chức, viên chức ngành Thanh tra phải tuân thủ những chuẩn mực, yêu cầu khác liên quan đến đạo đức công vụ ngoài quy định về đạo đức công vụ nói chung. Thanh tra còn phải tuân thủ các chuẩn mực đặc thù trong lĩnh vực hoạt động công vụ của mình, nhất là việc tuân thủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành công vụ.

Một số biện pháp bảo đảm liêm chính và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra: Tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra; Đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc thực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra; Đề cao tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân trong việc thực hiện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ngành Thanh tra; Khen thưởng kịp thời cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm đạo đức công vụ của công chức, viên chức ngành Thanh tra.

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận: Nội dung và phương thức giáo dục liêm chính trong giai đoạn hiện nay.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thời gian vừa qua, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị vì chạy theo danh vị, tiền tài, vì lợi ích vật chất, nể nang né tránh, tham vọng cá nhân... đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị liêm chính, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp; chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tập thể; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh cơ quan, tổ chức, làm phai nhạt niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức liêm chính qua một số giải pháp cụ thể sau: Một là, tiếp tục xây dựng, bổ sung các nội dung về liêm chính để giáo dục cán bộ, đảng viên; Hai là, tăng cường công tác đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính; Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền;Bốn là, giáo dục liêm chính gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua; Năm là, chia sẻ, nhân rộng những cách làm hay, kinh nghiệm tốt. 

Việc tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt nhằm tăng cường bản lĩnh chính trị, trau dồi lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tạo sức đề kháng chống các căn bệnh nguy hiểm do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, trong đó có nạn tham nhũng, tiêu cực. Bởi, giáo dục đạo đức liêm chính không chỉ là một giải pháp “chìa khóa” nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; mà còn là cơ sở, là nền tảng để lan tỏa tinh thần liêm chính, văn hóa liêm chính.

Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin về những nội dung: Nhận thức về nội hàm, bản chất của liêm chính, giáo dục liêm chính nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay; Xác định vai trò của các chủ thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục liêm chính. Chủ thể nào đóng vai trò trọng tâm; Xác định đối tượng ưu tiên mà giáo dục liêm chính cần hướng tới; Xác định nội dung giáo dục liêm chính và phương thức, công cụ giáo dục liêm chính, nhất là trong môi trường số hiện nay; Đề xuất giải pháp xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục liêm chính và các giải pháp khác.

Cũng tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng chia sẻ, lực lượng quân đội, an ninh với đặc thù riêng của mình, thấm nhuần khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quan đội” cũng nhận thức rõ đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, đi đầu trong công tác đấu tranh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Đồng chí Phạm Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần nhận thức rõ thế nào là liêm chính, biểu hiện nào là không liêm chính? Tại cơ quan tuyên truyền rất mạnh vấn đề này. Từ già cho đến trẻ cần giáo dục liêm liêm chính, cán bộ lại cần giáo dục liêm chính ở mức cao hơn. Không thể có phương pháp nào cụ thể, liêm chính cần được giáo dục từ nhà gia đình đến cơ quan. Bản thân người làm cha, làm mẹ cần là tấm gương cho con trẻ noi theo, trong cơ quan đơn vị, người lãnh đạo cần là tấm gương cho cán bộ cấp dưới nhìn vào.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao Tọa đàm có nội dung thiết thực, rất đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu đã thu nhận được nhiều kiến thức, thông tin về giáo dục liêm chính.

Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn sự tham gia và chia sẻ của các đại biểu.

Tin: Nguyễn Tuyết

Ảnh: Hữu Thắng