Tham dự Đối thoại còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Ông Antony Stokes – Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hiện đang tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và nhiều Hiệp định thương mại tự do khác. Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Việt Nam mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ và là một nội dung quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. Hiện nay, pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền, các quy định về "tham nhũng trong khu vực tư" ít được đề cập. Tuy nhiên, Việt Nam cũng luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Để PCTN đạt hiệu quả, cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhân hối lộ, mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.
Mặt khác, hoạt động quản trị doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa; đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng bản sắc riêng tạo thành văn hóa doanh nghiệp, trong đó, việc cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành Liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước – đây là một trong những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan truyền thông để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại,…
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Thanh tra Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan trong việc đảm đương nhiệm vụ, với cam kết mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ông Antony Stokes nhận định: "Sức khỏe nền kinh tế" của Việt Nam và các nước trên thế giới có thể yếu đi do tham nhũng - đây là thách thức không nhỏ. Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là người tham gia trong việc đưa hối lộ. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ là người đi đầu trong câu chuyện phòng, chống tham nhũng, tiến tới sự liêm chính, minh bạch.
Kết thúc Đối thoại, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong đánh giá chung về những tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, những kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và sự tham gia của các doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đại diện các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tiếp tục khẳng định cam kết tục ủng hộ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng./.
Tin: Thu Hà
Ảnh: Hữu Thắng
Nội dung của Đối thoại Chống tham nhũng lần thứ 12
Báo cáo: Tiến triển trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013
Văn bản đề xuất