Trong diễn văn khai mạc, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên quyết thi hành quyết tâm chính trị PCTN mạnh mẽ hơn nữa bằng những hành động kịp thời.
Đánh giá về thực trạng công tác PCTN ở địa phương trong 5 năm qua (2007-2012) ông Trần Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về PCTN cho biết, công tác PCTN tại các địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt: các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng thể chế, quy tắc đạo đức nghề nghiệp... Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được thì công tác PCTN tại địa phương vẫn chưa đạt được các yêu cầu và mục tiêu đã đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; công khai, minh bạch, dân chủ trên một số mặt hoạt động còn hạn chế đặc biệt trong các lĩnh vực về quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý thu chi ngân sách...; việc thực hiện công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả chưa cao; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xẩy ra tham nhũng, sai phạm chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra...
Phía các nhà tài trợ đánh giá cao những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua khi đã tuân thủ tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để có thể đạt được những mục tiêu chống tham nhũng đã đề ra, Việt Nam cần phải có các biện pháp mạnh mẽ và mang tính thực tế ở các cấp chính quyền địa phương đặc biệt trong việc thực thi pháp luật ở các cấp, các ngành. Cụ thể là cần đưa pháp luật vào cuộc sống và các tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành; cải thiện các hoạt động không hiệu quả về kê khai tài sản, tiếp dân và giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.
Bên cạnh đó tại cuộc Đối thoại, ba nguyên tắc quan trọng được đưa ra khuyến nghị giúp mang lại thành công cho cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay đó là, cần đảm bảo nguyên tắc độc lập của các cơ quan chống tham nhũng; sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác PCTN; và thực hiện cơ chế đánh giá, giám sát trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Vai trò của khu vực tư nhân cần được nhấn mạnh ở những kỳ Đối thoại tiếp theo cũng như tăng cường hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác PCTN.
Bế mạc Đối thoại, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, công tác PCTN là hết sức quan trọng, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đồng thời cũng nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN tại địa phương; tăng cường công khai, minh bạch, phát huy vai trò của nhân dân, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan báo chí trong PCTN. Bên cạnh đó, cần phân cấp quản lý và tăng cường trách nhiệm giải trình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền địa phương; nâng cao năng lực hoạt động và khả năng phối hợp giữa các cơ quan QLNN địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chấp hành pháp luật về PCTN./.
Tin và ảnh: Lan Hương
Nội dung của Đối thoại Chống tham nhũng lần thứ 11
Bài phát biểu của Ngài Ronald MacLean-Abaroa Nguyên thị trưởng thành phố La Paz, Bô li via
Tham luận 1: Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong 5 năm qua (2007-2012) và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Tham luận 2: Tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam