Phát biểu mở đầu hội thảo, TS. Tạ Thu Thủy nhận định, rủi ro trong hoạt động thanh tra là những nguy cơ, bất trắc gây ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tác động tiêu cực đến kết quả và mục đích của hoạt động thanh tra. Rủi ro trong hoạt động thanh tra là hiện tượng có khả năng xảy ra trong toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra.
Có hai nhóm chủ thể chính đồng thời là “nạn nhân” hoặc “tác nhân” của rủi ro trong hoạt động thanh tra, đó là: Một là cơ quan và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan và người đúng đầu cơ quan thanh tra nhà nước; cán bộ, công chức tham gia hoạt động thanh tra. Hai là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng thanh tra và hoạt động thanh tra. Có rất nhiều biểu hiện thực tiễn về rủi ro trong hoạt động thanh tra có liên quan đến các chủ thể này từ giai đoạn chuẩn bị tiến hành thanh tra đến giai đoạn tổ chức thực hiện cuộc thanh tra và kết thúc cuộc thanh tra. Những rủi ro này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Từ khía cạnh pháp lý, đó là do khoảng trống, tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật hiện hành, tạo ra những kẽ hở, rủi ro khi tiến hành hoạt động thanh tra.
Một là, do sự phân định về phạm vi thanh tra không rõ ràng: Luật thanh tra quy định cơ quan Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm quản lý của các Bộ và các tỉnh nhưng trên thực tế số cuộc thanh tra trách nhiệm không nhiều, Thanh tra Chính phủ thường tiến hành thanh tra trực tiếp về các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành.

Hai là, do thiết chế theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và ý thức kỷ luật của cán bộ thanh tra trong hoạt động thanh tra còn hình thức. Thực tiễn cho thấy, quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra chỉ phù hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ít phù hợp với Thanh tra tỉnh, không phù hợp với Thanh tra huyện, Thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Điều đó tạo ra rủi ro giám sát mang tính hình thức, thiếu thực chất và chưa hiệu quả.
Ba là, thiếu các chế tài xử lý đối tượng có hành vi cản trở, chống đốỉ, không thực hiện, thực hiện không kịp thời, đầy đủ kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Sự thiếu vắng công cụ pháp lý này tạo ra rủi ro khó khăn, vướng mắc trong theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Bốn là, rủi ro dẫn tới khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra xảy ra không nhiều, nhưng xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù Luật Thanh tra có ghi nhận, nhưng Nghị định số 86/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu, trình tự, thủ tục giải quyết nên việc thực hiện còn khó khăn, lúng túng.
Năm là, chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các cơ quan thanh tra nhà nước. Bên cạnh đó, quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (12 tháng hoặc 24 tháng) xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (24 tháng) và thời kỳ thanh tra (nhiều trường hợp kéo dài 24 tháng) có sự khác nhau, dẫn đến rủi ro nhiều hành vi vi phạm phát hiện qua thanh tra không có cơ sở để xử lý đối với người vi phạm, hành vi vi phạm hoặc quá thời hiệu xử lý
Từ khía cạnh thực tiễn, rủi ro xuất phát từ phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành, tổ chức phối hợp hoạt động thanh tra như lựa chọn thành viên đoàn thanh tra chưa đủ năng lực, có nguy cơ xung đột lợi ích; chưa chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch cho từng cuộc thanh tra; chưa xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, biện pháp thực hiện và phân công trách nhiệm, công việc cụ thể, phù hợp với khả năng của thành viên đoàn thanh tra. Ngoài ra, rủi ro xuất phát từ khâu kiểm tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Nếu kiểm tra, giám sát chủ yếu chỉ được tiến hành qua theo dõi tiến độ, báo cáo của trưởng đoàn thanh tra, chưa thường xuyên, trực tiếp tại nơi thanh tra thì có thể dẫn tới rủi ro chất lượng hoạt động thanh tra chưa đồng đều, chưa đáp ứng quy định về thời hạn, nhất là về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, ban hành KLTT; hoạt động thanh tra và KLTT có nguy cơ biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, rõ ràng.
Có thể thấy, rủi ro trong hoạt động thanh tra phát sinh từ những nguyên nhân khách quan như bất cập của hệ thống pháp luật, do thiên tai, dịch bệnh… hoặc nguyên nhân chủ quan như do bất cập của công tác chỉ đạo, điều hành; do vấn đề đạo đức, năng lực của cán bộ, công chức… đã gây ra tác hại về chính trị, kinh tế, pháp lý và xã hội ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra và thực tiễn nhận thức về vấn đề này cũng chưa thống nhất.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm đề tài đề xuất hướng nghiên cứu tổng thể hệ thống về rủi ro và phòng ngừa rủi ro là nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp pháp lý và thực tiễn nhằm phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra.
Trọng tâm nghiên cứu của Đề tài tập trung vào 03 nội dung:(1) Một số vấn đề chung về rủi ro trong hoạt động thanh tra và phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; (2) Quy định pháp luật và thực tiễn phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; (3) Quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn phòng ngừa, xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu tham dự. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu và nội dung nghiên cứu tốt, rõ ràng, nhất quán, thể hiện rõ sự chuyên nghiệp của người làm nghiên cứu. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng cần có lý thuyết chung về rủi ro trong hoạt động thanh tra, cần xác định rõ trọng tâm, khuôn lại cho phù hợp với đề tài khoa học cấp bộ và có đầu ra thực tiễn hơn. TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng mục tiêu cần làm rõ hơn. Có 2 mục tiêu lớn: một là, hoàn thiện pháp luật thanh tra, hiện nay, chưa có quy định về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra; hai là, giải pháp tổ chức hoạt động. TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, phân loại rủi ro trong hoạt động thanh tra, cần phải phân loại phạm vi rủi ro tác động. Có 3 chủ thể: một là người tiến hành thanh tra (người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn, thành viên đoàn); đối tượng thanh tra (Thông tư 06 quy định phải có trong Quyết định thanh tra); các cơ quan, tổ chức có liên quan (cung cấp thông tin, tài liệu, giám định…). Ở đây đặt ra vấn đề là, từng chủ thể trên sẽ chịu những rủi ro nào? Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra cũng có thể gặp rủi ro, kể cả người thẩm định, giám sát đoàn thanh tra cũng có những rủi ro.
TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, có nhiều cách tiếp cận về rủi ro, tuy nhiên nên tiếp cận từ tính chất khách quan và xác định rủi ro đối với từng chủ thể khác nhau. Hiện nay đã có các thiết chế để kiểm soát hoạt động của đoàn đoàn thanh tra. Đây có phải là các thiết chế kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh tra không? Phần thực trạng nên thống nhất lại cách phân tích, đánh giá theo chiều ngang hay dọc cho khỏi bị trùng lắp. Trong phần kiến nghị hoàn thiện chính sách, trên cơ sở nghiên cứu những rủi ro xảy ra trong thực tiễn thì có thể đề xuất các vấn đề xoay quanh những rủi ro phát sinh đó. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra cho rằng, tính cấp thiết cần bám sát vào những đổi mới trong hoạt động thanh tra. Phần Dự báo nguy cơ, khi mình luận giải tính cấp thiết đã luận giải vấn đề này rồi, chúng ta có thể thay bằng “Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật việc tổ chức phòng ngừa và xử lý rủi ro trong hoạt động thanh tra”.Về giải pháp, cần có giải pháp về mặt thể chế như ban hành một văn bản có lồng ghép câu chuyện tăng cường hậu kiểm, hoặc Quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài đưa ra hai trường phái khái niệm khác nhau (truyền thống và trung hòa). Với phạm vi đề tài khoa học cấp bộ, đề tài nên đi theo trường phái trung hòa, tiếp cận rủi ro trong hoạt động thanh tra ở cả nghĩa tiêu cực và tích cực, như vậy thì đề tài sẽ tiếp cận được một cách toàn diện hơn. Phần đặc điểm còn bị trùng lắp, cần biên tập lại. Thực tiễn rủi ro nên đi thẳng vào vấn đề, nếu có số liệu vụ việc chứng minh thì lồng ghép vào phần phòng ngừa và xử lý. ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, cần có một phần tiếp cận chung về quản lý rủi ro, phân tích đặc trưng của quản trị rủi ro trong khu vực công, khác gì quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Hiện nay Việt Nam đã có các tiêu chuẩn ISO về quản trị rủi ro đối với tổ chức, có thể áp dụng được nội dung nào trong tiêu chuẩn này vào quản trị rủi ro trong hoạt động thanh tra. Đề tài cần mô tả, xác định rõ mục tiêu, kết quả của hoạt động thanh tra, xác định tiêu chí đánh giá kết quả đó để từ đó xác định được những rủi ro nào có thể ảnh hưởng đến kết quả này.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng đề tài cần có cách tiếp cận phù hợp để tránh bị trùng lắp với các sản phẩm nghiên cứu trước đây có nội dung liên quan. Rủi ro phải tiếp cận theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Có thể hạn chế rủi ro trong hoạt động thanh tra bằng các biện pháp nghiệp vụ thanh tra. Ví dụ, đoàn thanh tra phải lập danh sách đối tượng thanh tra một cách rõ ràng để người ra quyết định thanh tra có thể kiểm soát hoạt động thu thập thông tin, tài liệu của đoàn thanh tra. Đề tài có thể nghiên cứu thêm để đa dạng các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro trong đoàn thanh tra (cả quy định pháp luật, cả các nghiệp vụ hành chính, cả biện pháp kỹ thuật điện tử…) để có thể đánh giá đa dạng các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro. Từ những đánh giá này đưa ra các giải pháp sẽ thiết thực và khả thi.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự.
Tin: Nguyễn Tuyết
Ảnh: Hữu Thắng