Theo TS. Nguyễn Huy Hoàng, Trường cán bộ thanh tra là đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho cán bộ thanh tra, công chức của ngành Thanh tra. Các khóa bồi dưỡng chuyên sâu đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của Bộ ngành, địa phương về nhu cầu tổ chức các khóa học chuyên sâu ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Thanh tra, đồng thời cũng cung cấp cho người học những kiến thức kỹ năng chuyên sâu, thật sự cần thiết trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo mà các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về ngạch, bậc chưa cung cấp được. Và quan trọng hơn, đã giúp Trường cán bộ thanh tra đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, mở ra hướng đi mới nhằm tạo sự năng động, sáng tạo của Nhà trường trong điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.
Tuy nhiên, việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nói trên cũng cho thấy còn một số hạn chế: việc mở rộng các khóa bồi dưỡng chuyên sâu còn phụ thuộc nhiều vào yêu cầu đặt hàng của bộ, ngành, địa phương, vì vậy, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu còn mang tính bị động mà chưa bao quát theo yêu cầu chung của các địa phương, bộ ngành; nội dung các chương trình dào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu hện còn hạn chế; còn thiếu một số chương trình, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trong tổng thể 03 lĩnh vực công tác của ngành về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; các chương trình đào tạo chưa cập nhật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ngày càng phức tạp, khó khăn; đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu còn thiếu, chủ yếu phụ thuộc vào những người có kinh nghiệm, chuyên sâu của Thanh tra Chính phủ hoặc một số giảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý của Trường cán bộ tra, dẫn đến bị động khi bố trí giảng viên dạy.
Hiện nay, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về ngạch bậc đang có xu hướng giảm đi do thời gian qua Nhà trường đã tổ chức được nhiều khóa học. Trong khi đó, Nhà trường đã và đang thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Chính vì vậy, việc đa dạng hóa chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cũng là cơ sở quan trọng để Trường cán bộ thanh tra củng cố hệ thống tài liệu, giáo trình đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Thanh tra.
Với mục tiêu nghiên cứu là đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra nói riêng và các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nói chung, Đề tài triển khai 03 nội dung: (1) Một số vấn đề lý luận về chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra; (2) Thực trạng khung chương trình, nội dung chương trình và việc tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra; (3) Quan điểm, giải pháp hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra.

Góp ý tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, về cơ bản, nội dung của 03 chương đã được chuẩn bị khá kỹ; nội dung một số vấn đề lý luận cần bổ sung thêm nhu cầu xây dựng chương trình bồi dưỡng chuyên sâu và thực hiện chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường Cán bộ thanh tra; bổ sung các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (cơ sở và căn cứ xây dựng chương trình; năng lực và điều kiện của Trường cán bộ thanh tra; sự phối hợp của Trường cán bộ thanh tra với các bộ ngành, địa phương). Chương II cần đánh giá thực trạng về công tác đào tạo chuyên sâu về thanh tra; thực trạng về công tác đạo tạo chuyên sâu về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực trạng công tác đào tạo chuyên sâu về phòng, chống tham nhũng). Chương III là quan điểm giải pháp hoàn thiện nội dung chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra và thực hiện bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra; phần giải pháp cần bổ sung các giải pháp về: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình đạo tạo, bồi dưỡng; tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện phụ trợ; tăng cường sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ, Trường cán bộ thanh tra với các bộ ngành, địa phương.
TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận thấy, mục tiêu nghiên cứu của đề tài nên đề xuất giải pháp để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu; cần nêu bật nhu cầu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu (nhu cầu của đối tượng học; nhu cầu tự thân của Trường Cán bộ thanh tra); Chương II cần đánh giá trên cơ sở các chương trình chuyên sâu theo mảng và cần lưu ý đến tính linh hoạt của từng khung chương trình.
ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin, Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài cần luận giải rõ sự khác biệt giữa chương trình chuyên sâu với chương trình cơ bản; nội dung nên tách thành hai mảng là kiến thức và kỹ năng; bổ sung kinh nghiệm của các bộ ngành, địa phương khác về việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, tên chương I nên đổi là: “Một số vấn đề chung về chương rình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường cán bộ thanh tra”; bổ sung quan niệm về khung chương trình; chương II nên có nội dung chương trình và tổ chức thực hiện; cách phân chia ở mục 2.1 về khung chương trình, nội dung các chương trình bồi dưỡng và việc tổ chức thực hiện các chương trình chưa được logic, nên phân theo nhóm các loại chuyên sâu và nhóm các lĩnh vực có liên quan, nhóm khung chương trình liên quan đến việc đặt hàng của các nhóm đối tượng khác nhau.
TS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài cần bổ sung điều kiện về nội dung chương trình bồi dưỡng chuyên sâu tại chương I; Chương II cần chia thành thực trạng xây dựng chương trình và thực trạng thực hiện chương trình; Các giải pháp cần gắn với các yếu tố tổ chức thực hiện.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng