Phát biểu mở đầu hội thảo, Đ/c Đậu Thị Hiền nhận định pháp luật thanh tra đã quy định khá đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cụ thể của đối tượng thanh tra và phương thức thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra. Việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động thanh tra, là cơ sở để các Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thanh tra được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch, liêm chính; là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, thể hiện sự bình đẳng giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước - đại diện là Đoàn thanh tra và một bên là đối tượng thanh tra.
Trong thời gian qua, các quyền của đối tượng thanh tra đã được thực hiện tương đối đầy đủ, đảm bảo đúng pháp luật, thể hiện rõ nét nhất là việc thực hiện quyền giải trình của đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn, việc thực hiện quyền của đối tượng thanh tra có những rào cản nhất định, thể hiện trên những nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, về phương diện lý luận: Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra cần được tiếp cận dưới góc độ lý thuyết là quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận và pháp luật bảo đảm thực hiện trên thực tế. Theo đó, Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một quyết định hành chính của cơ quan thanh tra nếu không đảm bảo tính khách quan, hợp lý sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu làm rõ về mặt lý luận các vấn đề liên quan đến quyền và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra làm cơ sở để đưa ra các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thanh tra, qua đó góp phần vào việc bảo đảm cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng thanh tra không bị ảnh hưởng bởi các quyết định và hành vi trái pháp luật của các chủ thể tiến hành thanh tra.
Thứ hai, về phương diện pháp lý: Pháp luật thanh tra điều chỉnh về quyền của đối tượng thanh tra chưa hoàn thiện, cụ thể như là pháp luật thanh tra chưa ghi nhận những quyền cơ bản của đối tượng thanh tra như: Quyền được mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra; quyền từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu khi yêu cầu cung cấp không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, vượt quá nội dung, phạm vi thanh tra; chưa có cơ chế bảo vệ đối tượng thanh tra khi cán bộ thanh tra có hành vi trả thù, đe doạ trong quá trình tiến hành thanh tra; Pháp luật thanh tra đã quy định một số quyền của đối tượng thanh tra, tuy nhiên, phương thức thực hiện quyền chưa được quy định cụ thể, chưa phù hợp để thực hiện đầy đủ trên thực tế.
Thứ ba, về phương diện thực tiễn. Hiện tại, chưa có số liệu thống kê về việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra, nhưng theo đánh giá việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra xảy ra không nhiều, nhưng xu hướng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, nguy cơ gây thiệt hại cho đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra là có thể xảy ra, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thực tế không có vụ việc nào đối tượng thanh tra thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do pháp luật quy định về vấn đề này chưa hoàn thiện.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm đề tài đề xuất hướng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở khoa học cho việc đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền của đối tượng thanh tra; đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền của đối tượng thanh tra.

Trọng tâm nghiên cứu của Đề tài tập trung vào 03 nội dung: (1) Một số vấn đề chung về bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra; (2) Thực trạng bảo đảm quyền của đối tượng thanh tra; (3) Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả việc bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu tham dự. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu và nội dung khá tốt. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài nên khuôn lại phạm vi, làm rõ đối tượng nghiên cứu. Tại Chương 1 nên biên tập gọn lại ở góc độ thực tế, tập trung phân tích sâu tại Chương II. Đề tài bổ sung thêm các nội dung: Sự cần thiết, mục đích, phạm vi, bố cục tổng quan. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được biên tập sách chuyên khảo.
TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài cân nhắc bổ sung thêm nghĩa vụ và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, khi đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật cũng cần bám vào 3 nội dung quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ. Tại phần khái niệm bổ sung thêm khái niệm cơ bản về quyền của đối tượng thanh tra.
ThS. Lê Văn Đức, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đây là đề tài liên quan đến bảo đảm quyền, do đó cần hướng tới phương thức bảo đảm dựa trên những quyền được pháp luật quy định. Trong đó quan trọng nhất là quyền giải trình của đối tượng thanh tra khi đoàn thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra, khi những kiến nghị này có tác động trực tiếp tới đối tượng thanh tra. Hiện tại chỉ còn 3 quyền, trong đó quyền khiếu nại là rất khó thực hiện trên thực tế, quyền yêu cầu trách nhiệm bồi thường gần như đã bác bỏ, quyền giải trình phụ thuộc nhiều vào Thủ trưởng đơn vị và người ra kết luận.
ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Thông tin, thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, có thể tiếp cận từ hai phương diện quyền và trách nhiệm. Tuy nhiên, sử dụng thuật ngữ “quyền giải trình” cho đối tượng thanh tra có phần chưa chính xác, về bản chất đó chính là quyền trao đổi, phản hồi lại, quyền tự bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra.
ThS. Tạ Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài cũng nên khoanh lại phạm vi, cần đề cập nghiên cứu các cơ chế bảo vệ quyền như thế nào, thực tế đối tượng thanh tra họ có quyền giải trình, tuy nhiên hiện nay pháp luật quy định còn chưa rõ, chưa có cơ chế ràng buộc. Về phạm vi nghiên cứu, đề tài nên mở rộng phạm nghiên cứu sang hoạt động thanh tra chuyên ngành, sẽ có nhiều vụ việc thực tế để phân tích, làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu
ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đề tài nên nghiên cứu trình tự thủ tục để thực hiện quyền của đối tượng thanh tra, từ đó có những đánh giá sâu tại Chương II về việc thực hiện quyền và đảm bảo thực hiện quyền của đối tượng thanh tra.
Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu góp ý của các đại biểu tham dự.
Tin: Nguyễn Tuyết
Ảnh: Hữu Thắng