Theo ông Hoàng Văn Biên, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra – Chủ nhiệm đề tài, hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư là công tác quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư nói riêng cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung của chính quyền cấp xã thời gian qua còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã những năm qua chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với công tác này. Thực tế cho thấy, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi tại cấp xã còn hình thức; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Hiện tượng khiếu nại vượt cấp lên cơ quan cấp trên còn diễn ra phổ biến, khiếu nại kéo dài, phức tạp còn diễn ra khá gay gắt, việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của người đi khiếu nại còn chưa nghiêm…
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là do hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã còn hạn chế. Lãnh đạo một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đội ngũ công chức làm công tác này nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm quản lý, khả năng giao tiếp, phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng. Công tác đào tạo chuyên môn cho công chức làm công tác này chưa được quan tâm đúng mức; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức làm công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập.
Vì vậy, việc việc nghiên cứu đề tài: “Tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã - Thực trạng và giải pháp” là thực sự cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang từng bước nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Với mục tiêu nghiên cứu là đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã thời gian tới, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung chính: (1) Một số vấn đề chung về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền câp xã; (2) Thực trạng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền xã thời gian qua; (3) Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã.

Góp ý tại hội thảo, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, Đề tài cần bổ sung một số nội dung như: sự khác nhau giữa tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã với tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp tỉnh, cấp trung ương; đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các giải pháp hoàn thiện pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp xã thời gian tới. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm đề tài cần phân tích các khái niệm về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc điểm về công tác tiếp công dân; bỏ nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát và nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, ý thức của người dân và các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã thời gian tới.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đối tượng nghiên cứu của đề tài nên là công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã; bổ sung nội dung về thẩm quyền, phạm vi quản lý của chính quyền cấp xã - cơ sở xác lập thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhấn mạnh, phạm vi nghiên cứu của đề tài nên từ năm 2016 đến nay; các nội dung nghiên cứu cần được tiếp cận mở hơn ngoài các quy định pháp luật; bổ sung quan niệm chính quyền cấp xã, thẩm quyền tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, ở cấp xã không có đội ngũ cán bộ công chức tiếp dân mà chỉ là một vài cán bộ nhỏ lẻ, vì vậy, đề tài cần cân nhắc về cách gọi tên cũng như nội dung nghiên cứu; ở cấp xã, chủ yếu là tiếp dân và xử lý đơn thư, rất ít giải quyết khiếu nại, tố cáo - một thực tế mà đề tài cần nghiên cứu trong phần thực trạng.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài cần đề cập tới sự khác nhau giữa đặc thù chính quyền cấp xã ở nông thôn với đặc thù chính quyền cấp xã ở đô thị.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng