Cơ chế giải quyết xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ ở Cộng hòa Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam    
Cập nhật: 11/11/2021 09:56
Xem lịch sử tin bài

Có thể định nghĩa xung đột lợi ích là tình huống trong đó một người làm việc ở lĩnh vực công hay tư nhưng lại có lợi ích có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc và trách nhiệm của họ tại cơ quan, tổ chức đó. Theo Luật về minh bạch hoá, chống tham nhũng và hiện đại hoá đời sống kinh tế - ban hành ngày 09/12/2016 của Cộng hoà Pháp thì xung đột lợi ích được định nghĩa như “bất kỳ sự giao thoa nào giữa một lợi ích công với một lợi ích công khác hoặc lợi ích tư, mà khả dĩ làm ảnh hưởng hoặc có thể làm ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư và khách quan trong việc thực thi công vụ” .

1. Khái niệm và tiêu chí xác định xung đột lợi ích

 

Có thể định nghĩa xung đột lợi ích là tình huống trong đó một người làm việc ở lĩnh vực công hay tư nhưng lại có lợi ích có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện công việc và trách nhiệm của họ tại cơ quan, tổ chức đó. Theo Luật về minh bạch hoá, chống tham nhũng và hiện đại hoá đời sống kinh tế - ban hành ngày 09/12/2016 của Cộng hoà Pháp thì xung đột lợi ích được định nghĩa như “bất kỳ sự giao thoa nào giữa một lợi ích công với một lợi ích công khác hoặc lợi ích tư, mà khả dĩ làm ảnh hưởng hoặc có thể làm ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư và khách quan trong việc thực thi công vụ”[1].

 

Theo tác giả Armos Durosier. “xung đột lợi ích có nghĩa là việc tìm kiếm những lợi ích cho bản thân công chức, gia đình, hay những người thân của họ, từ các tổ chức mà anh ta có quan hệ công việc hay chính trị. Lợi ích được hiểu bao gồm các nghĩa vụ tài chính hay dân sự của công chức đó, lợi ích có thể hiện diện dưới hình thức kinh tế, chính trị, công việc hay tình dục”[2].

 

Xung đột lợi ích có quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Dẫu ở khu vực tư hay công thì một cá nhân luôn có khả năng tìm cách hưởng lợi một cách trực tiếp hay gián tiếp từ địa vị mà anh ta có được. Trên thực tế, xung đột lợi ích và tham nhũng không hoàn toàn trùng khớp, nhưng “Phần lớn các hình thức tham nhũng đều hình thành từ việc có những xung đột giữa trách nhiệm nghề nghiệp của một con người với các lợi ích cá nhân của anh ta”[3]. Bởi vậy dự liệu về xung đột lợi ích là một phần của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

 

Rất gần đây, pháp luật Cộng hòa Pháp mới điều chỉnh về xung đột lợi ích như là một quy tắc đạo đức công vụ. Luật 2016 về minh bạch hoá, chống tham nhũng và hiện đại hoá đời sống kinh tế - ban hành ngày 09/12/2016 của Cộng hoà Pháp - đã quy định về xung đột lợi ích và đặt nó thành quy tắc ứng xử của công chức - bằng việc đưa bổ sung điều 25bis - về nghĩa vụ của công chức phải báo trước về tình huống xung đột lợi ích hoặc phải chấm dứt ngay tình huống này[4].

 

Các tiêu chí để xác định xung đột lợi ích là:

 

Thứ nhất, phải tồn tại một lợi ích. Lợi ích này có thể là trực tiếp (đang thực hiện một hoạt động nghề nghiệp khác); hoặc gián tiếp (vợ/ chồng đang thực hiện hoạt động có liên quan); cá nhân (nắm giữ cổ phần trong một công ty); hoặc công cộng (đang đảm nhiệm một nhiệm kỳ chức vụ); là vật chất (một khoản tiền) hoặc tinh thần (một hoạt động tự nguyện hay một chức vụ danh dự).

 

Thứ hai, lợi ích đó phải gắn với việc thực hiện một công vụ. Sự liên hệ mật thiết này có thể diễn ra ở phương diện nội dung (ví dụ như thực thi một hoạt động đặc thù trong một lĩnh vực nhất định); hoặc địa lý (các lợi ích nắm giữ bởi một địa phương) hoặc thời gian (lợi ích đã xảy ra trong quá khứ).

 

Thứ ba, lợi ích đó phải có ảnh hưởng hoặc được nhìn thấy như là gây ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ một cách độc lập, vô tư và khách quan.

 

Tiêu chí này dẫn đến việc đánh giá xung đột lợi ích theo từng trường hợp: sẽ được coi là có xung đột lợi ích nếu như sự ảnh hưởng đủ mạnh để gợi nên những mối nghi ngại về tính khách quan trong thực thi công vụ của một công chức[5].

 

2. Các biện pháp phòng chống xung đột lợi ích

 

Bảo đảm cho hoạt động công vụ được khách quan, vô tư là một nguyên tắc sống còn của nền hành chính hiện đại. Bởi vậy việc phòng chống xung đột lợi ích được đề cao trong pháp luật Pháp. Các biện pháp ngừa xung đột lợi ích được tiếp cận từ nhiều góc độ: trách nhiệm của cá nhân người công chức; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; trách nhiệm chung của công chức và trách nhiệm đặc thù của công chức trong một số ngành, lĩnh vực.

 

a. Về phía cơ quan nhà nước

 

Các cơ quan hành chính có quyền giám sát xung đột lợi ích. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan hành chính nói chung thì cần tính đến vai trò của một cơ quan đặc thù: Cơ quan Tối cao về minh bạch hoạt động hành chính (sau đây gọi tắt là Cơ quan Minh bạch). Đây là một cơ quan hành chính độc lập - Chủ tịch được bổ nhiệm bởi Tổng thống theo đệ trình của hai Uỷ ban về pháp luật và công vụ tại Thượng viện và Hạ viện, các thành viên bao gồm các thẩm phán tại Toà bảo hiến, Toà phá án và một số chuyên gia được đề cử bởi các Uỷ ban của Nghị viện[6].

 

Các quan chức (theo luật quy định) phải gửi một bản kê khai tài sản và một bản khai về lợi ích đến cơ quan Tối cao về minh bạch hoạt động hành chính - ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình. Bản khai này phải liệt kê các hoạt động nghề nghiệp trong quá khứ và hiện tại, sự tham gia vào các tổ chức công hay tư, các hoạt động tự nguyên hay các hoạt động nghề nghiệp của vợ hoặc chồng.

 

Cơ quan minh bạch sẽ thực hiện sự giám sát đối với các bản khai lợi ích để nhằm phát hiện ra các trường hợp mà lợi ích tư hoặc công có thể chi phối hay ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ. Nếu phát hiện thấy tình huống xung đột lợi ích, Cơ quan Minh bạch sẽ có những biện pháp khác nhau để xử lý tình hình. Đầu tiên cơ quan có thể kiến nghị thông qua việc trao đổi với người kê khai các giải pháp để có thể ngăn ngừa hoặc dập tắt trường hợp xung đột lợi ích. Đó có thể là công khai lợi ích đó, hoặc không tham gia vào việc thảo luận nếu người công chức có lợi ích liên quan; hoặc thậm chí có thể từ bỏ lợi ích đó.

 

Nếu như tình hình vẫn chưa được giải quyết thì cơ quan minh bạch sẽ đưa ra các biện pháp cưỡng chế dưới hình thức một mệnh lệnh. Cơ quan này có thể ra lệnh cho tất cả các quan chức thuộc thẩm quyền của mình (trừ Thủ tướng và các nghị sĩ) phải chấm dứt ngay tình trạng xung đột lợi ích. Mệnh lệnh này có thể công khai và việc không tuân thủ sẽ chịu chế tài hình sự là 01 năm tù giam và 15.000 euro tiền phạt.

 

Cũng giống như việc kê khai tài sản, việc một người không kê khai lợi ích hoặc không kê khai đầy đủ các lợi ích của mình sẽ chịu hình phạt 03 năm tù giam và 45.000 euro. Trong mọt số trường hợp điều này có thể dẫn đến việc tước bỏ một số quyền dân sự trong thời hạn tối đa là 10 năm hoặc cấm đảm nhiệm một công vụ, hoặc cấm đảm nhiệm vĩnh viễn các hoạt động công vụ[7].

 

b. Về phía cá nhân công chức

Luật quy định về nghĩa vụ của các công chức hành xử khi đối mặt với tình huống xung đột lợi ích. Bất kỳ công chức hành chính hay quân sự nào cũng phải dừng ngay hoặc báo trước cho cấp có thẩm quyền biết về những tình huống xung đột lợi ích mà anh ta có thể bị rơi vào, ví dụ như việc xử lý hồ sơ hoặc khi là thành viên của hội đồng có thẩm quyền nào đó. Hơn nữa, một số công chức cấp cao (do Tham chính viện quy định cụ thể các đối tượng) còn phải chịu nghĩa vụ kê khai tất cả những lợi ích của mình có (đồng thời với kê khai tài sản) trong khoảng thời gian 02 tháng sau khi được bổ nhiệm và vào lúc kết thúc hoạt động. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra các kê khai này là cơ quan tối cao về minh bạch hoá hoạt động hành chính. Mục đích của quy định này là ngừa các nghi ngại về sự thiên vị có thể đến trong quá trình ra quyết định.

 

Cụ thể hơn, các cách hành xử trong trường hợp công chức phát hiện ra mình trong tình huống xung đột lợi ích được quy định rõ như sau:

 

Trong trường hợp công chức đặt dưới sự lãnh đạo của thủ trưởng trực tiếp, thì công chức đó phải báo cáo ngay cho thủ trưởng; người thủ trưởng này phải bàn giao ngay việc xử lý hồ sơ hay soạn thảo quyết địh cho người khác;

 

Trong trường hợp công chức được uỷ quyền ký quyết định thì anh ta phải tự mình dừng ngay việc ký quyết định đó;

 

Trong trường hợp công chức tham gia vào một hội đồng thì phải ngừng ngay việc tham gia; hoặc nếu đã tham gia thì không được biểu quyết; Trường hợp công chức đang thực hiện một chức năng tố tụng thì phải được thay thế theo các quy định của luật tố tụng; Trường hợp công chức đang thực thi công vụ của mình, người này phải được thay thế bởi bất kỳ công chức nào khác mà không chịu sự chỉ đạo của công chức đang ở trong tình huống xung đột lợi ích

 

Bên cạnh các quy định chung, cũng có những quy định đặc thù đặt ra các quy tắc ứng xử cho nhóm nghề nghiệp riêng biệt như thẩm phán hành chính, thẩm phán thuế.

 

c. Các quy định kiểm soát xung đột lợi ích cho một số loại công chức hoặc một số công chức làm việc trong các lĩnh vực đặc thù

 

Thứ nhất, có những quy định đặc thù cho một số loại công việc, ví dụ như người được uỷ quyền quản lý các công cụ tài chính.

 

Việc nắm giữ một số công cụ tài chính có thể ảnh hưởng đến nội dung việc ra quyết định của công chức. Hơn nữa việc quản lý một số tài khoản hay chứng khoán còn có thể dẫn đến rủi ro cho công chức: khả năng vi phạm các tội hình sự như tiếp tay cho rửa tiền, nội gián.v.v. theo Điều 465-1 Bộ luật về tài chính và tiền tệ của Pháp.

 

Để phòng ngừa rủi ro này thì các thành viên Chính phủ, các thủ trưởng và thành viên của các cơ quan hành chính độc lập có liên quan đến lĩnh vực kinh tế và một số công chức liên quan trong quản lý các công cụ tài chính phải tuân thủ một số điều kiện - chủ yếu để loại trừ quyền kiểm soát các công cụ tài chính trong thời hạn thực thi công vụ. Các cơ quan hành chính độc lập thuộc sự điều chỉnh là: Cơ quan quản lý cạnh tranh; Cơ quan điều tiết các hoạt động đường sắt và đường bộ; Cơ quan điều tiết thông tin và bưu điện; Cơ quan thị trường tài chính, Uỷ ban quốc gia về phát triển thương mại; Hội đồng nghe nhìn cấp cao.v.v.

 

Ngoại trừ trường hợp các công cụ tài chính được nắm giữ bởi một tập thể thì các công chức, chức danh khác nếu nắm giữ các công cụ tài chính thì phải ký kết các văn bản uỷ quyền quản lý theo đó loại trừ quyền kiểm soát đối với các tài khoản họ nắm giữ. Các thành viên của các cơ quan hành chính độc lập chỉ có thể nắm giữ các công cụ tài chính nếu việc nắm giữ đó không có liên quan đến các hoạt động mà họ quản lý.

 

Tất cả các văn bản uỷ quyền và bản khai lợi ích của các thành viên Chính phủ và thủ trưởng các cơ quan hành chính độc lập đều phải được gửi cho Cơ quan tối cao về minh bạch hành chính. Các văn bản uỷ quyền và bản khai lợi ích của các thành viên trong các cơ quan hành chính độc lập thì phải được gửi cho thủ trưởng của họ.

 

  • Việc giám sát các thành viên của Chính phủ trước khi bổ nhiệm

 

Theo Điều 8-1 của Luật 11/10/2013 thì Tổng thống Pháp có quyền yêu cầu Cơ quan minh bạch cung cấp các thông tin về bản khai lợi ích đối với các nhân vật sắp được bổ nhiệm vào Chính phủ. Và bởi vậy nên Cơ quan Minh bạch đã phải thực hiện sự kiểm soát trước đó liệu các nhân sự có rơi vào tình huống xung đột lợi ích hay chưa, và nếu có, thì đã phải ra các biện pháp phòng ngừa và chống lại tình trạng đó.

 

d. Quy định về không kiêm nhiệm và về việc chuyển đổi công tác sang khu vực tư

 

Với mục đích đảm bảo tính vô tư, liêm chính trong công vụ, Luật Sapin đồng thời ghi nhận việc không kiêm nhiệm: các công chức không được thực hiện toàn thời gian một công việc như quản lý điều hành doanh nghiệp; sáng lập hay tiếp quản một công ty đã đăng ký trong sổ đăng ký giao dịch hoặc thư mục giao dịch. Cũng như vậy, công chức không được phép sáng lập hay tiếp quản doanh nghiệp kể cả là bán thời gian. Nếu công chức mong muốn làm bán thời gian đối với các hoạt động này thì phải phải có sự cho phép của Uỷ ban quy tắc ứng xử công vụ trong thời hạn tối đa là 02 năm dựa trên sự ảnh hưởng hay không của hoạt động nghề nghiệp đó đối với dịch vụ công.

 

Sự giám sát của Uỷ ban về quy tắc ứng xử công vụ trong trường hợp công chức chuyển đổi sang làm việc ở khu vực tư cũng được tăng cường. Uỷ ban phải được tham gia trong trường hợp công chức sang làm việc hẳn hay tạm thời ở một doanh nghiệp tư nhân, một tổ chức tư hay thực hiện hoạt động tự do. Uỷ ban sẽ kiểm tra sự phù hợp của các hành vi sắp thực hiện với các hoạt động trước đây thực thi bởi công chức trong cơ quan hành chính, và được mở rộng ra trong việc tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

 

Luật 2016 cũng cấm trường hợp một công chức đã sang làm việc theo hợp đồng dân sự với tư cách lãnh đạo của tổ chức công hay tư có thể được hưởng lợi từ ngân sách công, và sau này khi quay trở lại khu vực công thì không được hưởng bất kỳ một đãi ngộ nào khác ngoài việc hưởng lương trong kỳ nghỉ.

 

Uỷ ban đạo đức công vụ được triệu tập theo yêu cầu của công chức hoặc cơ quan hành chính. Tuy nhiên trong trường hợp không có yêu cầu thì Uỷ ban cũng tự động họp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày tuyển dụng công chức hoặc ngày thành lập doanh nghiệp tư.

 

Liên quan đến tương tác giữa công chức và khu vực tư, Uỷ ban bắt buộc phải cho ý kiến trong 03 tình huống sau: i) Công chức chuyển sang làm việc ở khu vực tư; ii) Công chức có nguyện vọng làm việc kiêm nhiệm ở khu vực tư; iii) Một nghiên cứu viên ở khu vực công tham gia vào việc sáng lập doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình; hay tham gia khoa học vào một doanh nghiệp; hoặc tham gia vào hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát của doanh nghiệp.

 

Uỷ ban sẽ đánh giá xem liệu hành vi mà công chức thực hiện có những rủi ro sau đây hay không:

 

i) có dẫn đến việc thoả thuận hay làm nghi ngờ đến hoạt động bình thường, đến tính độc lập hay trung lập của công vụ hay không;

 

ii) có vi phạm bất kỳ nguyên tắc đạo đức công vụ nào được chỉ rõ trong Luật 1983 (đã được bổ sung bởi Luật 2916) hay không;

 

iii) công chức có trong tình huống xung đột lợi ích quy định tại Điều 432-13 của Bộ luật hình sự hay không;

 

Uỷ ban không phải cơ quan tài phán, tuy nhiên ý kiến của Uỷ ban có giá trị cao trong công vụ. Tuỳ từng trường hợp mà chế tài đối với công chức được thực hiện như sau: i) Khi công chức không tuân thủ ý kiến chấp thuận có điều kiện của Uỷ ban, hoặc ý kiến phản đối của Uỷ ban, công chức sẽ chịu chế tài kỷ luật; ii) Khi công chức đã nghỉ hưu mà không tuân thủ ý kiến chấp thuận có điều kiện của Uỷ ban, hoặc ý kiến phản đối của Uỷ ban, công chức đó sẽ bị giữ lại khoản lương hưu đến 20% trong vòng 3 năm kể từ sau khi công chức đó rời nhiệm sở; iii) Khi công chức ở trong chế độ hợp đồng làm việc thì việc không tuân thủ ý kiến chấp thuận có điều kiện của Uỷ ban, hoặc ý kiến phản đối của Uỷ ban sẽ dẫn đến việc ngay lập tức chấm dứt hợp đồng kể từ ngày nhận được ý kiến của Uỷ ban, mà không cần báo trước và không được đền bù về việc chấm dứt hợp đồng.

 

Tuy quy định trong pháp luật như vậy nhưng trong thực tế thì hoạt động của Uỷ ban cũng chưa thực sự hiệu quả. Nhân sự của Uỷ ban chỉ có 05 cộng tác viên thường trực trong khi đó hàng năm Uỷ ban nhận được hàng ngàn yêu cầu (4.300 yêu cầu năm 2017). Bởi vậy theo ý kiến một số chuyên gia thì cần chuyển đổi Uỷ ban sang quy chế của một Cơ quan hành chính độc lập; hoặc có thể sáp nhập thành một bộ phận riêng nằm trong Cơ quan tối cao về minh bạch hoá hoạt động hành chính[8].

 

Cũng như vậy các Nghị sĩ Fabien Matras et Olivier Marleix cho rằng vẫn còn rất nhiều điều phải làm để tăng cường văn hoá công vụ và đặc biệt cần quy định rõ ràng hơn về việc chuyển đổi từ khu vực công sang khu vực tư.

 

Các tác giả cho rằng dù Luật 2016 đã quy định việc chuyển ra khu vực ngoài nhà nước phải có ý kiến của Uỷ ban quy tắc ứng xử, nhưng trên thực tế thì các vụ việc mà trong đó Uỷ ban được triệu tập và không đồng thuận là rất ít ỏi[9]. Do đó theo các tác giả cần tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động giám sát này bằng biện pháp công khai thường xuyên các ý kiến của Uỷ ban; các công chức từ khu vực công muốn ra ngoài làm việc - có dự báo trước - cần phải bồi hoàn một khoản tiền, bù đắp lại chi phí đào tạo. Ngay ở Pháp các tác giả cũng cho rằng cách tính toán khoản tiền này còn chưa rõ ràng, kém hiệu quả, cần phải xem lại và có sự theo dõi về những khoản bồi thường này[10].

 

e. Bảo vệ người tố giác xung đột lợi ích.

 

Những quy định bảo vệ cho người tố giác tội phạm cũng được mở rộng đến trường hợp xung đột lợi ích. Những công chức với thiện tâm đã tố giác về trường hợp xung đột lợi ích sẽ không bị trừng phạt, cũng không bị phân biệt đối xử trong sự nghiệp. Luật quy định việc bảo vệ họ cũng như cả gia đình họ khi tố giác về xung đột lợi ích. Tuy nhiên trong trường hợp tố giác sai có chủ đích về xung đột lợi ích thì người công chức chịu chế tài hình sự.

 

Mặt khác người bị tố giác là người có nghĩa vụ chứng minh không có xung đột lợi ích chứ không phải là người tố giác.

 

3. Một số liên hệ với Việt Nam

 

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các quy tắc ứng xử nghề nghiệp đã được xây dựng và vận dụng, trong đó có quy định về xung đột lợi ích. Các quy tắc này có thể tìm thấy ngay trong Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhưng cũng có thể nằm trong các văn bản pháp luật khác điều chỉnh về cán bộ công chức, viên chức, hoặc các văn bản pháp luật chuyên ngành. Các nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức cũng bao hàm một phần quan trọng các quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Ngoài ra trong từng lĩnh vực cũng đặt ra quy tắc riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức hay viên chức hành nghề chuyên môn, như các quy tắc ứng xử của thanh tra viên; của thẩm phán; của công an; của giáo viên, bác sĩ.v.v.

 

Có thể nhận xét rằng, ở Việt Nam, bên cạnh các quy định pháp luật về hoạt động công vụ thì các quy tắc ứng xử đã được “pháp lý hoá” một phần không nhỏ, với mục tiêu nâng cao hiệu lực thi hành. Trong các văn bản pháp luật về công chức hay phòng, chống tham nhũng, các quy tắc ứng xử này, trong đó có xung đột lợi ích, đã trở thành những đòi hỏi pháp ý chứ không đơn thuần là quy tắc đạo đức.

 

Các văn bản pháp luật hiện hành đã tăng cường nỗ lực “pháp lý hoá” các quy định về xung đột lợi ích. Dù đã có từ lâu các quy định cấm đảm nhiệm hành nghề; hoặc quy định về việc vợ, chồng, cha mẹ, con cái.v.v. không được tham gia những chức vụ hay giao dịch nhất định; nhưng cho đến nay thì Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019 ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã cụ thể hoá thành chế định về xung đột lợi ích, bổ sung đầy đủ các trường hợp được coi là xung đột lợi ích cũng như các biện pháp xử lý trong xung đột lợi ích. Những quy định này khá phù hợp với các quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực cao của lập pháp Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Để tăng cường hiệu quả của các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, trong bối cảnh hiện nay có thể lưu ý các giải pháp như:

 

Thứ nhất, cần cụ thể, chi tiết hoá thêm các giải pháp, các quy tắc xử sự đối với trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử. Ví dụ: so với kinh nghiệm của Công hoà Pháp, thì các trường hợp xung đột lợi ích ở Việt Nam mới chỉ quy định mức chung nhất là tạm đình chỉ hoạt động của người có xung đột lợi ích, mà chưa đi vào cụ thể đối với từng trường hợp - như với nhân viên; với thủ trưởng hay với người được uỷ quyền ký quyết định.v.v.

 

Thứ hai, cần tăng cường cơ chế bảo đảm thực thi. Cộng hoà Pháp có cơ quan riêng để giám sát về quy tắc ứng xử; nhưng ở nước ta, trong bối cảnh tinh giản biên chế và cải cách hành chính hiện nay, xu hướng là trao luôn cho cơ quan quản lý công chức việc đảm nhận thực thi chế tài. Điều này một mặt có lợi ích là tiết kiệm, đơn giản và có thể có hiệu quả cao trong trường hợp cơ quan coi trọng việc thực hành quy tắc đạo đức; tuy nhiên, nhược điểm là thường đồng nhất vi phạm quy tắc ứng xử với nghĩa vụ công vụ, và đôi khi cơ quan hành chính sẽ có xu hướng “bỏ lọt” cho các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử. Quy tắc ứng xử nên dành cho tổ chức giám sát đặc thù mang tính chất hội nghề nghiệp, và bởi vậy trong bối cảnh hiện nay, có thể lựa chọn những lĩnh vực nhạy cảm, nơi mà quy tắc ứng xử được đặc biệt đề cao như thanh tra, y tế, giáo dục, công an và cho phép lập ra cơ quan giám sát quy tắc ứng xử (trong nội bộ các ngành này). Điều này cho phép việc thực thi quy tắc ứng xử sát hợp hơn, nghiêm khắc hơn và không chồng lấn với nhiệm vụ giám sát hành chính của cơ quan chủ quản.

 

Cuối cùng, cần có chế tài nghiêm khắc cho việc không tuân thủ các quy tắc ứng xử cũng như các quyết định của cơ quan xử lý việc vi phạm quy tắc ứng xử. Trên thực tiễn đã xảy ra khá nhiều vụ việc vi phạm quy tắc ứng xử của các cán bộ, công chức hay viên chức nhưng việc xử lý chưa thực hiện nghiêm khiến cho dư luận không đồng tình. Có khá nhiều hành vi của công chức có căn cứ thực tiễn từ những vi phạm về quy tắc ứng xử nghề nghiệp và bị dư luận lên án mạnh mẽ (vụ việc đại uý công an Lê Thị Hiền có hành vi lăng mạ gây rối trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất[11]; vụ việc Phó Chủ tịch Quận Đống Đa đỗ xe trái phép tại quán bún[12]). Tuy nhiên việc xử lý của cơ quan chủ quản, từ góc độ vi phạm quy tắc ứng xử vẫn chưa thể hiện rõ và gây bức xúc trong dư luận. Cần tăng cường các thiết chế thực thi, điều này không chỉ có ý nghĩa  đối với các công chức có liên quan mà còn có tác dụng giáo dục phòng ngừa chung rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

 

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh
Đại học Quốc gia Hà Nội



[1] Xem: LOI n° 2016-1691 du 9 décembre 2016 relative à la transparence, à la lutte contre la corruption et à la modernisation de la vie économique, https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000033558528/

[2] Armos Durosier, Conflit d’interet, comportement ethique pour la bonne gouvernance, http://www.oas.org/juridico/pdfs/mesicic4_hti_sc_amos.pdf

[3] Liên Hợp quốc, Bộ công cụ phòng chống tham nhũng, trích theo Armos Durosier trong http://www.oas.org/juridico/pdfs/mesicic4_hti_sc_amos.pdf

[4]Tham khảo: LOI n° 2016-1691 du 9 décembre 2016 relative à la transparence, à la lutte contre la corruption et à la modernisation de la vie économique, https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000033558528/

[5] Tham khảo trang web của Tổ chức tối cao về minh bạch công vụ Pháp: https://www.hatvp.fr/la-haute-autorite/la-deontologie-des-responsables-publics/prevention-des-conflits-dinterets/

[6] Tham khảo trang web của Cơ quan Tối cao về minh bạch hành chính (Haute Autorite Pour La Transparence de La Vie Publique) : https://www.hatvp.fr/

[7] Tham khảo trang web của Cơ quan tối cao về minh bạch công vụ Pháp: https://www.hatvp.fr/la-haute-autorite/la-deontologie-des-responsables-publics/prevention-des-conflits-dinterets/

[8] L’Assemblée Nationale, le 31 janvier 2018, Rapprot d’information, déposé par la Commission des lois constitutionnelles, de la Législation et de l’Administration générale de la République, En conclusion des travaux d’une mission d’information sur la déontologie des fonctionnaires et l’encadrement des conflits d’intérêts et présenté par MM. Fabien Matras et Olivier Marleix, http://www.assemblee-nationale.fr/15/rap-info/i0611.asp

[9] L’Assemblée Nationale, le 31 janvier 2018, Rapprot d’information, déposé par la Commission des lois constitutionnelles, de la Législation et de l’Administration générale de la République, En conclusion des travaux d’une mission d’information sur la déontologie des fonctionnaires et l’encadrement des conflits d’intérêts et présenté par MM. Fabien Matras et Olivier Marleix, http://www.assemblee-nationale.fr/15/rap-info/i0611.asp

[10] https://www.vie-publique.fr/actualite/alaune/fonction-publique-renforcer-culture-deontologie.html?xtor=EPR-56

[12] Xem ttps://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-pho-chu-tich-quan-di-an-bun-phat-chu-tich-phuong-150-nghin-loi-khong-mu-bao-hiem-20170718152302065.htm

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: