Đối thoại lần thứ 9: Phòng, chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản
Cập nhật: 21/07/2014 10:14
Trong quá trình phát triển, chính sách quản lý nhà nước đối với tài nguyên và hoạt động khoáng sản đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập; chưa đáp ứng yêu cầu về hiệu quả và tính bền vững, còn ẩn chứa nguy cơ cao làm phát sinh tham nhũng, lãng phí tài nguyên quốc gia; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sinh thái, tới đời sống của cộng đồng dân cư địa phương.
Đó là nhận định được nêu tại diễn văn khai mạc do ông Nguyễn Đình Phách, Chánh Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trình bày tại Đối thoại về PCTN lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội sáng 25/5.
Vì vậy, Đối thoại thường niên lần này với chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản” do Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức hi vọng sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc tìm ra cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản.
Tại buổi hội thảo, các cơ quan chức năng của Việt Nam và các đối tác quốc tế đã cùng trao đổi về những tiến triển trong công tác PCTN nói chung và trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai nói riêng kể từ kỳ Đối thoại về PCTN lần thứ 8 đến nay.
Sau khi nghe tham luận do đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ trình bày, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng tham nhũng cũng như kiến nghị những giải pháp PCTN trong công tác quản lý nhà nước ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; các dạng sai pham và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản; những nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động của ngành khai khoáng; biện pháp tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Các đại biểu cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật PCTN trong thời gian qua, đồng thời đều thống nhất cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác và quản lý khoáng sản. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của báo chí cũng như vai trò của xã hội trong công tác PCTN. Ngoài ra, đại diện các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế cũng chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm, sáng kiến đối với công tác PCTN trong hoạt động khoáng sản. Hầu hết các ý kiến tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về khoáng sản; xây dựng chiến lược khoáng sản để nâng cao tính khả thi của quy hoạch khoáng sản; đổi mới cơ chế bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường thanh tra, giám sát; thực hiện các biện pháp giảm sản lượng khai thác một số loại khoáng sản…
Các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế rất ấn tượng về những nỗ lực, những cam kết từ phía Việt Nam trong hoạt động PCTN. Sau khi nghe Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền thông báo việc Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Đại sứ quán Vương quốc Anh là nhà tài trợ điều phối hoạt động hợp tác, đối thoại về PCTN từ lần thứ 10 trở đi, Đại sứ Vương quốc Anh Antony Stokes cam kết sẽ làm hết sức để hoàn thành vai trò đó và tin tưởng sẽ thúc đẩy sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế.
Ngọc Huế
Nội dung của Đối thoại Chống tham nhũng lần thứ 9
Diễn văn khai mạc
Tham luận 1: Phòng, chống tham nhũng trong công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản - Thực trạng và giải pháp
Tham luận 2: Phòng, chống tham nhũng trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản - Thực trạng và giải pháp
Tham luận 3: Những tiến triển trong công tác PCTN nói chung và PCTN trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai từ sau kỳ Đối thoại PCTN lần thứ 8 (tháng 11/2010) đến nay