Tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng cho biết, kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, việc kê khai và quản lý kê khai tài sản rất phân tán, chủ yếu do bộ phận tổ chức cán bộ của các cơ quan đảm nhiệm với nhiện vụ chủ yếu là đôn đốc việc kê khai đúng thời hạn, đúng hình thức…. mà không có bất cứ một cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho việc kiểm soát tính trung thực của việc kê khai tài sản. Việc tiến hành kiểm tra, xác minh rất phức tạp cả về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và tiến hành trong những điều kiện khá ngặt nghèo. Việc kê khai tài sản phụ thuộc chủ yếu dựa vào tính trung thực của bản thân người có nghĩa vụ kê khai cũng như qua phát giác của công dân và đặc biệt là báo chí.
“Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 giao quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho rất nhiều cơ quan dẫn đến tình trạng dữ liệu bị phân tán ở nhiều nơi khác nhau nên rất khó khăn trong việc kiểm soát. Hơn nữa, mỗi cơ quan kiểm soát lại có chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động khác nhau nên sẽ dẫn đến tình trạng xung đột trong kiểm soát”, TS. Cung Phi Hùng nhấn mạnh.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: (1) Cơ sở lý luận về kiểm soát tài sản, thu nhập; (2) Thực trạng kiểm soát tài sản, thu nhập; (3) Giải pháp kiểm soát tài sản, thu nhập.
Góp ý tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, tên của 03 Chương cần phải sửa lại cho phù hợp với tên của Đề tài; làm rõ nội hàm của khái niệm “kiểm soát tài sản, thu nhập”; nội dung nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần đề cập tới vấn đề thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đại diện Cục phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ thì cho rằng, cần nghiên cứu sâu hơn nội dung nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; sự chồng chéo giữa các đối tượng quản lý; trình tự, thủ tục về kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý dữ liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là rất cần thiết và là giải pháp quan trọng mà đề tài cần phân tích, làm rõ.
TS. Tạ Thu Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra góp ý, Chương I cần bổ sung đặc điểm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và các yếu tố tác động đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập; tại Chương 1 cần thể hiện rõ hơn là chương về lý luận nên cần giải quyết các vấn đề về: Khái niệm kiểm soát tài sản, thu nhập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự và Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu để hoàn thiện nội dung nghiên cứu./.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng