Theo ThS. Lưu Thị Ngọc Vân, tuy mới trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển nhưng cùng với sự phát triển vận động không ngừng của thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ đã mang lại một số đóng góp giá trị cho sự phát triển của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra. Những thông tin, kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế chứa đựng những kinh nghiệm quốc tế phong phú, những kiến thức, thực tiễn tốt của quốc tế về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Những thông tin, kết quả này nếu được tiếp cận, khai thác, phổ biến, ứng dụng một cách hiệu quả sẽ mang lại nhiều ý nghĩa đối với việc nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công tác của các cá nhân, đơn vị và đóng góp cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
“Tuy nhiên, trên thực tế, những thông tin, kết quả này của hoạt động hợp tác quốc tế chưa được tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng một cách có hiệu quả. Những kết quả quan trọng trong thực hiện cam kết quốc tế, các chương trình hợp tác quốc tế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua chưa được tập hợp, quản lý và phổ biến một cách thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, sự tham gia, vai trò và trách nhiệm của các cá nhân thụ hưởng từ hoạt động hợp tác quốc tế còn chưa thực sự rõ nét, tích cực, sự phối hợp của các cơ quan tham mưu, cơ quan phối hợp còn thiếu đồng đều, chặt chẽ nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò, vị trí cũng như việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành Thanh tra Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại. Thực tiễn đó đòi hỏi chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ phải không ngừng được nâng cao; các thông tin, kết quả đầu ra của hoạt động hợp tác quốc tế phải được tiếp cận, khai thác, ứng dụng và phổ biến sử dụng triệt để để tăng cường hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan”, ThS. Lưu Thị Ngọc Vân khẳng định.

ThS. Lưu Thị Ngọc Vân cũng nhấn mạnh, với mục tiêu nghiên cứu là đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng thông tin, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới, Đề tài sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho những giải pháp tổng thể nhằm mục đích nâng cao vai trò, hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ; kết quả nghiên cứu của đề tài với đề xuất kiến nghị sẽ đóng góp trực tiếp ngay vào việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động đối ngoại của Thanh tra Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-TTCP ngày16/6/2016 của Thanh tra Chính phủ); đồng thời, có thể sử dụng như tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu.
Phát biểu với tư cách là Ủy viên hội đồng, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là đề tài rất cần thiết nghiên cứu, hiện chưa có công trình nghiên cứu sâu về vấn đề này. Kết quả nghiên cứu của đề tài đầy đủ, xác thực, cập nhật; thông tin, tư liệu, tài liệu đáng tin cậy; kết quả nghiên cứu có tính mới. Tuy nhiên, về nội dung nghiên cứu, phần lý luận tương đối dàn trải, cần viết gọn lại; Nhóm giải pháp về thể chế nên đưa về phần kiến nghị.
ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận xét, đây là Đề tài khó nhưng rất cần thiết. Về lý luận đã làm rõ những khái niệm có liên quan, làm rõ nội dung, mục đích, phương thức tiếp cận. Tuy nhiên, những khái niệm cần cụ thể hơn; thực trạng được đánh giá nhưng cần làm rõ hơn những kết quả đạt được; giải pháp cần trực tiếp vào công tác tiếp cận, khai thác, phổ biến và ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ.
Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Văn khẳng định, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm giúp Thanh tra Chính phủ định hướng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, đưa ra giải pháp tổng thể để đổi mới toàn diện công tác tiếp cận, khai thác cũng như ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.
“Cá nhân tôi đánh giá đề tài rất cao. Đây là một đề tài rất khó nhưng Ban chủ nhiệm đề tài rất công phu, nghiêm túc trong nghiên cứu. Giữa ba chương đã thể hiện sự mạch lạc, logic. Đề tài cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Thông tin đưa ra hữu ích. Tuy nhiên, hệ thống các giải pháp nên đi thẳng vào vấn đề; Chương II nên có phụ lục về kinh nghiệm quốc tế thì sẽ rất thuyết phục”, TS. Nguyễn Quốc Văn nhận xét.
Với kết quả nghiên cứu của đề tài, Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc .
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng