Theo hướng tiếp cận trên, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được hiểu là việc các cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành và minh bạch chính sách pháp luật; tiếp đón để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân; tuyên truyền, vận động, giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo và giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
Thực hiện tốt công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhằm phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị; bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tăng cường pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
Vai trò công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thể hiện ở những phương diện chủ yếu sau:
Một là, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
Qua vận động nhân dân thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính có thể phát hiện những vi phạm trong quá trình áp dụng pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính để có biện pháp ngăn chặn, giải quyết, xử lý kịp thời. Việc ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng xung đột lợi ích giữa tổ chức và cá nhân với nhà nước trong quá trình quản lý là khó tránh khỏi. Khi thực hiện các nhiệm vụ của mình, các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền có thể thực hiện các hành vi hoặc quyết định không đúng pháp luật hoặc không thích ứng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng tới quyền lợi của tổ chức và công dân. Khi đó, khiếu nại, tố cáo là phương thức hiệu quả để tổ chức, cá nhân thông tin đến và giúp cho cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền biết được đã có một hành vi vi phạm xảy ra hoặc một quyết định không đúng đã được ban hành. Từ đó có biện pháp sửa chữa hoặc khắc phục để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Qua vận động nhân dân thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mục đích chính của vận động nhân dân thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ đó đảm bảo thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng có nghĩa là nhà nước đã góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Như vậy, vận động nhân dân thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được hiểu là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng đảm bảo thực hiện các quyền, bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hai là, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào thực tiễn, tăng cường pháp chế và hoàn thiện cơ chế quản lý
Để quản lý và điều hành xã hội, nhà nước phải ban hành pháp luật. Đó là hệ thống các quy tắc, quy định mà nhà nước đặt ra trong đó xác định cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân những việc được làm, không được làm hoặc phải làm. Pháp luật thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, đưa đường lối, chính sách đi vào cuộc sống. Song pháp luật chỉ thực sự phát huy tác dụng khi mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân tuân thủ pháp luật.
Một trong những nguyên tắc của việc thực hiện pháp luật là pháp luật sau khi ban hành phải được tổ chức thực thi trên thực tế. Việc thực hiện pháp luật phải bảo đảm tính công khai, khách quan, minh bạch, công bằng và thống nhất trong cả nước. Để pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sau khi được ban hành kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy thực thi, ban hành các văn bản hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện.
Vận động nhân dân thực thi pháp luật là nhằm làm cho các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nghiêm chỉnh chấp hành. Qua vận động nhân dân thực thi pháp luật, các cơ quan hành chính nhà nước có được những thông tin quan trọng, tin cậy để kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của pháp luật và các quyết định quản lý của mình trong đời sống xã hội; thấy rõ được tình hình thi hành chính sách, pháp luật; thấy rõ năng lực và phẩm chất cán bộ; tình hình tổ chức nói chung, thấy rõ yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Từ đó, các cơ quan hành chính nhà nước có thêm các cơ sở để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; đổi mới hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính, đề ra những chủ trương, biện pháp mới nhằm đưa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt chất lượng, hiệu quả, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Như vậy, hoạt động tiếp đón, lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan hành chính đã góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, tăng cường pháp chế và hoàn thiện cơ chế quản lý.
Ba là, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước
Công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mặt khác, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước, động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, vận động nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác này còn giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện những lỗ hổng của cơ chế, chính sách, những sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để hạn chế khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại. Thực tiễn cũng cho thấy nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật có lý, có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở.
Tiếp công dân thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập được những thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chính sách, chủ trương, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Bốn là, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần quan trọng trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
Để hướng đến một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một xã hội công bằng dân chủ văn minh, một nền kinh tế minh bạch, thì dân vận trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiệm vụ, vai trò chính trị cực kỳ quan trọng. Dân vận trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Nhà nước phải đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành vi xâm phạm lợi ích Tổ quốc và nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Quyền khiếu nại, tố cáo liên quan chặt chẽ với các quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của công dân, là quyền dân chủ trực tiếp, là một nội dung quan trọng của chế định dân chủ xã hội chủ nghĩa để công dân thông qua đó tích cực tham gia vào việc quản lý qhà nước, quản lý xã hội. Qua công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp các cơ quan kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh. Những kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn xã hội sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và tìm ra những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức và quản lý, xử lý hành vi trái pháp luật, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội, phát huy quyền của nhân dân
Ở một phương diện khác, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát huy dân chủ, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; giữa nhân dân với Đảng, chính quyền; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Năm là, công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trực tiếp góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện tốt công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không những bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật mà còn phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tăng cường pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Khiếu nại, tố cáo thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân và đây cũng một đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Với vai trò quan trọng của công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nhà nước cần tập trung thực hiện tốt công tác dân vận của cơ quan hành chính để giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo phát sinh trong hoạt động hành chính ngay từ cơ sở. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chính là nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là kết quả và chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
ThS. Lê Đức Trung
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra