Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, hiện tượng phổ biến, đáng lên án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính hiện nay là lạm dụng quyền lực từ phía người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc vượt quá thẩm quyền cho phép; bên cạnh đó, thái độ thờ ơ, sách nhiễu, hách dịch, coi thường người khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người giải quyết, khiếu nại đi ngược với tinh thần phục vụ nhân dân gây bất bình và làm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Do xung đột lợi ích giữa người khiếu nại, tố cáo hành chính và người giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính nên việc giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu rất ít hiệu quả, trong khi quy định của pháp luật về khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu chính là người đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Quá trình này đòi hỏi cần phải có sự thống nhất trong nhận thức về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của cơ quan có thẩm quyền cũng như sự kiểm soát quyền lực của các chủ thể có liên quan trong suốt quá trình khiếu nại, tố cáo.
Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính hiệu quả chưa cao dẫn đến thực trạng phổ biến là quyền lực nhà nước bị hoặc có nguy cơ bị một số chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính thâu tóm, lạm dụng, quyền của người khiếu nại, tố cáo hành chính không được bảo đảm, thậm chí bị xâm hại, gây mất uy tín của Nhà nước, của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Với những lý do trên, trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các chủ trương Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển; góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, bảo vệ quyền của người khiếu nại, tố cáo, bảo vệ uy tín của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, việc nghiên cứu đề tài có tính cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Tại cuộc hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoan nghênh sự khẩn trương trong nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm của Ban chủ nhiệm đề tài trong việc hoàn thành các nội dung; tài liệu hội thảo đã được chuẩn bị chu đáo trên cơ sở hướng dẫn, đôn đốc của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Vấn đề đặt ra là hướng đi của đề tài cần xác được xác định rõ nét hơn. Tính cấp thiết, về cơ bản là nhất trí nhưng cần thể hiện sâu hơn khi đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xung đột lợi ích giữa người khiếu nại, tố cáo hành chính và người giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Lý luận về kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cần làm rõ hơn, trong đó, bổ sung nội dung quyền lực, lạm dụng quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Chương II thể hiện quá nhiều, quá chi tiết so với tổng thể chung của đề tài (07/14 nội dung của đề tài) nên cần tiết chế lại, phân bổ nội dung sang các phần khác của đề tài, đặc biệt là phần giải pháp.
ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, cần bổ sung vai trò, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Chương II cần đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về kiểm soát quyền lực.
TS. Tạ Thu Thủy, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề cương đề tài đã chạm đến vấn đề kiểm soát quyết lực nhưng phạm vi nghiên cứu cần cụ thể hơn; đề tài cần giải quyết vấn đề ai giám sát, giám sát ai, giám sát như thế nào, trong đó làm sâu vấn đề kiểm soát từ bên ngoài; bổ sung nội dung đánh giá tổng quan, trong đó đánh giá sự chồng chéo, trùng lắp trong kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính; bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực, các dạng hành vi vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Đề tài nên đề cập tới cả các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Phần giải pháp cần bổ sung thêm các chuyên đề cho hợp lý với tổng thể các phần nội dung khác của đề tài.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thì cho rằng, đề tài cần bổ sung nội dung về nguy cơ mất kiểm soát quyền lực trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng