Do vậy, dẫn đến một nghịch lý là cảm nhận của xã hội và nhận định của các cơ quan nhà nước về tham nhũng nói chung và tệ hối lộ ngày càng nhiều trong khi các vụ việc, vụ án xét xử tội danh hối lộ thì quá ít, thậm chí gần đây có xu hướng giảm. Nhằm ngăn chặn nạn tệ hối lộ một cách triệt để cần phải có những giải pháp hữu hiệu để nhận diện và phân loại chính xác các hành vi hối lộ là những nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo khoa học “Hối lộ và giải pháp chống hối lộ” diễn ra vào ngày 23/12/2011 tại Viện Khoa học Thanh tra.
Với mục đích tiếp thu các ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn về chống hối lộ, phục vụ cho việc nghiên cứu Đề tài khoa học cấp bộ “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống hối lộ ở Việt Nam” do ThS.Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm, Hội thảo đã thu hút được đông đảo các chuyên gia trong và ngoài ngành Thanh tra tham dự.
Báo cáo dẫn đề đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng hối lộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự chưa rõ ràng và mẫu thuẫn giữa các quy định pháp luật về hành vi tham nhũng nói chung và hành vi hối lộ nói riêng. Báo cáo cũng chỉ ra các hành vi hối lộ với các cách thức, biểu hiện khác nhau: i) hối lộ để người đưa hối lộ thực hiện hành vi phi pháp và đạt được một số lợi ích bất hợp pháp nào đó; ii) hối lộ theo kiểu bôi trơn hay bồi dưỡng; iii) hối lộ theo kiểu đầu tư; iv) hối lộ bằng hình thức ngoại giao; v) hối lộ theo kiểu cảm ơn.
Tại Hội thảo, đánh giá về hoạt động chống hối lộ ở Việt Nam hiện nay, các ý kiến cho rằng đây là vấn đề khó khăn và phức tạp khi hành vi hối lộ liên quan đến vấn đề quà tặng, vốn là hành vi ứng xử bình thường, từ lâu đã trở thành tập quán ở Việt Nam. Do vậy, vấn đề then chốt ở đây là để chống lại tệ hối lộ một cách hiệu quả cần có sự sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành và xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm nhận diện và phân loại các hành vi hối lộ qua đó có chế tài xử lý đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó một số ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay để chống tham nhũng một cách toàn diện các giải pháp cần hướng tới việc điều chỉnh các hành vi hối lộ trong khu vực tư, hành vi hối lộ tập thể và hối lộ trên phạm vi quốc tế. Ngoài ra, cũng cần tham khảo các kinh nghiệm tốt của nước ngoài về chống hối lộ để áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam..
Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hôi nghị, sẽ giúp cho Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện thêm các nội dung nghiên cứu của Đề tài “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống hối lộ ở Việt Nam”./.
Trần Lan Hương
Phòng TT-TL&TV