Thể hiện rõ đặc điểm, tính chất và những yêu cầu đối với hoạt động thanh tra trách nhiệm thực hiện luật đã gây khó khăn rất lớn cho cán bộ, thanh tra viên cũng như hạn chế rất nhiều hiệu quả hoạt động thanh tra trách nhiệm thực hiện luật là những nội dung nghiên cứu được đặt ra trong Đề tài học cấp cơ sở “Cơ sở khoa học của việc xây dựng Chuẩn mực thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra” do ThS.Phạm Thị Huệ, Nghiên cứu viên, Phòng Tổng hợp Quản trị, Viện khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm được nghiệm thu tại Viện Khoa học Thanh tra vào ngày ngày 30/12/2011.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương với mục tiêu là nghiên cứu làm rõ vai trò của hoạt động thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra; đưa ra những phân tích, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra trách nhiệm nói riêng, những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện và nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trên. Trên cơ sở đó kiến nghị việc nghiên cứu xây dựng và ban hành chuẩn mực thanh tra trách nhiệm.
Đánh giá về ý nghĩa của đề tài, Hội đồng nghiệm thu nhận xét đề tài có tính mới và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, bước đầu đề tài đã đưa ra một số khái niệm, phân tích về thanh tra trách nhiệm, vai trò của thanh tra trách nhiệm, chuẩn mực thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra. Trên cơ sở đó đưa ra những luận giải về yêu xây đặt ra cho việc xây dựng những chuẩn mực trong hoạt động thanh tra trách nhiệm. Tại Chương II của đề tài đã có những đánh giá, phân tích khá chặt chẽ về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra trách nhiệm, trong đó nêu ra những bất cập từ thực tế áp dụng Quy trình thanh tra (Thông tư 02/2010/TT-TTCP) của Thanh tra Chính phủ hiện nay: thời gian quy định cho một cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cụ thể dẫn đến việc thực hiện trên thực tế không thống nhất, một số thủ tục theo quy trình thanh tra tại Thông tư số 02 không còn cần thiết khi tiến hành hoạt động thanh tra trách nhiệm… Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về thực trạng hoạt động thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị xây dựng Thông tư ban hành Bộ chuẩn mực về thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Thanh tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
Hội đồng nghiệm thu cũng cho ý kiến đối với một số nội dung nghiên cứu của đề tài: tại Chương II cần có sự đánh giá về các Kết luận thanh tra (của cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành và thanh tra các tỉnh) để làm rõ hơn tính cấp thiết của việc xây dựng bộ Chuẩn mực thanh tra trách nhiệm trong thời gian tới. Ngoài ra, kết cấu của đề tài cũng cần chỉnh sửa lại cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã thông qua đề tài và xếp loại xuất sắc./.
Trần Lan Hương
Phòng TT, TL&TV