Bàn về chất lượng cuộc thanh tra từ phương diện lý luận    
Cập nhật: 20/02/2023 08:56
Xem lịch sử tin bài

Chất lượng là một phạm trù phức tạp, cùng với thời gian được tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau tại mỗi quốc gia và trong từng lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 cách tiếp cận phổ biến nhất về chất lượng.

1.  Quan niệm về chất lượng cuộc thanh tra

 

1.1. Khái niệm về chất  lượng

 

Chất lượng là một phạm trù phức tạp, cùng với thời gian được tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau tại mỗi quốc gia và trong từng lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 cách tiếp cận phổ biến nhất về chất lượng.

 

- Chất lượng có thể nhìn từ góc độ sự phù hợp với các tiêu chuẩn hay thông số kỹ thuật. Đây là cách tiếp cận chất lượng truyền thống, có nguồn gốc từ ý niệm kiểm soát chất lượng trong các ngành sản xuất. Chất lượng được đo bằng sự phù hợp của nó với các thông số hay tiêu chuẩn được quy định trước đó.  

 

- Chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi nền kinh tế dịch vụ phát triển, nói đến chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, không chỉ đề cập đến vấn đề phù hợp với các tiêu chuẩn hay thông số kỹ thuật, mà còn là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng sử dụng sản phẩm đó. Sản phẩm nào không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì bị coi là kém chất lượng cho dù công nghệ sản xuất ra có hiện đại đến đâu.

 

- Chất lượng là sự phù hợp với mục đích. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với xu hướng áp dụng công nghệ trong quản trị công, các nước trên thế giới cũng bắt đầu áp dụng các tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm là dịch vụ thì việc áp dụng 2 cách tiếp cận trên trở nên khó khăn hơn nhìn từ góc độ quản lý hành chính công (ví dụ chất lượng đào tạo, giáo dục của các cơ sở đại học; chất lượng cung cấp các dịch vụ như du lịch, kiểm toán, kê khai thuế...) do khó khăn trong việc xác định đầy đủ các chỉ tiêu cụ thể có thể lượng hóa. 

 

Một cách tiếp cận khác về chất lượng nhìn từ góc độ quản lý công là đề cập đến sự phù hợp với mục đích. Với cách tiếp cận này, tiêu chí chính yếu để đánh giá chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ không có ý nghĩa gì nếu không gắn với mục đích của sản phẩm hay dịch vụ đó. Chất lượng được đánh giá bởi mức độ mà sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng được mục đích đã tuyên bố. Đó là một khái niệm động, phát triển theo thời gian, tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 

Như vậy có thể thấy, nhìn từ khía cạnh riêng của người sản xuất, người bán hàng, khách hàng, người quản lý …tùy theo góc độ quan sát khác nhau có những cách hiểu hoặc cách quan niệm khác nhau về chất lượng và khó có định nghĩa nào khái quát được đầy đủ hết các đặc điểm cần có của chất lượng. 

 

Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hóa kéo theo sự dịch chuyển về thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hóa..giữa các quốc gia trên thế giới đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc áp dụng thống nhất các quy chuẩn đối với sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, các quốc gia cộng đồng châu Âu đã thống nhất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn sẵn có của Anh quốc (Bản thảo đầu tiên xuất bản vào năm 1985, được chấp thuận xuất bản chính thức vào năm 1987 và sau đó được tu chỉnh vào năm 1994 với tên gọi ISO 9000). Phiên bản mới nhất của bộ tiêu chuẩn này được ban hành năm 2015 với tên gọi ISO 9000:2015, trong đó đưa ra định nghĩa “chất lượng” là: “Mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có của một đối tượng đáp ứng được các yêu cầu đề ra”. 

 

Bộ tiêu chuẩn ISO 9000:2015 đã được áp dụng tại hầu hết các quốc gia và trong mọi lĩnh vực sản xuất, cung cấp dịch vụ và quản trị công. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó và đến nay trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước đã bắt đầu áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9000:2015 dựa trên bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000:2015.

 

Theo cách định nghĩa này, đối tượng được hiểu là bất cứ điều gì có thể cảm nhận được hoặc nhận biết được gồm vật chất, phi vật chất hoặc được hình dung. Ví dụ như: Sản phẩm, dịch vụ, quá trình, cá nhân, tổ chức, hệ thống, nguồn lực hay thậm chí là tình trạng của tổ chức trong tương lai. Đặc tính vốn có được hiểu là đặc trưng để phân biệt tồn tại trong một đối tượng có tính cố định, nhất quán. “Đặc tính vốn có” có thể định tính hoặc định lượng được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:  vật lý (vd. đặc tính cơ, điện, hóa hoặc sinh); hành vi (vd. trung thực, tin cậy); thời gian (vd. đúng lúc, tin cậy, sẵn có, liên tục). Khái niệm “yêu cầu” được hiểu chung là nhu cầu hoặc mong đợi chất lượng có thể đáp ứng. Trong công tác quản lý nhà nước, yêu cầu có thể là bắt buộc do cơ quan lập pháp quy định hoặc do cơ quan quản lý được cơ quan lập pháp giao quyền quy định dưới hình thức văn bản pháp luật. Yêu cầu cũng có thể là ngầm hiểu chung mang tính thông lệ hoặc thực hành chung hay do các bên quan tâm khác nhau đề ra.

 

Trong  phạm vi bài viết này, tác giả lựa chọn cách tiếp cận định nghĩa “Chất lượng” được hiểu là “tập hợp các đặc tính của một đối tượng đáp ứng được yêu cầu đề ra của người sử dụng” làm cơ sở phân tích, làm rõ hơn về quan niệm chất lượng cuộc thanh tra.

 

1.2. Khái niệm cuộc thanh tra

 

Trên thực tế, thuật ngữ “cuộc thanh tra” được sử dụng phổ biến trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra thể hiện với những tên gọi khác nhau được định danh ngay trong quyết định thanh tra hay trong trao đổi thông tin, báo cáo tình hình như “cuộc thanh tra tài chính, ngân hàng”, “cuộc thanh tra đất đai”, “cuộc thanh tra ngành Than”, “cuộc thanh tra ngân sách xã, phường”, “cuộc thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, “cuộc thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh X”, “cuộc thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Bộ Y”, “cuộc thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người có công”, rồi cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng, thanh tra đột xuất, thanh tra theo đơn tố cáo, thanh tra theo yêu cầu của người/cơ quan/tổ chức có thẩm quyền, thanh tra việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia v.v. 

 

Vậy tiêu chí nào để xác định “cuộc thanh tra”? 

 

Tiêu chí thứ nhất liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra xác định: Hoạt động thanh tra cụ thể phải dựa trên một quyết định thanh tra cá biệt với đầy đủ nội dung mà pháp luật thanh tra quy định và quyết định đó phải được người có thẩm quyền ban hành. Đầy đủ nội dung ở đây có nghĩa là trong quyết định thanh tra phải chỉ rõ đối tượng thanh tra, nội dung thanh tra, phạm vi, thời kỳ, thời hạn, thời gian tiến hành thanh tra, người tiến hành thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của người tiến hành thanh tra, của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra. Về hình thức, quyết định thanh tra là một quyết định hành chính cá biệt. Vì vậy, quyết định thanh tra còn phải bảo đảm về hình thức theo đúng quy định về văn bản hành chính trong quản lý nhà nước. 

 

Vậy tiêu chí này xác định đã là cuộc thanh tra thì trước tiên  phải có quyết định thanh tra bằng văn bản của người có thẩm quyền. Người có thẩm quyền ở đây được pháp luật thanh tra quy định, đó là, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước và thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 

Tiêu chí thứ hai liên quan đến nội dung, phạm vi và đối tượng thanh tra. Nội dung, phạm vi, đối tượng thanh tra quyết định việc sử dụng nhân lực tiến hành thanh tra là một công chức, một đoàn thanh tra hay nhiều đoàn thanh tra thực hiện. Ví dụ như cuộc thanh tra toàn ngành Ngân hàng năm 1996, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cuộc thanh tra đầu tư xây dựng cơ bản năm 2002, theo yêu cầu của Bộ Chính trị; cuộc thanh tra đất đai nhiều năm liên tục theo Nghị quyết của Chính phủ đều do hàng chục, hàng trăm đoàn thanh tra thực hiện trên diện rộng. Theo Luật thanh tra năm 2010, thanh tra hành chính phải do Đoàn thanh tra tiến hành; thanh tra chuyên ngành có thể do một thanh tra viên hoặc một công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện; việc tiến hành thanh tra phải có quyết định thanh tra của người có thẩm quyền hoặc văn bản giao nhiệm vụ thanh tra của thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Như vậy, ở đây có thể thấy quy mô khác nhau của các cuộc thanh tra. Có cuộc thanh tra do nhiều đoàn thanh tra tiến hành, có cuộc thanh tra do một đoàn thanh tra tiến hành và có cuộc thanh tra chỉ do một thanh tra viên hoặc một công chức thực hiện.

 

Tiêu chí thứ ba, cuộc thanh tra là một quá trình thực hiện liên tiếp các hoạt động cần thiết từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Kết quả của cuộc thanh tra là toàn bộ những gì thu được phản ánh diễn biến trong quá trình thực hiện ở mỗi giai đoạn cụ thể từ khi tiến hành thanh tra đến khi kết thúc cuộc thanh tra, mà sản phẩm cuối cùng là Kết luận thanh tra.Trên thực tế có những quyết định thanh tra được ban hành nhưng chúng không được thực hiện (vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau như cấp trên yêu cầu dừng cuộc thanh tra; có sự trùng lặp về thời gian, đối tượng thanh tra giữa các cơ quan thanh tra hoặc giữa các chủ thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; người được giao nhiệm vụ tiến hành thanh tra không thể thực thi quyết định thanh tra vì hoàn cảnh khách quan, chủ quan bất khả kháng v.v.) thì sẽ không được thống kê vào số lượng cuộc thanh tra theo quan niệm trên. Do vậy, ở khía cạnh này, được coi là một cuộc thanh tra khi mỗi quyết định thanh tra  phải được thực hiện trên thực tế và được thống kê vào số lượng cuộc thanh tra được tiến hành trong thời kỳ thống kê, báo cáo.Từ những luận giải trên có thể đưa ra khái niệm về cuộc thanh tra như sau: Cuộc thanh tra là hoạt động thực thi một quyết định thanh tra của chủ thể có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định

 

1.3. Chất lượng cuộc thanh tra

 

1.3.1. Khái niệm chất lượng cuộc thanh tra 

 

Như vậy, từ những luận giải về khái niệm “cuộc thanh tra” và “chất lượng”, có thể thấy một cuộc thanh tra có chất lượng phải chứa đựng các thuộc tính (đặc điểm) có giá trị riêng biệt vốn có được thể hiện trong toàn bộ quá trình thực hiện một cuộc thanh tra và đáp ứng được mục đích đặt ra đối với hoạt động thanh tra.

 

Thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nói chung, của quản lý nhà nước nói riêng. Xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước theo mỗi giai đoạn phát triển, mục đích của hoạt động thanh tra cũng thay đổi với những thứ tự ưu tiên khác nhau nhằm phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cơ bản những nội dung chính về mục đích hoạt động thanh tra, đó là góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, khiếm khuyết.

 

Nhìn nhận từ góc độ lịch sử phát triển pháp luật thanh tra có thể thấy, mục đích hoạt động thanh tra được thể hiện cụ thể trong các văn bản pháp luật về thanh tra, nhất là từ trong giai đoạn Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 được ban hành đến nay (chịu sự điều chỉnh của Luật Thanh tra năm 2010).

 

Theo Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, hoạt động thanh tra hướng tới hai mục đích căn bản là phát huy nhân tố tích cực và phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước. 

 

Đến Luật Thanh tra năm 2004, mục đích thanh tra đã có sự thay đổi đáng kể, đó là thứ tự ưu tiên của những mục đích cần đạt được. Mục đích phát huy nhân tố tích cực vẫn được đề cập nhưng không còn ở vị trí ưu tiên hàng đầu như trước, thay vào đó là mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Sự thay đổi này bắt nguồn từ nguyên nhân Luật Thanh tra năm 2004 ra đời trong thời điểm quá trình đổi mới nền kinh tế đã diễn ra trong thời gian khá dài. Lúc này, để đảm bảo cho các hoạt động kinh tế được diễn ra bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật, hoạt động thanh tra cần phải hướng đến mục đích đầu tiên là phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Ở Luật Thanh tra năm 2010, một lần nữa, mục đích hoạt động thanh tra lại có sự thay đổi, mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật không còn được đặt lên hàng đầu mà thay vào đó là mục đích phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. 

 

Như vậy có thể thấy, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước theo mỗi giai đoạn phát triển, mục đích của hoạt động thanh tra cũng thay đổi nhằm phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh tra.

 

Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận chất lượng cuộc thanh tra ở riêng khía cạnh là đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng việc có đạt được mục đích thanh tra đã đề ra hay không, hay kết quả của mỗi cuộc thanh tra có đạt được mục đích cụ thể của cuộc thanh tra đó hay không là chưa đầy đủ và toàn diện về chất lượng cuộc thanh tra.  

 

Con số hàng vạn cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành trong một năm hoàn toàn chưa phản ánh được giá trị, vai trò, ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra nói chung, của các cuộc thanh tra nói riêng. Có nghĩa là chỉ thống kê số lượng cuộc thanh tra được tiến hành trong kỳ báo cáo sẽ không có ý nghĩa gì. Báo cáo công tác thanh tra chỉ thu hút được người đọc, người nghe khi có những nội dung viết về sai phạm, khuyết điểm, khiếm khuyết, sai lệch giữa thực tiễn với quyết định quản lý được phát hiện qua thanh tra và kết quả xử lý, kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm, khiếm khuyết, sai lệch đó. Những nội dung này chưa phản ánh toàn diện “phẩm chất”, “giá trị” của cuộc thanh tra, nhưng phần nào khắc họa “phẩm chất”, “giá trị” cuộc thanh tra hay nói một cách trực diện, đó là phản ánh chất lượng cuộc thanh tra.

 

Một cuộc thanh tra nào đó không phát hiện được sai phạm, khuyết điểm thậm chí không chỉ ra được một sai lệch, khiếm khuyết nào, không đưa ra được đề xuất, kiến nghị nào nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, quyết định quản lý thì khó có thể đánh giá đó là cuộc thanh tra có chất lượng. Nhưng ngược lại, cuộc thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, làm rõ trách nhiệm và xử lý nhiều hành vi sai phạm, khuyết điểm, bao gồm cả trách nhiệm hành chính, kỷ luật, hình sự cũng chưa hẳn là cuộc thanh tra có chất lượng cao, nếu như bỏ qua tính tuân thủ, yếu tố kịp thời, hiệu quả... trong hoạt động thanh tra. 

 

Để đưa ra những nhận xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra luôn phải lấy pháp luật làm thước đo, làm tiêu chí để so sánh, đánh giá. Nếu pháp luật chưa quy định thì cần tìm tiền lệ, thông lệ để so sánh, đánh giá. Nếu pháp luật chưa quy định, mà tiền lệ, thông lệ cũng chưa có thì phải xem xét tính không vụ lợi của hành vi, việc làm đó để xem xét, đánh giá.  Đó là lý thuyết về đánh giá trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, việc xử lý, kiến nghị xử lý sai phạm, khiếm khuyết được phát hiện qua hoạt động thanh tra không thuần túy chỉ dựa vào pháp luật, tiền lệ hay thông lệ, mà còn phải tính tới các yếu tố khác trong bối cảnh lịch sử-cụ thể như chính trị, xã hội, lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Nội dung này cũng liên quan đến đánh giá chất lượng cuộc thanh tra. Đáp ứng được tính mục đích trong hoạt động thanh tra, nhưng chất lượng cuộc thanh tra còn phải được nhìn nhận ở khía cạnh cuộc thanh tra ấy được thực hiện tuân thủ các quy định  pháp luật về thẩm quyền, thời gian, đảm bảo các nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, có hiệu lực, hiệu quả.

 

Từ những luận giải về khái niệm chất lượng, cuộc thanh tra và yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về mục đích, nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, có thể đưa ra khái niệm về chất lượng cuộc thanh tra như sau: “Chất lượng cuộc thanh tra là mức độ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng việc thực thi quyết định thanh tra một cách kịp thời, chính xác, khách quan, trung thực, hiệu quả, hiệu lực theo các quy định của pháp luật.”

 

1.3.2. Các đặc tính của chất lượng cuộc thanh tra

 

Chất lượng cuộc thanh tra nếu chỉ dừng lại ở đánh giá đạt được mục đích hoạt động thanh tra, thì rất chung chung. Do vậy, đánh giá một cuộc thanh tra đạt chất lượng cao hay không, còn cần phải xem xét về việc cuộc thanh tra đó đáp ứng các yêu cầu cụ thể về đặc tính chất lượng của cuộc thanh tra như thế nào. Các đặc tính này thể hiện trong suốt quá trình tiến hành cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến khi kết thúc thanh tra. Điều này có nghĩa rằng, bản thân cuộc thanh tra phải chứa đựng trong nó những đặc tính chất lượng và luôn được thể hiện trong mọi quá trình thực hiện từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra. Tổng hợp kết quả hoạt động thanh tra trong những giai đoạn này sẽ phản ánh giá trị của chúng ở sản phẩm cuối cùng - kết luận thanh tra. Các đặc tính của chất lượng cuộc thanh tra bao gồm:

 

Thứ nhất, mức độ cần thiết  của nội dung thanh tra với yêu cầu quản lý nhà nước. 

 

Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý nhà nước rất rộng, bao trùm mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, mà nguồn lực thanh tra luôn có hạn nên trong một thời điểm nhất định chỉ có thể ưu tiên trong lựa chọn một số lĩnh vực, nội dung trong quản lý nhà nước để thanh tra. Chất lượng cuộc thanh tra ở đây được thể hiện qua mức độ phù hợp của việc lựa chọn đối tượng thanh tra với tính cấp thiết trong yêu cầu quản lý nhà nước của lĩnh vực, nội dung đó. 

 

Để đảm bảo bảo mục đích của hoạt động thanh tra nói chung và từng cuộc thanh tra nói riêng phải tiến hành thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Muốn vậy, cần phải xác định (lựa chọn) nội dung thanh tra. Đây là một trong những đặc tính vốn có của chất lượng cuộc thanh tra, là cơ sở  cho việc xác định mục tiêu, phương pháp tiến hành cuộc thanh tra, cũng như đảm bảo quy trình tiến hành một cuộc thanh tra được khép kín, các bước hoạt động thanh tra và tổ chức thực hiện được gắn bó chặt chẽ hơn, từ việc nắm bắt, tìm hiểu, thu thập thông tin trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến giai đoạn tiến hành thanh tra và giai đoạn kết thúc thanh tra. Đặc tính mức độ phù hợp hay tầm quan trọng của việc lựa chọn nội dung thanh tra thể hiện chất lượng cuộc thanh tra từ những khía cạnh sau đây:

 

(i) Tính thời sự: Việc xác định nội dung thanh tra cần tập trung vào những vấn đề quản lý nhà nước cấp thiết đáp ứng sự quan tâm của xã hội nói chung, của chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước nói riêng đối với nội dung dự kiến thanh tra. Khía cạnh này cũng hàm ý thể hiện sự đảm bảo của hoạt động thanh tra đối với việc đáp ứng kịp thời mục tiêu mà hoạt động quản lý nhà nước hướng tới, cũng như ảnh hưởng tích cực (tiêu cực) của chúng tới xã hội hay hoạt động quản lý nhà nước. 

 

(ii) Phạm vi và tầm quan trọng: Liên quan đến mức độ tác động của hoạt động quản lý nhà nước đối với đối tượng chịu sự quản lý. Phạm vi hoạt động quản lý nhà nước càng lớn, có tác động lớn về quy mô cũng như đối tượng thì tầm quan trọng của việc xem xét, đánh giá hoạt động quản lý nhà nước càng được thể hiện ở sự đầy đủ và thích hợp của các vấn đề, thời kỳ (niên độ), đối tượng... được thanh tra để đảm bảo thanh tra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quản lý nhà nước cũng như các đối tượng (cơ quan) hữu quan.

 

(iii) Không trùng lặp: Liên quan đến việc cân nhắc những nội dung dự kiến thanh tra trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra được các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tiến hành trước đó hoặc có kế hoạch thực hiện cùng kỳ.

 

Thứ hai, cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính xác, khách quan, trung thực, công khai và kịp thời. 

 

Vấn đề quan trọng khác cần xem xét đến trong xác định chất lượng cuộc thanh tra, đó là cuộc thanh tra phải tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của các chủ thể tiến hành cuộc thanh tra, tức là xem xét về tính tuân thủ các quy định pháp luật về thực hiện một cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra.

 

(i) Tính chính xác, trung thực. Đây là yêu cầu tiên quyết đối với các chủ thể liên quan thực hiện nhiệm vụ trong quá trình triển khai một cuộc thanh tra.  Tính chính xác và tính trung thực có mối quan hệ biện chứng trong việc đảm bảo chất lượng cuộc thanh tra. Đảm bảo được yếu tố trung thực sẽ giúp cho kết quả thanh tra đạt được yêu cầu về chính xác và ngược lại. Điều này có nghĩa là một cuộc thanh tra phải được tiến hành trên cơ sở có đầy đủ những căn cứ rõ ràng đã được quy định trong pháp luật; việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn, các quyền và nghĩa vụ pháp lý khác hoàn toàn phải phù hợp với quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra. 

 

(ii) Tính khách quan. Các phát hiện và kết luận thanh tra phản ánh khách quan thể hiện qua tình hình thực tế của đối tượng được thanh tra, có bằng chứng đầy đủ, thích hợp; kết luận thanh tra dựa trên các phát hiện thanh tra xuất phát từ thực tiễn quản lý hành chính nhà nước. Mọi quyết định, kết luận hay kiến nghị trong hoạt động thanh tra đều xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi người tiến hành tra có trình độ hiểu biết về chính trị, pháp luật, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ để có thể độc lập, khách quan trong suy nghĩ và hành động.

 

(iii) Tính công khai. Đặc tính này được thể hiện ở khía cạnh nội dung các công việc của hoạt động thanh tra được thông báo một cách đầy đủ và rộng rãi cho mọi đối tượng có liên quan biết theo đúng quy định của pháp luật; các kết luận, kiến nghị, quyết định về thanh tra trong hoạt động thanh tra được thông báo công khai cho các đối tượng có liên quan biết. Công khai và đảm bảo quy định về bí mật nhà nước, là các nội dung luôn phải tuân thủ trong công tác thanh tra.

 

(iv) Tính kịp thời. Đây là một đặc tính trong phương pháp hoạt động của thanh tra được thể hiện qua việc: khi có đầy đủ cơ sở tiến hành thanh tra, tổ chức thanh tra có thẩm quyền nhanh chóng tiến hành hoạt động thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; và trong hoạt động thanh tra, khi cần thực hiện các quyền để đảm bảo công việc theo yêu cầu, kế hoạch đề ra thì các chủ thể thực hiện các quyền đó phải thực hiện ngay các quyền đó trong thời hạn được pháp luật quy định (ví dụ quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra…). 

 

Thứ ba, một cuộc thanh tra phải đạt được tính hiệu quả, hiệu lực.

 

Mặc dù mỗi đặc tính có một ý nghĩa riêng, nhưng liên quan chặt chẽ với nhau. Tính hiệu quả là việc xem xét mức độ tương quan hợp lý, tương xứng giữa nguồn lực (con người, ngân sách...thời gian) với tầm quan trọng và độ phức tạp của một cuộc thanh tra. Hiệu quả của cuộc thanh tra được biểu hiện ở khía cạnh: với nguồn lực hợp lý, có thể đảm bảo chất lượng cuộc thanh tra đạt được mục đích như dự kiến hoặc tốt hơn so với mục tiêu ban đầu. Tính hiệu quả của cuộc thanh tra cần được nhìn nhận trong một môi trường chính trị - pháp lý - kinh tế và giai đoạn phát triển nhà nước nhất định. Do đó, sự nhìn nhận hiệu quả bao giờ cũng bao hàm tính lịch sử và cụ thể của một cuộc thanh tra.

 

Tính hiệu quả là vấn đề quan trọng cần xét đến trong bất cứ hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước nào, nhưng cách tiếp cận về hiệu quả của cuộc thanh tra cũng rất khác nhau. Có quan điểm cho rằng cuộc thanh tra phát hiện được nhiều sai phạm về kinh tế, về con người thì đó là cuộc thanh tra có hiệu quả (kết quả) cao; quan điểm khác lại cho rằng hiệu quả nằm ở việc xử lý triệt để ở mức độ nào đối với sai phạm được phát hiện qua thanh tra; quan điểm khác nữa cho rằng hiệu quả công tác thanh tra là ở chỗ phát hiện sơ hở về cơ chế, chính sách để từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, từ đó tránh được những thất thoát, lãng phí và các sai phạm khác… 

 

Mặc dù để xác định được tính hiệu quả trong hoạt động thanh tra là việc không dễ dàng, nhưng không phải là không làm được hay không tiếp cận được con số có thể chấp nhận được. Suy cho cùng, hiệu quả của một hoạt động, đó là con số được chỉ ra sau khi lấy tổng số thu về trừ đi tổng số chi phí đã bỏ ra cho hoạt động đó. Con số thu được là con số dương càng lớn, biểu thị hiệu quả của hoạt động đó càng cao. Ngược lại, con số thu được là con số âm càng nhiều thì hiệu quả của hoạt động đó càng thấp.

 

Tính hiệu lực của cuộc thanh tra hàm ý các phát hiện, quyết định, kiến nghị, kết luận được hiện thực hóa bằng các hoạt động chấp thuận, thực hiện bởi đối tượng thanh tra và được cơ quan quản lý nhà nước liên quan sử dụng; đạt được các tác động mong muốn; góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình, sự minh bạch và nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước. 

 

Xét trong quá trình tổ chức thực hiện một cuộc thanh tra từ khâu khảo sát, nắm tình hình, chuẩn bị triển khai đến khi cấp có thẩm quyền ban hành Kết luận thanh tra, thì tính hiệu quả của cuộc thanh tra dễ nhận thấy hơn (ví dụ thời gian thanh tra ít, nhân lực không đông và kết luân thanh tra đáp ứng được yêu cầu đặt ra). Tuy nhiên, tính hiệu lực của một cuộc thanh tra lại được nhìn thấy rõ hơn trong giai đoạn xử lý sau thanh tra, khi các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Trần Đức Lượng, “Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước” – Đề tài khoa học cấp Nhà nước, 2002;
2. ThS. Văn Tiến Mai, “Hoàn thiện pháp luật về thanh tra trong giai đoạn hiện nay” - Đề tài khoa học cấp bộ, 2016-2017;
3. ThS. Bùi Ngọc Lam, “Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Đoàn thanh tra - Thanh tra Chính phủ” - Đề tài khoa học cấp bộ, 2009 – 2010;
4. ThS. Đặng Khánh Toàn, "Báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra - những vấn đề lý luận và thực tiễn" - Đề tài khoa học cấp bộ, 2009 – 2010;
5. Nguyễn Thái Hồng, “Các nguyên tắc trong hoạt động thanh tra - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” - Đề tài khoa học cấp bộ, 2010 – 2011;

 


Đậu Thị Hiền
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: