Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết: Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, tiền thân của ngành Thanh tra hiện nay. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng, góp phần rất lớn vào công cuộc hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhìn lại quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra đã có những chuyển biến quan trọng về tổ chức hoạt động, xây dựng, hoàn thiện thể chế, làm cơ sở tiền đề để công tác thanh tra chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp, chính quy và hiện đại. Hàng năm, ngành Thanh tra đã tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, qua đó phát hiện những sơ hở trong cơ chế chính sách pháp luật, từ đó đề xuất, kiến nghị kịp thời cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, phù hợp yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Cũng thông qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý, kiến nghị nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, nhờ đó góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước, giữ ổn định tình hình kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước.
Hội thảo khoa học nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành Thanh tra trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân; làm rõ cơ sở lịch sử, khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra trong bối cảnh xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân. Đồng thời, làm rõ nội dung, phương thức đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh tra; lịch sử hình thành, phát triển và những đóng góp to lớn của ngành Thanh tra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực trạng tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay và yêu cầu đổi mới; nội dung, phương thức đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân; quan điểm, nội dung, lộ trình hoàn thiện pháp luật về Thanh tra đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân; một số vấn đề cần hoàn thiện pháp luật về thanh tra…
Nội dung nhiều tham luận, ý kiến tập trung nêu bật vai trò, trách nhiệm của ngành Thanh tra trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; việc chuyển từ mô hình chính phủ quản lý sang mô hình chính phủ kiến tạo đòi hỏi sự chuyển mình của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có hệ thống cơ quan thanh tra. Thanh tra là tai mắt của người quản lý, là công cụ hữu hiệu của quản lý và khi quản lý đã thay đổi thì tất yếu thanh tra phải có sự chuyển mình, đổi mới để đáp ứng với yêu cầu mới của quản lý. Vì vậy, cần xác định rõ thanh tra là công cụ của quản lý và chuyên nghiệp; làm rõ hơn nữa vai trò của Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện quyền thanh tra theo quy định của pháp luật. Làm rõ nội dung, phương thức đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân; phân định rõ vai trò, vị trí các cơ quan thanh tra với các loại hình kiểm tra khác; phân định rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thanh tra…
Với 13 tham luận tại hội thảo, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đánh giá cao các tham luận của các đại biểu, kết quả hội hảo này sẽ được Thanh tra Chính phủ tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010.
Tin: Đức Trung
Ảnh: Hữu Thắng