Theo ThS. Ngô Thu Trang, tham nhũng vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối ở mọi quốc gia trong suốt nhiều thập kỷ qua. Các quốc gia sử dụng nhiều phương thức khác nhau để phòng, chống tham nhũng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các giải pháp hiện đại được đưa ra để giải quyết tình trạng tham nhũng này, trong đó, Chính phủ điện tử được coi là điểm sáng nổi bật. Ở Việt Nam, một số văn kiện của Đảng và Nhà nước đã ghi nhận vai trò của chính phủ điện tử trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng. Trên thực tiễn, Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn ở mức trung bình trong nhiều năm qua; kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về chính phủ điện tử còn chậm, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả trong việc xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm so với tiến độ, yêu cầu; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công còn thấp… Đó là những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng bằng công cụ chính phủ điện tử trên thực tiễn.
Theo dự kiến, Đề tài hướng tới mục tiêu góp phần hoàn thiện pháp luật và đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả chính phủ điện tử trong các thiết chế phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Để đạt mục tiêu đề ra, Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Một số vấn đề chung về vai trò của chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; ii) Thực trạng vai trò của chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng; iii) Phương hướng và giải pháp nâng cao vai trò của chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng.

Góp ý hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT cho rằng, tại Chương I, Đề tài cần làm rõ khái niệm về tham nhũng, phòng chống tham nhũng, chính phủ điện tử… vì đây là các khái niệm cơ bản để giải quyết mục tiêu đề tài sau này. Về nội dung nghiên cứu, dựa trên những phương pháp phòng, chống tham nhũng truyền thống, từ đó, Đề tài có thể nghiên cứu ứng dụng chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng ở 06 trục nội dung chính, bao gồm: Tuyên truyền phổ biến pháp luật, cải cách hành chính, kiểm soát tài sản thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, thanh toán không dùng tiền mặt, công khai minh bạch. Tại Chương II, Đề tài phân tích thực trạng quy định pháp luật và thực trạng hoạt động ứng dụng chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng, cần phân tích, đánh giá theo 06 trục nội dung trên và nêu những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện nội dung này và lấy đó làm cơ sở để đề xuất giải pháp của đề tài. Phần giải pháp ở Chương III, cần bổ sung thêm giải pháp tổ chức thực hiện để tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.
Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT, Đề tài cần làm rõ thêm quan niệm về chính phủ điện tử; cần nghiên cứu ở khía cạnh ứng dụng chính phủ điện tử vào công tác phòng, chống tham nhũng thay vì chỉ nghiên cứu ứng dụng vào các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Về nội dung nghiên cứu, TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, phần lý luận, Đề tài cần bổ sung triển vọng của chính phủ điện tử trong phòng chống tham nhũng, làm rõ vai trò của chính phủ điện tử, để từ đó khẳng định rằng nếu ứng dụng chính phủ điện tử tốt, sẽ góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng; về “các điều kiện bảo đảm phát huy vai trò của chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng”, Đề tài cần làm rõ các vấn đề về cơ sở chính trị pháp lý, cơ sở vật chất, nhân lực; sự phối hợp giữa các chủ thể liên quan… Phần thực trạng, cần khái quát quá trình xây dựng, vận hành, phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam nhằm phục vụ quản lý nhà nước, kiểm soát thực thi nhiệm vụ công vụ; đề cập đến những định hướng lớn theo từng giai đoạn cụ thể của cải cách hành chính nhà nước; thực tiễn ứng dụng chính phủ điện tử vào công tác phòng, chống tham nhũng; đánh giá chung về vai trò của chính phủ điện tử vào công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Tuấn Khanh về việc Đề tài cần làm rõ quan niệm về chính phủ điện tử, ThS. Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Thông tin - Thư viện, Viện CLKHTT cho rằng, Đề tài cần làm rõ thêm chủ thể tham gia vào chính phủ điện tử; nội dung ứng dụng vai trò của chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng; đề cập ứng dụng chính phủ điện tử trong thực tế hiện nay với công tác phòng, chống tham nhũng; tại Chương III, Đề tài cần bổ sung thêm phương hướng thúc đẩy ứng dụng chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng…
Chia sẻ với các quan điểm đã nêu, ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng chính phủ điện tử, và hướng đến xây dựng chính phủ số. Giữa chính phủ điện tử và công tác phòng, chống tham nhũng có mối liên hệ chặt chẽ và biện chứng qua lại lẫn nhau, do đó, khi nghiên cứu, không chỉ đề cập đến ứng dụng chính phủ điện tử vào vấn đề phòng, chống tham nhũng mà Đề tài cần nghiên cứu đến cả vấn đề phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua các báo cáo đã công bố, cần lựa chọn những trụ cột phù hợp để đưa vào nội dung phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Theo ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện CLKHTT, chính phủ điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Chính phủ. Theo đó, đề tài có thể tiếp cận theo phương thức của chính phủ điện tử trên trục nội dung: Quản lý điều hành của chính phủ, các bộ ngành địa phương; cung cấp dịch vụ công; chính phủ điện tử ứng dụng công nghệ thông tin là kênh người dân kiểm soát hoạt động của chính phủ, bộ ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ các quan điểm về quan niệm về chính phủ điện tử; sự minh định chính phủ điện tử với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống tham nhũng; tác động của chính phủ với công tác phòng, chống tham nhũng; cách tiếp cận cấu trúc chính phủ điện tử … Theo ý kiến của đa số các đại biểu tham dự, đây là đề tài khó, phạm vi nghiên cứu rộng, do đó, Ban Chủ nhiệm đề tài cần lựa chọn hướng nghiên cứu phù hợp với phạm vi của đề tài khoa học cấp cơ sở./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng