Một số đoàn có những hành vi gây rối tại các Trụ sở tiếp công dân, căng biểu ngữ, khẩu hiệu, diễu hành trên đường phố gây mất an ninh, trật tự. Sẽ lại càng phức tạp hơn khi mà các phần tử thù địch trong và ngoài nước lợi dụng cơ hội này để kích động xúi giục người dân đi kiếu kiện, gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ năm 2005 đến tháng 6 năm 2009, xảy ra 3.829 lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, đa phần các đoàn từ 5-30 người, thậm chí có đoàn hàng trăm người. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, như: Vụ khiếu nại liên quan đến việc đền bù khi thu hồi để thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy của Tập đoàn Vinashin ở Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương; vụ khiếu nại của các hộ dân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội về việc đền bù giải tỏa để xây dựng đường Vành đai 3, nút giao thông Thanh Xuân; vụ khiếu nại của các hộ dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội về việc thu hồi đất mở rộng quốc lộ 18; vụ khiếu nại của công dân huyện Văn Giang, Hưng Yên về việc đền bù, hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị-Thương mại Văn Giang.Vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đền bù khi thu hồi đất thực hiện dự án Khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; Các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đền bù khi thu hồi đất, giải phóng bằng xây dựng ở An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang …(1)
Trước tình hình đó, những năm qua Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, chỉ thị số 09-CT/BW của Ban bí thư ngày 6/3/2002 về một số vấn đề cấp bách trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo 130/TB-TW ngày 10/01/2008 đã thể hiện rõ sự quan tâm này. Thực hiện tốt các chỉ thị, thông báo này, cấp Ủy và Chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp.
Nhờ đó, nhiều vụ việc được giải quyết góp phần quan trọng trong việc bảo vệ kỷ cương pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dân và nhà nước, giữ vững an toàn, ổn định chính trị- xã hội, củng cố mối quan hệ toàn Đảng-toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Tình hình khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp hiện nay còn tồn tại những vấn đề lớn, cần có những phương hướng giải pháp khắc phục:
Một là, cơ chế chính sách, quy định pháp luật trên một số lĩnh vực còn những điểm bất hợp lý chậm được hoàn thiện làm phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo. Mặt khác các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu làm cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: sự bất hợp lý trong việc thu hồi đất như quyết định thu hồi đất (có những quyết định thu hồi, giải phóng hàng loạt đất đai của người dân, nhưng lại chỉ có một quyết định thu hồi đất), xác định giá bồi thường còn có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, đặc biệt là sự chênh lệch giữa giá đất trước và sau khi đã bồi thường thường là rất lớn, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực đất đai luôn thay đổi, thiếu tính ổn định dẫn đến việc áp dụng pháp luật vào giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp nhiều khó khăn; chưa có một quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp; các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn; thẩm quyền trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại giữa Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật khác còn có nhiều mâu thuẫn, dẫn đến quá trình thực thi các quy định của pháp luật còn gặp nhiều khó khăn.
Hai là, sự phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, giữa cấp trên và cấp dưới, hoặc giữa cấp ủy và chính quyền với các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội ở một số nơi trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, có những vụ việc thì ý kiến, quan điểm khác nhau, hoặc khi thanh tra, kiểm tra để xem xét, giải quyết thiếu sự phối hợp trao đổi để thống nhất, kết luận còn chung chung; ngoài ra một số nơi còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; công tác quản lý, nắm bắt tình hình cơ sở còn yếu, chính vì vậy mà khi phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, các cơ quan chưa kịp thời có được các giải pháp phối hợp, huy động vai trò của các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết.
Ba là, chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật hành chính còn yếu. Có thể thấy rằng hằng năm có rất nhiều những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp, phức tạp, tuy nhiên từ trước tới nay chưa có một con số thống kê nào về người có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này. Do vậy, trong quá trình xem xét, xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn có sự đùn đẩy, né tránh, có những biểu hiện ngại va chạm, dẫn đến việc xử lý chưa thực sự nghiêm minh. Mặt khác, vai trò của thanh tra chưa được đề cao, các cơ quan thanh tra mới chỉ dừng lại ở việc tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, tham mưu cho chính quyền các cấp trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, thực tế hiện nay chúng ta cũng chưa xây dựng được một cơ quan chuyên trách về giải quyết khiếu nại tố cáo dẫn đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập. Mặt khác, việc xử lý đối với những hành vi gây rối, quá khích, làm mất trật tự nơi công sở, tố cáo sai sự thật, các hành vi xúi giục kích động người dân đi khiếu nại, tố cáo là chưa hợp lý, Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành và nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng chưa có những quy định cụ thể về xử lý các trường hợp này.
Để giải quyết các vấn đề trên, thời gian tới cần phải có một số nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một mặt sẽ giúp cho công tác giải quyết sẽ được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn, một mặt thể hiện sự quân tâm của Đảng và chính quyền tới tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể có những cơ sở vững chắc hơn trong quá trình giải quyết các vụ việc một cách nhanh chóng, công bằng và được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Thứ ba, tăng cường, cụ thể hóa trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề cao trách nhiệm của cơ sở, đó là trách nhiệm của chính quyền, cấp Ủy cũng như toàn bộ hệ thống chính trị ở cơ sở cần phải chú trọng hơn nữa trong công tác theo dõi, quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo của địa phương để có thể nhanh chóng có những giải pháp xử lý kịp thời tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo lên cấp trên. Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng dân chủ trong khiếu nại, tố cáo để xúi giục, kích động người dân, gây mất trật tự, an ninh xã hội để răn đe những trường hợp khác.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Nó góp phần không nhỏ vào khối đoàn kết toàn dân, tạo dựng và củng cố lòng tin của nhân dân vào các đường lối, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
(1) Xem thêm báo cáo số 233/BC-TTCP ngày 9/8/2010
Nguyễn Đăng Hạnh
Viện Khoa học Thanh tra