Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Các Ủy ban và cơ quan thuộc Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ủy ban chứng khoán nhà nước; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố, bộ ngành; các Viện nghiên cứu… tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Văn nhận định “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực”. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân. Theo đó, các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới đòi hỏi phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Hội thảo sẽ tập trung làm rõ những vấn đề lý thuyết về khung lý thuyết chung về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; về các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong thể chế chính trị Việt Nam; Hội thảo sẽ cùng chia sẻ, thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện trong trong cả hai khu vực công và khu vực tư...

Hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên, phiên thứ nhất với nội dung “Tiếp cận khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” do TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ nhiệm Đề tài; PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Khoa Luật Hiến pháp và Luật hành chính, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội và TS Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra đồng chủ trì. Phiên này, các đại biểu được nghe các nhà nghiên cứu, chuyên gia chia sẻ các nội dung, bao gồm: Giới hạn quyền lực nhà nước - một phương thức kiểm soát quan trọng quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Kiểm soát quyền lập quy của Chính phủ và Chính quyền địa phương - một số vấn đề nhận thức luận; Kiểm soát quyền lực nhà nước là nền tảng của phòng, chống tham nhũng và là vấn đề cơ bản của hiến pháp mỗi quốc gia; Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong tố tụng hình sự.
Phiên thứ hai “Tiếp cận chính sách và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng” do TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chủ nhiệm Đề tài; PGS.TS Vũ Công Giao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người, quyền công dân, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội và TS Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra đồng chủ trì. Phiên này, Hội thảo nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà nghiên cứu, những người làm thực tiễn…chia sẻ, thảo luận các nội dung về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng qua công tác nội chính của Đảng; Bàn về “tiền kiểm” và “hậu kiểm” văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong kiểm soát tham; Một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền hành pháp thông qua giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện lãnh đạo của các cơ quan Trung ương tại Hà Nội, với nội dung có liên quan đến kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, bao gồm: Các quan niệm về quyền lực, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong thể chế chính trị Việt Nam; các dạng hành vi tham nhũng, môi trường phát sinh tham nhũng, vấn đề tham nhũng trong hoạt động lập quy, tổ chức cán bộ...; cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng của Đảng, của nhà nước và của xã hội; phương thức kiểm soát bên trong - bên ngoài hệ thống; kiểm soát quyền trong ban hành chính sách và quyền trong thực thi chính sách; kiểm soát bằng công nghệ 4.0….
Kết thúc Hội thảo, TS. Đào Trung Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra phát biểu cảm ơn các đại biểu tham dự và đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc liên quan đến các vấn đề lý thuyết, pháp lý và thực tiễn về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng. Ban Tổ chức Hội thảo và Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, những thông tin - kết quả đạt được tại Hội thảo có giá trị to lớn, không chỉ trực tiếp phục vụ việc nghiên cứu Đề tài, mà còn là nguồn tư liệu hết sức quý báu phục vụ công tác truyền thông của ngành Thanh tra và phục vụ các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, hoạch định chính sách về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng