Đề tài hướng tới mục tiêu làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm chứng minh trong giải quyết vụ việc hành chính. Phân tích làm rõ thực trạng về trách nhiệm chứng minh trong giải quyết vụ việc khiếu nại hành chính ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế về vấn đề này.
Tại chương I, Đề tài đi sâu phân tích một số vấn đề lý luận liên quan trách nhiệm chứng minh trong giải quyết vụ việc khiếu nại hành chính; đề cập đến trách nhiệm chứng minh trong giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Bên cạnh đó, Đề tài có tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ, trách nhiệm chứng minh trong giải quyết khiếu nại. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận chung, Đề tài phân tích làm rõ các quy định pháp luật và việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm chứng minh của người khiếu nại, người bị khiếu nại và nghĩa vụ chứng minh của người giải quyết khiếu nại trong giải quyết vụ việc khiếu nại hành chính.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra được các giải pháp và kiến nghị nhằm nhằm nâng cao trách nhiệm chứng minh trong giải quyết khiếu nại hành chính. Các nhóm giải pháp cụ thể bao gồm: Hoàn thiện khuôn khổ thể chế về trách nhiệm chứng minh; Hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện trách nhiệm cung cấp chứng cứ trong hoạt động chứng minh; Tiếp tục cải cách hành chính nói chung và trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người khiếu nại, người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại; Minh bạch hóa quá trình giải quyết khiếu nại, tăng cường cơ chế đối thoại, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại hành chính.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra. Đề tài được nghiên cứu nghiêm túc, nội dung nghiên cứu có chứa hàm lượng thông tin khoa học cao, các vấn đề nghiên cứu được phân tích sâu và trình bày cụ thể, chi tiết. Đề tài có sự cập nhật thông tin mới nhất của Luật Khiếu nại 2011; có sự so sánh, đối chiếu trách nhiệm chứng minh trong luật hình sự, dân sự, hành chính; có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tốt, kiến nghị phù hợp và mang tính khả thi cao.
Bên cạnh những mặt đạt được, Hội đồng khoa học cũng kiến nghị với Ban chủ nhiệm đề tài, để đề tài được hoàn thiện hơn, Đề tài cần xem xét đến vai trò của luật sư và hệ quả của trách nhiệm chứng minh trong giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính.
Với những kết quả đạt được, Đề tài được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá xếp loại xuất sắc./.
Phạm Thị Thanh Minh
Phòng TT, TL&TV