Cụ Bùi Bằng Đoàn với công tác thanh tra    
Cập nhật: 18/10/2019 01:45
Xem lịch sử tin bài

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19 tháng 9 năm 1889, tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội) trong một gia đình truyền thống Nho học. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng làm Giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh đánh dẹp giặc Ngô Côn. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa.

Cụ Bùi Bằng Đoàn với công tác thanh tra

1. Tóm tắt tiểu sử và quá trình hoạt động của cụ Bùi Bằng Đoàn

 Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19 tháng 9 năm 1889, tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội) trong một gia đình truyền thống Nho học. Ông nội là Tiến sĩ Bùi Tuấn, hàm Thái tử Thiếu bảo, từng làm Giám khảo các kỳ thi Hương, giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh đánh dẹp giặc Ngô Côn. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa.

Cụ Bùi Bằng Đoàn là người học rộng, hiểu sâu, năm 17 tuổi đã đỗ cử nhân dưới Triều vua Thành Thái. Sau đó cụ vào học trường Hậu bổ và đỗ thủ khoa, được bổ nhiệm giữ các chức Tri huyện, Tri phủ, Án sát rồi đến Thượng thư Bộ Hình. Trong thời gian làm quan dưới Triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn được người đương thời gọi là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, thương dân.

 Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Bùi đã tham gia vào chính quyền cách mạng theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 17 tháng 11 năm 1945 Hồ Chủ tịch mời ông tham gia Ban cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. 

 Ngày 06 tháng 01 năm 1946 ông ứng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam tại tỉnh Hà Đông và trúng cử. Theo Sắc lệnh số 80/SL ngày 31/12/1945, Cụ được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 02 tháng 3 năm 1946, Cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội liên hiệp quốc dân. Ngày 08 tháng 11 năm 1946, Cụ được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Năm 1947-1948, Cụ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1948, Cụ bị bệnh nặng ở Việt Bắc, Hồ Chủ tịch ra lệnh đưa ông về Liên khu 3, trong thời gian lâm bệnh Cụ vẫn theo dõi tin tức và đóng góp ý kiến. Ngày 13 tháng 4 năm 1955, cụ Bùi Bằng Đoàn qua đời tại Hà Nội.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Chính phủ, Quốc hội giao phó. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng bộ máy nhà nước còn non trẻ sau Cách mạng tháng Tám, trong đó có ngành Thanh tra.

          2. Sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng Tám năm 1945, toàn thể nhân dân Việt Nam đã vùng lên tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong cả nước, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đứng đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách nặng nề. Cùng với những khó khăn về kinh tế - xã hội: “giặc đói – giặc dốt”, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn phải đối phó với cùng một lúc nhiều kẻ thù ở cả trong và ngoài nước. Tất cả bọn đế quốc, phản động tuy có những mưu đồ riêng, nhưng đều có chung một mục tiêu là xóa bỏ chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, vận mệnh của các mạng Việt Nam phải đưng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng, như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong hành loạt các biện pháp nhằm đoàn kết toàn dân, xây dựng thực lực, đối phó với kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng đến việc xây dựng kỷ cương, phép nước; xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân, “của dân, do dân và vì dân”.

Tư tưởng xây dựng chính quyền nhân dân chưa được xây dựng thành một hệ thống lý luận ở nước ta và nhất là chưa được luật pháp hóa, thể chế hóa. Trong khi đó chúng ta phải xóa bỏ hệ thống luật pháp của chính quyền thực dân, phong kiến được xây dựng để thống trị nhân dân ta, phục vụ cho lợi ích của chúng. Trong bối cảnh hệ thống luật pháp mới chưa hình thành, cùng với sự hiểu biết hạn chế trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhiều người trong bộ máy chính quyền cách mạng đã tỏ ra lúng túng, thậm chí nhiều trường hợp do thiếu kinh nghiệm xử lý đã vi phạm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, đó là chưa kể đến một số người cố tình lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy chính quyền để mưu đồ lợi ích cá nhân, cưỡng bức quần chúng và tham ô, lãng phí v.v…

Hơn lúc nào hết, vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này là phải chăm lo khối đoàn kết toàn dân nhằm động viên tất cả mọi lực lượng dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Để làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải “an dân”, giữ vững kỷ cương, phép nước, làm cho trên dưới một lòng, mọi người dân, mọi tầng lớp đều đồng sức, đồng lòng tin tưởng vào Chính phủ và Hồ Chủ tịch, hăng hái góp sức mình vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Từ những thực tế nói trên, ngày 04/10/1945, lần đầu tiên cuộc họp Hội đồng Chính phủ đã đưa ra vấn đề phải thành lập tổ chức Thanh tra. Trong lúc chờ đợi có một sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra, Chính phủ giao cho cấp trên quyền xét xử cấp dưới và đề nghị Bộ Nội vụ lập một Ủy ban Thanh tra hành chính để đi điều tra công việc hành chính ở các địa phương. Tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình hình thành chủ trương thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngày 13/11/1945 đã nhất trí với đề nghị của đồng chí Phạm Ngọc Thạch về việc tổ chức Ban Thanh tra của Chính phủ để phái đi các tỉnh. Ban Thanh tra này có quyền đưa những người lầm lỗi ra xử trước Tòa án đặc biệt.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Điều 2 Sắc lệnh quy định: “Ban Thanh tra có toàn quyền: …Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt”. Sắc lệnh là văn kiện đầu tiên về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của tòa án. Bản Sắc lệnh đó là cơ sở pháp lý cho sự ra đời ngành Thanh tra Việt Nam cùng với những ngành khác trong bộ máy nhà nước còn non trẻ.

Có thể nói, Ban Thanh tra đặc biệt ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Cách mạng Việt Nam, được Chính phủ trao cho những quyền hạn rất lớn và nặng nề, không chỉ là một công cụ thường xuyên của chính quyền Dân chủ nhân dân mà còn có nhiệm vụ quan trọng góp phần làm yên lòng dân để tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc để bảo vệ thành quả của Cách mạng. Ban Thanh tra đặc biệt không chỉ có chức năng của Thanh tra Chính phủ như hiện nay mà còn có các chức năng điều tra của Công an và chức năng công tố của Viện kiểm sát nhân dân hiện nay đang đảm nhiệm. Nói cách khác, Ban Thanh tra thực hành cùng một lúc quyền hành pháp và quyền tư pháp và đây chính là tính “đặc biệt” của Sắc lệnh này. Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 80/SL, Điều thứ Nhất của Sắc lệnh ghi: “Các ông Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh Nhất tòa Thượng thẩm Hà Nội và Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh Nông được cử vào Ban Thanh tra đặc biệt thiết lập do Sắc lệnh số 64/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 kể trên” và cụ Bùi Bằng Đoàn được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3. Đóng góp của cụ Bùi Bằng Đoàn với công tác thanh tra

Một là, về hoạt động thanh tra 

Từ một ông quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức rõ đường lối cách mạng và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, đi theo cách mạng. Tham gia chính quyền mới, là Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ đạo thực thi những nhiệm vụ về thanh tra kinh tế - xã hội. Ban Thanh tra đặc biệt giúp cho các cơ quan lãnh đạo phát hiện ra những sai lầm, khuyết điểm của các đối tượng quản lý để kịp thời khắc phục và hướng vào việc tìm ra nguyên nhân của các sai lầm khuyết điểm đó, đặc biệt là các nguyên nhân từ bản thân cơ chế chính sách pháp luật, những sơ hở trong các quy định, những yếu kém trong các khâu lãnh đạo quản lý để kiến nghị với Đảng và Nhà nước kịp thời có các chủ trương, biện pháp và quyết sách đúng đắn đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra trong những năm 1945 -1946, chỉ mới giải quyết một số vụ việc điển hình, chủ yếu ở địa bàn thuộc các tỉnh Bắc bộ, Bắc khu Bốn cũ. Có thể coi đây là thời kỳ thành lập và bắt đầu hoạt động của ngành Thanh tra.

Cuộc kháng chiến chông Pháp của ta là cuộc kháng chiên lâu dài, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc… đòi hỏi phải huy động toàn lực của dân tộc tham gia cứu nước. Công tác thanh tra trong những năm đầu kháng chiến toàn quốc được đẩy mạnh và có sự chuyển hướng cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của cuộc kháng chiến. Các Đặc phái viên và Đặc ủy Đoàn Chính phủ luôn đi sát các cấp chính quyền, các đơn vị bộ đội và nhân dân; động viên nhân dân vừa kháng chiến vừa sản xuất, thu lượm ý kiến và giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, kiểm tra và chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng bộ đội, dân quân, tổ chức giao thông liên lạc, tăng gia sản xuất.

Thành tựu to lớn nhất của Ban Thanh tra đặc biệt, đứng đầu là cụ Bùi Bằng Đoàn trong giai đoạn này là góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo…, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ, giải phóng và xây dựng đất nước. Bằng những hoạt động cụ thể, lực lượng Thanh tra đã góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch. Đây là một trong những nhân tố quyết định dẫn tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hai là, về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt chính là văn bản pháo lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Thanh tra Việt Nam và cũng trong văn bản này, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đã trở thành một trong những nhiệm vụ đầu tiên và xuyên suốt chiều dài của lịch sử ngành Thanh tra Việt nam. Điều 2 quy định: “Nhận đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra hỏi chứng, xem xét các giấy tờ của Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát”.

Ngay sau khi được cử làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng Ban Thanh tra đặc biệt nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố giác của người dân và trực tiếp đi các địa phương và giải quyết được nhiều vụ việc. Tháng 01/1946 Ban Thanh tra đặc biệt đã trao đổi ý kiên với tỉnh ủy Nam Hà trả tự do cho hơn 20 người trong số 60 người bị giam giữ không thỏa đáng. Giữa tháng 02/1946, Ban Thanh tra đặc biệt về tỉnh Thanh Hóa để giải quyết vụ kêu oan của những người bị bắt ở tỉnh này. Sau khi điều tra rõ tình hình, Ban Thanh tra đặc biệt quyết định trả tự do cho hơn 10 người bị bắt oan… Đây chỉ là một số vụ điển hình trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Ban Thanh tra đặc biệt đã làm được, tuy chưa nhiều nhưng các vụ việc đó liên quan đến nhiều mặt trong đời sống xã hội, từ việc giải quyết vấn đề tham ô, lạm dụng quyền lực đến việc bảo vệ tự do, giải oan cho người dân. Qua thực tiễn công tác, Cụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, như Sắc lệnh số 40/SL ngày 29/3/1946 về việc Bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định cụ thể những trường hợp bắt người, giam cứu, nơi giam cứu, cấm tra tấn để lấy cung, bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Việt Nam; giúp cho Ban Thanh tra đặc biệt giải quyết các vụ việc oan trái được khách quan, kịp thời.

Qua kết quả của hoạt động thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã thấy rõ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tiếng nói, yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nghiêm trị bất cứ ai làm sai đường lối chính sách của Chính phủ, đề cao kỷ cương phép nước.

Bà là, về  hoạt động đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách nặng nề: Thù trong, giặc ngoài, kinh tế đất nước kệt quệ, trình độ dân trí thấp, thiếu cán bộ và kinh nghiệm quản lý về mọi mặt trong công tác xây dựng đất nước… Một trong những khó khăn lớn của việc xây dựng chính quyền mới, đó là chưa có một hệ thống luật pháp, quy chế, quy định. Từ lý do này, cộng thêm sự hạn chế trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội nên nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước đã có những vi phạm quyền tự do, dân chủ của nhân dân; một số người cố tình lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy chính quyền để mưu đồ lợi ích cá nhân, cưỡng bức quần chúng và tham ô, lãng phí. Những hiện tượng tiêu cực này đã được các tầng lớp nhân dân gửi thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp phản ánh với các cấp lãnh đạo trong bộ máy chính quyền.

Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả công việc và các nhân viên Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Ban Thanh tra đặc biệt đã phát huy được vai trò của mình, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp như: Quyết định trả tự do cho hàng chục người bị bắt tại Nam Hà, thanh tra vụ lạm dụng quyền lực để uy hiếp quần chúng ở một số địa phương, giải quyết vụ việc tham ô của một Chủ tịch tỉnh. Ban Thanh tra đặc biệt đã quyết định cách chức Chủ tịch tỉnh có sai phạm nhưng dưới hình thức cho viết đơn xin từ chức… Những vụ việc đã giải quyết của Ban Thanh tra đặc biệt có tính chất điển  hình, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, từ việc giải quyết vấn đề tham ô, cửa quyền đến việc bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Qua các hoạt động thanh tra, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được củng cố vững chắc, kỷ cương, phép nước được đề cao.

Trong quá trình củng cố kiện toàn bộ máy chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước và mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo với dân chúng. Công tác thanh tra còn góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn các tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.

Có thể nói, ngay từ khi được thành lập lực lượng Thanh tra và đứng đầu là Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của bộ máy nhà nước, giúp giữ nghiêm kỷ cương phép nước, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong cơ quan chính quyền. Đây là những kết quả hết sức to lớn của công tác thanh tra, góp phần tích cực và xứng đáng vào công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của dân tộc ta trong những tháng, năm đầu mới giành được độc lập./.

Lê Đức Trung

Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

 

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: