Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng, việc phối trên các khía cạnh như xây dựng kế hoạch, trao đổi thông tin, dữ liệu, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán, phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận giữa kiểm toán nhà nước khu vực và thanh tra tỉnh còn hạn chế. Trước hết là, việc phối hợp chưa đồng đều giữa các địa phương, có địa bàn lãnh đạo hai cơ quan chỉ đạo sát sao, có cách làm tốt thì việc phối hợp diễn ra chặt chẽ, hiệu quả nhưng có địa phương chưa quan tâm, phối hợp chưa tốt, lúng túng, thiếu trao đổi thông tin dẫn tới chồng chéo và những hệ luỵ khác.
Chỉ thị số 20/QĐ-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính tình thế để tăng cường phối hợp, khắc phục chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán nói chung và hoạt động thanh tra nhà nước cấp tỉnh, kiểm toán khu vực nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính tình thế, quá trình triển khai các giải pháp này cũng chưa được đánh giá một cách đầy đủ để tìm ra các vướng mắc và nguyên nhân. Hơn nữa, để có sự phối hợp tốt, mang tính lâu dài giữa kiểm toán nhà nước khu vực và thanh tra tỉnh đòi hỏi những sửa đổi trong quy định mang tính nguyên tắc ở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa hai cơ quan, đảm bảo sự phân định rõ ràng và có quy chế phối hợp cụ thể. Những vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu để đưa ra giải pháp cụ thể.
Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Chủ nhiệm đề tài triển khai 03 nội dung: (1) Một số vấn đề chung về phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; (2) Thực trạng phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; (3) Quan điểm, giải pháp bảo đảm phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Cho ý kiến tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh, đề tài cần làm rõ hơn thực trạng phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, để từ đó xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Chủ nhiệm đề tài cần làm rõ hơn sự cần thiết phối hợp giữa kiểm toán khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thể hiện tại mục tính cấp thiết. Trước đây, cũng đã có có một số đề tài bước đầu phân định giữa hoạt động thanh tra nhà nước và kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, thời điểm nghiên cứu cách đây khá lâu khiến cho một số nội dung không còn phù hợp với chính sách, quy định hiện hành. Do vậy, Đề tài cần hướng phạm vi vào phân định hoạt động thanh tra nhà nước và kiểm toán nhà nước nói chung chứ không đi sâu vào phân định chức năng hay phân tích sự phối hợp giữa Kiểm toán khu vực nhà nước và Thanh tra nhà nước cấp tỉnh.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra góp ý, Đề tài cần bổ sung thêm một số văn bản hiện hành về sự phối hợp giữa hai cơ quan; việc đánhh giá sự phối hợp giữa hai cơ quan này có rất nhiều vấn đề khó xử lý, chủ nhiệm đề tài nên dành dung lượng nghiên cứu cho vấn đề này.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, sự cần thiết và mục đích nghiên cứu đề tài cần thể hiện lại cho rõ hơn; những yếu tố bảo đảm phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán cần cân đối lại về mặt nội dung giữa các phần đảm bảo sự hợp lý hơn, trong đó đặc biệt chú trọng cơ sở pháp lý. Trong Chương II thực trạng phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh, nội dung phần 2.1 “khái quát thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh” có thể trở thành phi lộ cho phần thực trạng. Mục 2.2 phân tích, đánh giá hệ thống quy định và mục 2.3 phân tích, đánh giá thực trạng tiến hành phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan Thanh tra nhà nước cấp tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nên gộp lại thành một.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Nga phát biểu cảm ơn những góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo và trên cơ sở những góp ý, chủ nhiệm đề tài sẽ hoàn thiện đề cương nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra và đề xuất các giải pháp có tính tổng thẻ nhằm bảo đảm sự phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước khu vực và cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng