1. Quan niệm chung về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại
Tại Việt Nam, trợ giúp pháp lý là một hoạt động thiết yếu của hệ thống tư pháp công bằng, nhân đạo và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Trợ giúp pháp lý là nền tảng cho việc thụ hưởng các quyền khác, trong đó có quyền được xét xử công bằng, là biện pháp bảo vệ quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng, đóng góp vào các mục tiêu phát triển chung của quốc gia bằng cách giúp cho những người bị thiệt thòi nhất có quyền tiếp cận các dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Theo đó, trợ giúp pháp lý được hiểu là tư vấn, trợ giúp, hướng dẫn, đưa ra các ý kiến pháp lý và (hoặc) đại diện pháp lý và cung cấp các dịch vụ trên một cách miễn phí cho người có quyền được hưởng trợ giúp pháp lý; thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc,… nhằm giúp họ có thể ứng xử phù hợp với pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Vai trò quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội nước ta đã được ghi nhận và khẳng định rõ trong chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thời gian qua: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư; Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư; Nghị định số 137/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Luật sư; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018. Ngoài ra, để phát huy sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014 về giám sát, nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở và đã có thông báo kết quả 05 năm triển khai thực hiện (từ năm 2014 đến năm 2018). Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình số 01, ngày 11/10/2018, Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS đã tiếp tục được ký kết. Theo đó, theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai công tác luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), qua đó đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác này. Đây là một trong những luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ban hành nhằm triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong thể chế về trợ giúp pháp lý. Việc mở rộng diện đối tượng trợ giúp pháp lý đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế.
Quyền khiếu nại là quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Quyền khiếu nại trở thành một hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa, là phương tiện để công dân đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật nhằm bảo đảm cho việc thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội. Đồng thời, đó cũng là nguồn thông tin quan trọng góp phần củng cố mối liên hệ giữa nhà nước và công dân, khẳng định tính chất tham gia quản lý Nhà nước của công dân. Như vậy, quyền khiếu nại là quyền của công dân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại các quyết định, việc làm của cán bộ, công chức nhà nước khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật, quyết định kỷ luật khi cho rằng quyết định đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích của mình, người khiếu nại có thể trực tiếp khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo đó, trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại là hoạt động tư vấn pháp lý và (hoặc) đại diện pháp lý và cung cấp các dịch vụ trên một cách miễn phí cho người có quyền được hưởng trợ giúp pháp lý trong các tranh chấp, vướng mắc pháp luật về khiếu nại nhằm góp phần bảo đảm sự công bằng cơ bản và niềm tin của công chúng đối với quá trình tư pháp; bảo đảm quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, giúp họ có thể ứng xử phù hợp với pháp luật trong thực hiện quyền khiếu nại.
2. Quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại
Việc nhờ Luật sư giúp đỡ trong quá trình giải quyết khiếu nại được thể hiện trong các văn bản pháp lý sau: Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người khiếu nại có quyền: “Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”; Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về quyền và nghĩa vụ của của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại; Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 lần đầu tiên trợ giúp pháp lý được tiếp cận dưới góc độ là một hoạt động. Theo đó, “trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý”. Sự thay đổi này không những giúp cho việc xây dựng một cơ chế trợ giúp pháp lý phù hợp, mà còn góp phần xác định cụ thể được các trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý; phân tách trách nhiệm trợ giúp pháp lý với trách nhiệm giáo dục, phổ biến pháp luật, tránh bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân; Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Luật Luật sư số 65/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 37 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư) quy định về chức năng, phạm vi và nguyên tắc của luật sư; Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP cũng cụ thể hóa trách nhiệm của người thực hiện việc trợ giúp pháp lý thông qua việc quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật; Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của luật sư; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam tại quy tắc 4.2 đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu, chuẩn mực của pháp luật quốc tế đối với quốc gia trong trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2010 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam...
Việc ghi nhận sự tham gia của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành thể hiện vai trò của các chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý này trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho cá nhân, cơ quan, tổ chức giúp đảm bảo quyền khiếu nại của các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Luật sư năm 2012 quy định về trách nhiệm của luật sư trong việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm khi thực hiện trợ giúp pháp lý, Luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao; Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư; Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam tại quy tắc 4.2 đã đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu, chuẩn mực của pháp luật quốc tế đối với quốc gia trong trợ giúp pháp lý. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, là việc cung cấp cơ sở pháp lý giúp cho việc xây dựng một cơ chế trợ giúp pháp lý phù hợp, góp phần xác định cụ thể được các trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tránh bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, đảm bảo cho quyền khiếu nại của người được trợ giúp pháp lý trong quá trình tham gia các vụ việc khiếu nại. Mục đích của trợ giúp pháp lý cũng được khẳng định, nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động này được giao cho Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Một số khó khăn, hạn chế của quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại
Trên thực tiễn, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn chỉ đạo Thanh tra các tỉnh, thành phố chủ động đề xuất việc xây dựng, ký kết CTPH ở địa phương với các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng cấp[1]. Ngày 01/3/2019, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương có công văn số 341/CV-TSTCDTW gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tiếp tục triển khai thực hiện việc tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Dựa trên kết quả đã đạt được, hoạt động luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tiếp tục triển khai trong và nhân rộng tới Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc huy động các luật sư, luật gia tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân được các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc. Các luật sư trong quá trình trợ giúp và tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân trong khuôn khổ các Chương trình phối hợp đã chủ động, tích cực, thực hiện đúng trách nhiệm nghề nghiệp.
Mặc dù vậy, quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như sau:
Một là, chủ thể của quyền khiếu nại chưa thống nhất dẫn đến đối tượng được trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại chưa được đảm bảo
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 thì người nước ngoài và người không quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam không được có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 3 Luật Khiếu nại năm 2011 lại quy định: “Khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và việc giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác” thì cá nhân nước ngoài vẫn có quyền khiếu nại và vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Khiếu nại năm 2011. Và trong một số trường hợp, người nước ngoài và người không quốc tịch là những đối tượng cần phải được pháp luật bảo vệ. Như vậy, với quy định của khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý đối với đối tượng là người nước ngoài và người không quốc tịch.
Hai là, pháp luật chưa quy định đầy đủ, cụ thể quyền cũng như trình tự, thủ tục tham gia của Luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại
Cụ thể, thiếu những quy định pháp luật cho phép luật sư có quyền đại diện cho người khiếu nại, được uỷ quyền để giao dịch trực tiếp với cơ quan công quyền; luật sư có quyền tự mình xác minh, thu nhập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc. Việc thiếu đi các quy định cho phép luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của đương sự từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc gây khó khăn cho việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân.
Quy định của pháp luật về sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại hiện nay mới chỉ là những quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, mà chưa có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để luật sư, trợ giúp viên pháp lý có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ đó của mình. Việc quy định không rõ ràng trong trình tự, thủ tục thực hiện dẫn đến việc luật sư, trợ giúp viên pháp lý không kịp thời hướng dẫn, tư vấn cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật, gây nên tình trạng người khiếu nại gửi đơn khiếu nại lòng vòng, không đúng người có thẩm quyền giải quyết và mất quyền khiếu nại khi thời hiệu khiếu nại đã hết.
Ba là, thiếu cơ chế bảo vệ đối với luật sư khi tham gia vào giải quyết khiếu nại
Luật sư khi tư vấn các vụ việc khiếu nại do tranh chấp, cũng dễ trở thành đối tượng bị đe dọa, trả thù, trù dập. Do đặc thù của các vụ án hành chính: người khởi kiện là cá nhân, tổ chức - đối tượng của quyết định hành chính và hành vi hành chính, còn người bị kiện là cơ quan hành chính - nhà nước cho nên một số luật sư còn e dè, ngại “cãi” lại cơ quan công quyền cho nên hiệu quả sự tham gia của luật sư có trường hợp còn chưa cao, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều công dân, cơ quan, tổ chức vẫn chưa được đảm bảo. Một số luật sư đã không dũng cảm đấu tranh chống các biểu hiện sai trái của người có thẩm quyền và cơ quan nhà nước. Thậm chí có trường hợp luật sư còn thỏa hiệp, câu kết, không dám đấu tranh bảo vệ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc xây dựng các quy định, cơ chế bảo vệ luật sư trong lĩnh vực này là hết sức thiết thực.
Bốn là, quy định về thời gian đóng góp của đội ngũ Luật sư vào hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại khá ít
Hoạt động tư vấn tại Trụ sở tiếp dân là một nội dung trợ giúp pháp lý của Luật sư. Với sự tham gia của hàng trăm Luật sư thuộc nhiều Đoàn Luật sư, nhiều nội dung khiếu nại đã được tư vấn giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Theo Quy chế phối hợp tại Ban Tiếp công dân Trung ương, mỗi luật sư thực hiện 08 giờ tư vấn miễn phí mỗi năm tại Trụ sở, đó là đóng góp của đội ngũ Luật sư vào hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, để theo đuổi một vụ việc khiếu nại phức tạp mà thời gian có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm, thì mức thời gian trên là khá ngắn để có thể theo dõi vụ việc từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc. Việc quy định thời gian trợ giúp ngắn không đảm bảo được tính thông suốt trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người dân, dễ dẫn đến việc người dân phải tìm gặp để nhờ riêng luật sư, mà không cần tư vấn tại trụ sở tiếp công dân.
4. Một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại
Trên cơ sở những nội dung đã phân tích, bài viết đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại tập trung vào một số nội dung như sau:
(1) Hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Các quy phạm pháp luật về thực hiện quyền khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý là những quy định đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và đảm bảo thực hiện tốt. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý là rất cần thiết. Vấn đề này phải được thiết lập trên phương hướng chung là tiếp tục phát triển, hoàn thiện những quy phạm pháp luật về thực hiện quyền khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý hiện có. Đồng thời, bổ sung các quy phạm pháp luật về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong thực hiện quyền khiếu nại, liên quan đến việc thực hiện quyền khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho thật sự đầy đủ, rõ ràng và bảo đảm cơ chế thực hiện.
Cụ thể, cần bổ sung các quy định về: (i) bảo vệ luật sư khi tham gia vào giải quyết khiếu nại; (ii) nâng mức thời gian đóng góp của đội ngũ luật sư vào hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại tại các trụ sở tiếp dân nhiều hơn mức hiện tại để đảm bảo được tính thông suốt trong quá trình trợ giúp pháp lý cho người dân; (iii) cho phép người nước ngoài được quyền khiếu nại, từ đó, có quyền được hưởng trợ giúp pháp lý; (iv) luật sư có thêm quyền tự mình xác minh, thu nhập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại, nghiên cứu hồ sơ vụ việc và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại. Trong trường hợp không có luật sư đại diện thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm mời đại diện của một hoặc một số tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp như: Hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... tham gia giải quyết để bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại.
(2) Bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý, chế tài xử lý đối với các chủ thể công khi vi phạm hoặc để xảy ra thiệt hại trong quá trình trợ giúp pháp lý vụ việc khiếu nại, tố cáo
Trong quá trình thực hiện các vụ việc khiếu nại, tố cáo nhiều cơ quan, đơn vị khi nhận được kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý với đầy đủ căn cứ pháp lý nhưng chưa trả lời hoặc trả lời chậm theo đúng quy định. Thậm chí có trường hợp không trả lời và không giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, làm giảm sút lòng tin của công dân vào pháp luật và bộ máy nhà nước. Vì vậy, đề nghị quy định bổ sung chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào mối quan hệ phối kết hợp trong việc tư vấn, trợ giúp pháp lý nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm.
(3) Bổ sung quy định trong Nghị định số 123/2013/NĐ-CP nhằm đảm bảo trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư. Bởi lẽ, để thực hiện tốt trách nhiệm trợ giúp pháp lý vì cộng đồng, vì người nghèo thì không chỉ là trách nhiệm của đoàn luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư mà còn cần có sự phối hợp của cơ quan nhà nước với Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, từng Luật sư.
(4) Kiến nghị đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhằm đảm bảo hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo, bảo đảm tính khả thi và có cơ sở xử lý đối với những vi phạm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
(5) Kiến nghị đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc nâng Quy chế phối hợp thành Thông tư liên tịch giữa Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp để văn bản này có giá trị và hiệu lực pháp lý cao hơn./.
ThS. Đào Thị Thu Hà
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
[1] Công văn số 1055/TTCP-BTCDTW ngày 05/5/2015 của Thanh tra Chính phủ.