Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ: “Hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra”
Cập nhật: 14/05/2012 12:00
Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2011 - 2012 của Thanh tra Chính phủ, ngày 11/5/2012, Viện Khoa học Thanh tra tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ “Hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra” do TS. Ngô Mạnh Toan, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra làm chủ nhiệm. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo chủ nhiệm đề tài, đề tài được nghiên cứu trong bối cảnh hệ thống pháp luật làm cơ sở cho hoạt động thanh tra và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động nghiệp vụ của ngành đã có nhiều thay đổi căn bản. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy còn nhiều vấn đề như tính pháp lý, tính thống nhất trong thực hiện hoạt động nghiệp vụ, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động nghiệp vụ và người thực thi công vụ… còn nhiều bất cập. Vì vậy, việc triển khai đề tài này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với công tác thanh tra trên cả ba phương diện học thuật, xây dựng hệ thống pháp luật và thực tiễn tiến hành thanh tra.
Kết quả nghiên cúu của đề tài đã làm rõ cơ sở lý luận hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra, bao gồm vấn đề về nhận thức chung trong nghiệp vụ tiến hành thanh tra, hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra và sự tương đồng, khác biệt giữa biện pháp nghiệp vụ trong tiến hành thanh tra và biện pháp nghiệp vụ trong điều tra hình sự. Tại chuơng II, đề tài đã đi sâu phân tích thực trạng hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra. Trên cơ sở phân tích những nội dung ở Chương II, đề tài đã đưa ra 4 yêu cầu, 5 định hướng và 6 kiến nghị hoàn thiện hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra tại Chương III.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra. Ban chủ nhiệm đã có quá trình nghiên cứu nghiêm túc, có sự đầu tư về thời gian và công sức. Đề tài là công trình khoa học có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Điều quan trọng là đề tài đã đặt nền móng cho việc tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống các biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong tiến hành thanh tra nhằm đưa hoạt động thanh tra vào nề nếp, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa nội dung đề tài, Ban chủ nhiệm cần xác định rõ yếu tố nào đòi hỏi phải nghiên cứu nghiệp vụ thanh tra, làm rõ hơn nữa khái niệm hệ thống biện pháp nghiệp vụ cơ bản. Tại chương II, Ban chủ nhiệm đề tài cần bổ sung các số liệu khảo sát, số liệu tổng kết các cuộc thanh tra để đảm bảo cơ sở thực tiễn cho các nhận xét, đánh giá thực trạng cũng như đề ra giải pháp, kiến nghị. Tại chương III, Đề tài cần làm rõ lộ trình, bước đi cụ thể của các nhóm giải pháp. Trong đó phải xác định nhóm giải pháp trước mắt và nhóm giải pháp lâu dài.
Với những kết quả đã đạt được, đề tài được Hội đồng khoa học nghiệm thu và xếp loại Khá.
Đậu Thị Hiền