- Chuyên đề thứ nhất: “Khảo sát, điều tra xã hội học trực tuyến trong nghiên cứu khoa học tại Thanh tra Chính phủ” do CN. Trần Thị Tú Uyên, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì. Trên cơ sở dự kiến 3 nội dung nghiên cứu, Hội đồng đã thống nhất chuyên đề cần: Bổ sung nghiên cứu về quan niệm, đặc điểm, trình tự thực hiện, nhu cầu áp dụng phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học trong phần nội dung cơ sở pháp lý cho việc khảo sát, điều tra xã hội học; bổ sung nghiên cứu các yếu tố bảo đảm khảo sát trực tuyến và kinh nghiệm khảo sát trực tuyến, thực tiễn áp dụng các ứng dụng khảo sát vào hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong phần nội dung thực trạng ứng dụng khảo sát trực tuyến.
- Chuyên đề thứ hai: “Quy định pháp luật về bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động - Một số vấn đề đặt ra” do CN. Phạm Thị Thanh Minh, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì. Qua việc xem xét những nội dung dự kiến nghiên cứu, Hội đồng phê duyệt đã thống nhất đổi tên chuyên đề là “Hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động”. Trong phần một số vấn đề chung, cần làm rõ những nội dung sau: mục đích, ý nghĩa việc bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng; phương thức bảo vệ; bổ sung vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục bảo vệ; xác định rõ người làm vệc theo hợp đồng lao động; phương thức bảo vệ việc làm của người tố cáo nên thay bằng thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo; bổ sung nội dung về điều kiện, thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo. Đối với phần thực tiễn, chuyên đề cần có đánh giá chung về thực trạng bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động.
- Chuyên đề thứ ba: “Cơ chế tiếp công dân tại Thanh tra Chính phủ đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người” do CN. Trần Lan Hương, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì. Trên cơ sở nội dung trình bày của chủ trì chuyên đề, Hội đồng phê duyệt đã thống nhất chuyên đề nên thể hiện lại nội dung tính cấp thiết cho sát hơn với những yêu cầu đặt ra trong tổ chức thực hiện; bổ sung những vấn đề sau: quan niệm về tiếp công dân, cơ sở pháp lý của công tác tiếp công dân, cơ chế phối hợp trong tiếp công dân, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, bộ máy của công tác tiếp công dân; thực trạng pháp luật và thực tiễn công tác tiếp công dân phải gắn với thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

- Chuyên đề thứ tư: “Trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước do mình quản lý, phụ trách” do ThS. Vũ Đức Hoan, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì. Các nội dung dự kiến được nghiên cứu tập trung vào: cơ sở xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước do mình quản lý phụ trách; đánh giá những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước do mình quản lý, phụ trách; đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước do mình quản lý phụ trách.
Trên cơ sở nội dung trình bày của chủ trì chuyên đề, Hội đồng phê duyệt đã thống nhất chuyên đề cần bổ sung quan niệm, đặc điểm về trách nhiệm của người đứng đầu, luận giải đây là trách nhiệm tích cực hay là trách nhiệm tiêu cực; bổ sung nội dung xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp và đồng thời đánh giá thực trạng về vấn đề xử lý này; tên các đề mục cần viết ngắn lại cho hợp lý và khoa học.
- Chuyên đề thứ năm: “Định hướng hoạt động hợp tác phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra giai đoạn tới” do ThS. Nguyễn Phương Vy, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì. Qua xem xét nội dung dự kiến nghiên cứu của chuyên đề, Hội đồng phê duyệt đã thống nhất ý kiến về những nội dung nghiên cứu cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nội dung “một số vấn đề chung về hoạt động hợp tác phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra” cần làm rõ đặc trưng hoạt động hợp tác phát triển, các điều kiện bảo đảm cho việc mở rộng hợp tác phát triển, trình tự, thủ tục hợp tác, nội dung hợp tác, đối tượng hợp tác, cách thức tiến hành hợp tác, trách nhiệm của các chủ thể trong hợp tác phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, kinh nghiệm hợp tác phát triển của các tổ chức công lập. Đối với nội dung thực trạng nên phân thành các mục lớn theo nội dung hoặc theo đối tượng hợp tác để đảm bảo tính logic. Ngoài ra, phần nội dung định hướng cần căn cứ vào các yêu cầu trong thời gian tới và bám sát nhiệm vụ của Ngành, khả năng của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Phần giải pháp bao gồm: công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Lãnh đạo Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Thanh tra Chính phủ; Giải pháp về tổ chức thực hiện.
Kết thúc cuộc họp, các chủ trì chuyên đề bày tỏ sự thống nhất về nội dung nghiên cứu và tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng phê duyệt.
Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng