Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. Lê Văn Đức cho rằng, tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước là phương thức giúp cho các cơ quan chức năng có được thông tin về hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ, từ đó có các biện pháp nhằm kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đây cũng là phương thức để doanh nghiệp kiểm soát quyền lực của cơ quan nhà nước, nhất là về những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, các cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố giác, kiến nghị, phản ánh đã thiết lập được phương thức tiếp nhận và giải quyết khác nhau đối với khiếu nại, tố cáo, tố giác, kiến nghị, phản ánh của các chủ thể trong xã hội. Theo các cơ chế này, doanh nghiệp muốn thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ lại bị ràng buộc bởi những quy định về chủ thể, nội dung, thẩm quyền, trình tự thủ tục khác nhau, qua đó làm hạn chế đi quyền của doanh nghiệp trong việc phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước. Việc xác lập cơ chế chính thức để tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước là yêu cầu đang đặt ra trong bối cảnh Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, đối với vấn đề chi phí không chính thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “Chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định pháp luật…”. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những bất cập, hạn chế.
ThS. Lê Văn Đức trình mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước. Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, đề tài triển khai 03 nội dung: (1) Một số vấn đề chung về tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước; (2) Thực trạng tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước; (3) Giải pháp nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước.

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, pháp luật thực định hiện nay của Việt Nam đang xác lập nhiều phương thức để người dân thực hiện việc cung cấp thông tin và các yêu cầu tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền như khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Tuy nhiên, sự phân định này hiện nay chưa căn cứ vào dấu hiệu bản chất của các hành vi, thiếu cơ sở vững chắc và chưa tường minh. Điều này dẫn đến người dân khó nắm bắt được hệ thống văn bản phức tạp với những quy trình, thủ tục khác nhau này. Bản thân các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có những lúng túng trong việc hoàn thiện các quy định về vấn đề này nên một số nội dung quy định còn thiếu rõ ràng, cụ thể, tản mạn trong nhiều văn bản. Mặc dù vậy, vẫn khẳng định rằng cần đưa ra các hình thức pháp lý khác nhau khi tiếp nhận thông tin từ phía doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực ngay cả khi không có sự phân biệt rõ ràng về bản chất, mức độ của hành vi vi phạm. Mỗi hình thức lại có giới hạn bởi chủ thể thực hiện, cũng như thẩm quyền, trình tự, thủ tục khác nhau.
Tiếp cận ở góc độ chủ thể thực hiện phản ánh, liệu sự phân định giữa phản ánh của người dân với phản ánh của doanh nghiệp có thực sự cần thiết về mặt pháp lý và thực tiễn hay không. Và, giả sử nếu như điều đó là cần thiết thì cơ sở nào để xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết đối với các hình thức phản ánh gắn liền với chủ thể doanh nghiệp cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học và khả thi trên thực tế? Vấn đề chủ thể phản ánh trong các văn bản pháp luật hiện nay chủ yếu chỉ là chưa thống nhất về mặt kỹ thuật, câu chữ. Liên quan đến phản ánh nói chung đã được quy định rải rác trong một số văn bản.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng về bảo vệ người phản ánh về tham nhũng, tiêu cực (chưa đặt vấn đề bảo vệ tổ chức). Do đó, trước mắt không cần thiết ban hành văn bản quy định riêng về bảo vệ người phản ánh về hành vi tham nhũng, tiêu cực vì Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định việc bảo vệ người phản ánh về hành vi tham nhũng được áp dụng như bảo vệ người tố cáo. Bên cạnh đó, nếu đặt ra vấn đề bảo vệ doanh nghiệp thì quá tải đối với điều kiện về tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước hiện nay.
Thảo luận tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra góp ý, đề tài nên phân biệt rõ sự khác nhau giữa tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp với tiếp nhận, xử lý phản ánh của xã hội; Xác định rõ chủ thể phản ánh là doanh nghiệp nhà nước hay tất cả các loại hình doanh nghiệp; phân biệt sự khác nhau giữa phản ánh của doanh nghiệp với phản ánh của người dân; phân biệt 03 khái niệm: phản ánh, tố cáo và tố giác.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, nên quan niệm tố cáo là một loại phản ánh; nghiên cứu bổ sung đặc điểm và phân loại phản ánh; rút ra các đặc điểm của phản ánh doanh nghiệp. Đối với chương II, Đề tài cần bổ sung thêm đánh giá thực trạng tiếp nhận và xử lý phản ánh.
TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, cần bỏ nội dung làm rõ chủ thể, nội dung, phương thức, thẩm quyền tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp về tham nhũng, tiêu cực của cơ quan hành chính nhà nước tại Chương I.
Kết thúc hội thảo, ThS. Lê Văn Đức phát biểu cảm ơn và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng