Theo TS. Tạ Thu Thủy, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học – Viện CL&KHTT đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay phản ánh, kiến nghị (PAKN) được quy định rải rác trong một số văn bản như: Luật Tiếp công dân năm 2013 (đưa ra khái niệm chung về KNPA và yêu cầu tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh); Thông tư 06/2014 của Thanh tra Chính quy định quy trình tiếp công dân và Thông tư 07/2014 về quy định xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn KNPA (mới chỉ có quy định về tiếp nhận, xử lý đơn phản ánh, kiến nghị, chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết PAKN).
Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý PAKN của các nhân, tổ chức về quy định hành chính (đưa ra khái niệm riêng biệt về PAKN, việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết bao gồm PAKN về nội dung quy định và những vấn đề vướng mắc, hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện quy định hành chính”…
Theo TS. Tạ Thu Thủy, do thiếu quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để giải quyết KNPA, nhiều cơ quan và cán bộ, công chức đã bỏ qua hoặc đã linh hoạt vận dụng các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cao để giải quyết PAKN.
Vì vậy, không có cơ sở pháp lý vững chắc nên không thể xác định được trách nhiệm của các chủ thể nhà nước có liên quan; không thể thúc ép việc giải quyết; đa số đơn KNPA chưa được giải quyết hoặc không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Quan điểm của các địa phượng hiện không thống nhất, đa số cho rằng cần phải ban hành văn bản quy định cụ thể về giải quyết PAKN; một số cho rằng không cần ban hành quy định riêng vì sẽ có thêm nhiều trình tự, thủ tục phải thực hiện, gây quá tải.
Trên cơ sở đó, Tổ nghiên cứu đề xuất các phương án. Trước mắt đề xuất ban hành Nghị định chuyên biệt của Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết PAKN.
Cho ý kiến vào kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: PAKN và việc giải quyết PAKN là những vấn đề gây lúng túng cho các cơ quan nhà nước nói chung các các cơ quan hành chính nói riêng bởi chưa có quy định thống nhất việc xử lý PAKN; các quy định nằm rải rác trong các văn bản pháp luật; một tỷ lệ lớn các PAKN hoặc không được xử lý hoặc xử lý không thỏa đáng; pháp luật thiếu cơ chế kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm. Do vậy việc nghiên cứu hoàn thiện quy định về giải quyết KNPA và quy định bảo vệ người PAKN, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Viện Phó Viện CLKH&TT cũng cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là hết sức cần thiết, phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu đề xuất phương án hoàn thiện quy trình về tiếp nhận, giải quyết KNPA và bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin; cách tiếp cận nghiên cứu chuyên đề là phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; mục tiêu rõ ràng; các nội dung nghiên cứu được thể hiện cơ bản đáp ứng được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu.
Theo ThS. Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho rằng, nội dung nghiên cứu cần làm rõ hơn khái niệm PAKN trên phương diện pháp lý. Về nội dung cần cân nhắc về việc điều chỉnh chung việc KNPA về quy định hoàn chỉnh và phân loại KNPA khác liên quan đến công tác quản lý.
TS. Đinh Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng cho rằng, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn và mang tính thời sự cao, kết quả nghiên cứu dày dặn, công phu; đánh giá được các yếu tố đảm bảo việc giải quyết PAKN; các kiến nghị có giá trị thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ đề xuất hoàn thiện về giải quyết KNPA và bảo vệ người KNPA, cung cấp thông tin.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất nghiệm thu kết quả nghiên cứu.
Tin và ảnh: Hữu Thắng