Theo Chủ nhiệm đề tài, cải cách hành chính (CCHC) là quá trình thay đổi có kế hoạch để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại. Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác CCHC và chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Cải thiện chỉ số CCHC sẽ giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đạt hiệu quả tốt hơn; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực… Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách hành chính, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo triển khai công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách hành chính; hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành công việc… Tuy nhiên, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của Thanh tra Chính phủ, mặc dù đã có những cải thiện, tiến bộ đáng kể, không phải xếp hạng với các bộ, ngành do tính chất đặc thù của công tác thanh tra nhưng chỉ số vẫn còn thấp hơn so với rất nhiều bộ ngành và còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Trình bày nội dung nghiên cứu, theo CN. Nguyễn Hữu Thắng, Đề tài gồm 03 chương: i) Một số vấn đề chung về cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ; ii) Thực hiện chỉ số cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021; iii) Giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ.
Đề tài phân tích kết quả chỉ số CCHC của Thanh tra Chính phủ trên bảy lĩnh vực: Chỉ số công tác chỉ đạo điều hành CCHC; chỉ số cải cách thể chế; chỉ số cải cách thủ tục hành chính; chỉ số cải cách tổ chức bộ máy; chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công chức, viên chức; chỉ số cải cách tài chính công; chỉ số hiện đại hóa nền hành chính. Đồng thời, kết quả nghiên cứu đề tài chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2017 - 2021, công tác cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ đã được triển khai đồng bộ, các nội dung và mục tiêu đề ra trong Kế hoạch CCHC về cơ bản đã hoàn thành tiến độ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kế hoạch CCHC trong từng giai đoạn với mục tiêu và giải pháp thực hiện là đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với điều kiện cụ thể của Thanh tra Chính phủ… Trên cơ sở phân tích thực trạng và các kết quả đạt được, đề tài cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế về công tác CCHC của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2017 - 2021 và đề ra các giải pháp cải thiện chỉ số CCHC của Thanh tra Chính phủ theo bảy lĩnh vực nêu trên…

Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Đề tài đã đánh giá được chỉ số CCHC của Thanh tra Chính phủ, Đề tài cần làm rõ thêm vai trò, ý nghĩa của việc cải thiện chỉ số CCHC, chỉ số CCHC ra đời nhằm thực hiện các giải pháp nằm trong chương trình tổng thể CCHC; làm rõ CCHC theo từng giai đoạn và nội dung CCHC trong từng giai đoạn. Về thực trạng CCHC cho thấy, TTCP đứng ở vị trí không cao, đề tài tìm ra giải pháp cải thiện chỉ số CCHC của TTCP cần tham khảo kinh nghiệm của các bộ, ngành về vấn đề này. Về giải pháp, đề tài đưa ra nhiều giải pháp, cần có sự sắp xếp lại cho hợp lý và logic hơn.
TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, Đề tài có thể nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số cải cách hành chính của TTCP thì kết quả nghiên cứu đề tài mang lại tính ứng dụng cao. Phần thực trạng, có thể bổ sung thêm quy định ban hành chỉ số cải cách hành chính; tìm ra yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của các năm để từ đó đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả cao trong cải thiện chỉ số CCHC. Về giải pháp, đề xuất bộ chỉ số CCHC của TTCP và kiến nghị bổ sung, sửa đổi bộ chỉ số đã có.
Chia sẻ với các ý kiến đã nêu, ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài cần xem lại tên đề tài để đảm bảo sự đồng bộ, xuyên suốt trong các nội dung nghiên cứu; đề tài có thể tập trung vào kinh nghiệm của các bộ, ngành và rút ra những bài học kinh nghiệm cho TTCP…
Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự để hoàn thành nội dung nghiên cứu đề tài trong thời gian tới./.
Tin và ảnh: Thanh Minh