Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng từ một số Hội thảo trong khuôn khổ Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương    
Cập nhật: 10/01/2022 10:38
Xem lịch sử tin bài

Năm 2021, Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ đã tham dự 04 phiên hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ Chương trình tăng cường năng lực do Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hồng Công phối hợp tổ chức với các chủ đề: “Xây dựng chính quyền trong sạch ở Hồng Kông - Từ đấu tranh chống hối lộ tới tăng cường liêm chính”, “Sự tham gia của thế hệ trẻ vào công tác phòng, chống tham nhũng”, “Chống tham nhũng hiệu quả thông qua các giải pháp phòng ngừa mang tính hệ thống và giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong xây dựng”, “Rủi ro và giải pháp phòng, chống tham nhũng trong mua sắm công”. Nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phòng, chống tham nhũng đã được các cơ quan, tổ chức, chuyên gia chia sẻ, cụ thể như sau: ​

1. Các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về liêm chính công

Liêm chính là một trong những trụ cột trong cấu trúc chính trị, kinh tế và xã hội và là nền tảng của quản trị tốt. Dù vậy, không có quốc gia nào trên thế giới miễn nhiễm với những vi phạm liêm chính. Ở tất cả các cấp và các ngành của chính phủ, các giao dịch, tương tác thiếu liêm chính giữa các chủ thể nhà nước và tư nhân có thể vi phạm tính liêm chính ở tất cả các giai đoạn của quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Giải quyết thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận với sự vào cuộc của toàn xã hội và nhà nước.

Dưới góc nhìn của OECD, có 03 yếu tố quan trọng đảm bảo tính liêm chính của bất cứ tổ chức nào, đó là: Hệ thống chính trị; Trách nhiệm giải trình và Văn hóa. Trong khuôn khổ hội thảo, chuyên gia đã tập trung vào trụ cột thứ ba, đó là Văn hóa. Theo đó, trụ cột Văn hóa bao gồm các yếu tố: Khả năng lãnh đạo, đánh giá dựa trên thành tích, năng lực và mức độ công khai. Cụ thể như sau:

- Về khả năng lãnh đạo: Lãnh đạo ở đây được hiểu là các biện pháp thu hút, lựa chọn và thúc đẩy liêm chính trong các tổ chức công, với trọng tâm là kết hợp tính liêm chính như một giá trị vào khung năng lực, mô tả công việc, công cụ đánh giá và thỏa thuận thực hiện. Các biện pháp được đề cập bao gồm các câu hỏi phỏng vấn yêu cầu ứng viên phản ánh về các thực tiễn đạo đức tốt mà họ từng trải nghiệm tại nơi làm việc. Để đánh giá tính liêm chính, các nhà quản lý có thể đưa ra các ví dụ về cách họ thiểu thế nào là đưa ra các quyết định có đạo đức.

- Về đánh giá dựa trên thành tích: Đánh giá dựa trên thành tích hay còn gọi là kết quả công việc được thực hiện dựa trên các nguyên tắc về minh bạch và tính khách quan trong quy trình quản lý và sử dụng nhân sự, ví dụ như thông qua việc xây dựng một cơ cấu, tổ chức hoạt động rõ ràng, đảm bảo rằng các tiêu chí đánh giá việc thực hiện công việc được phù hợp và công bằng cho tất cả mọi người.

- Về năng lực: Yếu tố năng lực ở đây được hiểu là khả năng cung cấp thông tin kịp thời và có liên quan về các tiêu chuẩn liêm chính thông qua các biện pháp tuyên truyền, cũng như thực hiện đào tạo về tính liêm chính thường xuyên, phù hợp để tăng cường kỹ năng và cam kết liêm chính.

- Về tính công khai, minh bạch: Trụ cột này đề cập đến các biện pháp để thúc đẩy văn hóa tổ chức công khai, minh bạch, nơi các nhân viên có thể thảo luận về các tình huống khó xử về đạo đức do xung đột lợi ích và các mối quan tâm về tính liêm chính. Nó xác định các công cụ để thúc đẩy sự công khai, minh bạch, chẳng hạn như đào tạo bắt buộc cho các nhà lãnh đạo về cách đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, quản lý xung đột. Ngoài ra là các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tố cáo các vi phạm liêm chính đáng ngờ.

- Về quản lý rủi ro: Quản lý rủi ro dựa trên các đánh giá định tính và định lượng cũng là một trong những yếu tố giúp đảm bảo một bộ máy liêm chính. OECD nhấn mạnh đến vai trò của kiểm tra, kiểm toán nội bộ để đảm bảo tính độc lập, khách quan của kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro liêm chính.

- Về thực thi: OECD đưa ra hướng dẫn về cách tiếp cận toàn diện thông qua các quy định về kỷ luật, dân sự và hình sự để đảm bảo các tiêu chuẩn liêm chính công và làm rõ các chính sách và công cụ quan trọng để đảm bảo quá trình ra quyết định được kịp thời, khách quan và công bằng. Ngoài ra, một cơ chế đảm bảo phối hợp được nhanh chóng kịp thời giữa các đơn vị trong tổ chức, đặc biệt là việc xây dựng được các cơ sở dữ liệu điện tử để xử lý công việc là một thực tiễn tốt được OECD khuyến nghị cho các tổ chức.

- Về giám sát: Các cơ quan giám sát bên ngoài (ví dụ: các tổ chức kiểm toán tối cao, thanh tra, tòa án hành chính) và các cơ quan thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình.

2. Công tác phòng, chống tham nhũng của Uỷ ban độc lập Chống tham nhũng Hồng Kông (Trung Quốc) góp phần xây dựng chính phủ Hồng Kông trong sạch, liêm chính

Uỷ ban độc lập Chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC) được thành lập vào tháng 2 năm 1974. Từ khi thành lập, ICAC thực hiện chiến lược 03 mũi nhọn: Điều tra tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng; giáo dục về phòng, chống tham nhũng cho cộng đồng. Với địa vị pháp lý độc lập trong đấu tranh chống tham nhũng, không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào hoạt động của ICAC. Vị thế độc lập này của ICAC được quy định trong Sắc lệnh ICAC, quy định trong Đạo luật Cơ bản Đặc khu Hồng Kông và trong Hiến pháp. Theo Hiến pháp sửa đổi và sắc lệnh chống tham nhũng, sắc lệnh thành lập ICIA thì Uỷ ban độc lập chống tham nhũng (ICAC) - là tổ chức độc lập, chuyên trách phòng chống tham nhũng và trực thuộc Trưởng đặc khu hành chính; nhiệm vụ chủ yếu của ICAC là thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và toàn quyền điều tra, đấu tranh với các hành vi tham nhũng.

Là cơ quan có vị trí độc lập, ICAC có thẩm quyền điều tra mạnh mẽ và có uy tín trong xã hội Hồng Kông. Chiến lược phòng, chống tham nhũng của ICAC được đánh giá là toàn diện, bài bản, bao gồm: Điều tra hành vi tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng và tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh nhiệm vụ điều tra tham nhũng, ICAC cũng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và giáo dục cộng đồng để duy trì văn hóa liêm chính trong xã hội nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng.

Chiến lược phòng, chống tham nhũng dựa trên 03 mũi nhọn:

(1) Trong giai đoạn đầu, trọng tâm của ICAC là đấu tranh, trấn áp, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng trong lĩnh vực thực thi pháp luật thuộc nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát, các cơ quan cấp phép hoặc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; bài trừ hành vi tham nhũng có tổ chức. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại các quy định, quy trình thủ tục, cải tiến cách làm việc để bịt các lỗ hổng về quản lý, giảm thiểu tối đa các kẽ hở, nguy cơ tham nhũng. Bổ sung các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức liêm chính đối với người thực thi công vụ; giáo dục đạo đức liêm chính cho người thực thi công vụ; thực hiện các biện pháp phối hợp giám sát việc chấp hành quy định về đạo đức liêm chính với người thực thi công vụ,..

(2) ICAC triển khai thực hiện công tác phòng ngừa các hành vi tham nhũng phát sinh, nhất là việc phát hiện và triệt tiêu các điều kiện dung dưỡng cho tham nhũng phát sinh, phát triển. ICAC đã tập trung vào việc tham gia giám sát phòng ngừa sớm, bằng cách cử nhân viên tham gia nghiên cứu, tư vấn phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ cơ quan công quyền khi thực thi nhiệm vụ, như phát hiện kẽ hở, khoảng trống pháp lý trong các quy định thực thi công vụ; tham gia giám sát, tư vấn khuyến cáo các quy chế, quy định trong đấu thầu, hồ sơ mời thầu... cung ứng dịch vụ công, thực hiện dự án đầu tư, mua sắm; quy định cấp phép... nhằm bịt kẽ hở trong các quy định tạo điều kiện cho tham nhũng nảy sinh; phối hợp với các cơ quan quản lý, cung ứng dịch vụ công để thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi đạo đức liêm chính trong cơ quan nhà nước.

(3) Giáo dục và thiết lập nền tảng đạo đức liêm chính. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, kỳ vọng hướng tới một xã hội lành mạnh, liêm chính, nhân văn, là cơ sở bền vững bài trừ tệ tham nhũng. Để đạt được điều đó đòi hỏi có sự tham gia của cả xã hội với sự phấn đấu kiên trì, liên  tục để tác động tới nhận thức của xã hội, để mỗi người đều nhận thức được tham nhũng là tội ác.

3. Khuyến khích sự tham gia của thế hệ trẻ vào công tác phòng, chống tham nhũng

Chuyên gia Phân tích Chính sách của OECD đã trình bày những khuyến nghị hữu ích của OECD trong việc giáo dục về liêm chính, phòng, chống tham nhũng, các giá trị và nguyên tắc pháp quyền, trong dó hướng trọng tâm về giáo dục liêm chính công cho thế hệ trẻ. Khuyến nghị của OECD về Liêm chính công đã kêu gọi các quốc gia cần nâng cao nhận thức về lợi ích của liêm chính công, đồng thời phải xóa bỏ dần những thái độ làm ngơ trước những vi phạm về các chuẩn mực đạo đức và phải thực hiện các sáng kiến giáo dục liên quan đến liêm chính công một cách phù hợp và kịp thời.

Theo đó, giáo dục liêm chính góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục có thêm công cụ tốt để đưa giáo dục liêm chính tiệm cận hiệu quả hơn với thế hệ trẻ. Chuyên gia của OECD cũng trình bày sơ bộ về cách thức thiết kế và thực hiện các chương trình đào tạo và giáo dục về liêm chính, một số gợi ý cho các giáo viên trong việc quản lý các nhóm học sinh thực hiện tương tác trên lớp, các kế hoạch và bài tập mẫu dành cho giảng dạy về liêm chính của nhiều quốc gia, một số ví dụ điển hình từ các quốc gia OECD trong đó cụ thể hóa những phương pháp mà các quốc gia này áp dụng trong việc triển khai giáo dục về liêm chính công; khuyến khích áp dụng công nghệ trong giáo dục liêm chính.

Chuyên gia về đào tạo và Hợp tác quốc tế của ICAC Hồng Kông chia sẻ kinh nghiệm thực tế của Hồng Kông (Trung Quốc) trong việc thúc đẩy sự tham gia của thế hệ trẻ vào công tác phòng, chống tham nhũng. Trong tôn chỉ hoạt động của mình, ICAC đã dành hẳn một trụ cột cho việc tăng cường giáo dục cộng đồng. ICAC tiếp cận vấn đề này theo hướng mọi ngành, lĩnh vực, mọi đối tượng trong xã hội đều phải được giáo dục về vấn đề đạo đức. Đối với vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ, nền giáo dục của Hồng Kông (Trung  Quốc) đã rất chú trọng việc truyền dạy các giá trị tích cực, tạo cho thế hệ trẻ kĩ năng cùng tham gia thiết lập và thực thi các chuẩn mực đạo đức, các chương trình học được thiết kế gắn liền với nội dung về phòng, chống tham nhũng. Theo chia sẻ, có khoảng hơn 15% dân số Hồng Kông (Trung  Quốc)  được xếp vào nhóm thế hệ trẻ: gồm học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Các giá trị tích cực mà Hồng Kông (Trung Quốc) truyền dạy cho thế hệ trẻ bao gồm các giá trị như sự công bằng, liêm chính, tuân thủ các quy tắc, luật pháp, quan tâm đến cộng đồng, nhận thức nghĩa vụ công dân, tôn trọng tài sản cá nhân và tài sản công. Hồng Kông từng bước truyền dạy các giá trị này vào các bậc học từ mầm non cho tới trung học phổ thông và cao hơn để tăng cường tính trung thực, tự giác, ứng xử bình đẳng và có trách nhiệm của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Hồng Kông (Trung  Quốc)  cũng đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề đạo đức cá nhân và các buổi thảo luận về phòng ngừa tham nhũng dành cho các đối tượng học sinh, sinh viên.
 
4. Chống tham nhũng hiệu quả thông qua các giải pháp phòng ngừa mang tính hệ thống và Giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong xây dựng

- Chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chia sẻ kinh nghiệm của ADB về việc thiết lập Văn phòng Liêm chính và Phòng, chống tham nhũng (OAI) có chức năng rà soát đánh giá về liêm chính, sự tuân thủ quy định liêm chính, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức và tiến hành các cuộc điều tra đối với các đối tác của ADB. ADB ban hành Chiến lược ADB 2030 nhằm tăng cường năng lực quản trị và thể chế, hỗ trợ chính phủ các nước trong nỗ lực chống tham nhũng, tăng cường cung cấp dịch vụ công hiệu quả, kịp thời hơn và không có tham nhũng. Tất cả các dự án và chương trình của ADB đều áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đối với chức năng rà soát đánh giá về liêm chính của các đối tác ADB, OAI sẽ thực hiện 4 bước cơ bản: hoạch định sơ bộ, hoạch định chi tiết, phân tích sơ bộ và thực địa và phân tích chi tiết lập báo cáo. Ở bước đầu tiên trong quy trình đánh giá liêm chính, OAI sẽ lập danh sách các dự án có sự tham gia của ADB trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn riêng và thông báo cho các đối tác của ADB. Bước tiếp theo trong quy trình đánh giá liêm chính là tìm hiểu về dự án, chỉ ra các thủ tục và phạm vi để đánh giá liêm chính; tuyển dụng các chuyên gia tư vấn liêm chính, thông tin cho các đối tác ADB biết về các yêu cầu về rà soát đánh giá. Bước thứ ba trong quy trình này là việc phân tích sơ bộ. Theo dó, OAI sẽ tiến hành rà soát đánh giá toàn bộ các tài liệu, hồ sơ cũng như tiến hành phỏng vấn đối với các đối tác. Đồng thời, OAI sẽ kiểm tra toàn bộ tài sản mà dự án đang có, phân tích và lưu hồ sơ các kết quả đánh giá về các nguy cơ sai phạm liêm chính để tiến hành đưa ra thảo luận với các bên liên quan về các kết quả rà soát đó. Từ các thảo luận này, OAI sẽ dự thảo kết quả rà soát đi kèm các khuyến nghị và gửi cho các đối tác liên quan góp ý kiến trước khi thực hiện bước 4 là phân tích chi tiết và lập báo cáo. Ở bước phân tích chi tiết, lập báo cáo, OAI sẽ dự thảo báo cáo, xin ý kiến góp ý của các đơn vị thực hiện có liên quan cũng như các bộ phận có liên quan thuộc ADB. Sau đó OAI sẽ ban hành báo cáo và gửi tới các đơn vị liên quan và đăng tải bản báo cáo đã được thông qua lên trang tin của OAI.

 Cũng theo chia sẻ từ đại diện ADB, trong số các sai phạm đã được ADB điều tra tính đến 31/01/2021, hành vi tham nhũng chiếm 9%, xung đột lợi ích chiếm 6%, hành vi thông đồng cấu kết trong các dự án chiếm 11% và có tới 67% là các sai phạm về gian lận khác. Qua phân tích, ADB nhận thấy, đa số các công ty lớn đều không thực hiện việc kiểm tra các hồ sơ mà các nhà cung ứng cung cấp. Nguyên nhân thứ hai của các sai phạm là quá tin tưởng vào các đối tác bản địa và cuối cùng là áp lực của các văn phòng khu vực phải dành được các hợp đồng đã dẫn đến các sai phạm kể trên.

- Chuyên gia của ICAC chia sẻ về phương pháp giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng trong các công trình xây dựng ở Hồng Kông với một số điểm nhấn như sau:

i) Khái quát về ngành xây dựng của Hồng Kông (Trung  Quốc) 


Ngành xây dựng của Hông Kông đóng góp khoảng 236 tỉ đô la Mỹ cho GDP năm 2019. Tổng chi tiêu của Chính phủ Hồng Kông dành cho ngành xây dựng trong năm 2020/2021 là 67 tỉ đô-la Mỹ, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 300.000 lao động. Bởi vậy, ngành xây dựng ở Hồng Kông (Trung  Quốc)   được đánh giá là một ngành nghề rất quan trọng.

ii) Những thách thức

Bên cạnh những lợi ích mang lại, ngành xây dựng cũng tạo ra không ít những thách thức về chi tiêu như tạo cơ hội cho các hành vi tham nhũng, nguy cơ biển thủ công quỹ. Thách thức thứ hai mà ngành này tạo ra là số lượng tầng nấc các nhà thầu phụ dẫn tới việc mất cân đối trong việc phân bổ lợi nhuận trong đó các nhà thầu ở tầng nấc trung gian kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, còn các nhà thầu ở tầng nấc cuối cùng lại không được chi trả đủ các chi phí đồng thời chính việc có nhiều tầng nấc đã dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình. Nhóm thách thức thứ ba mà ngành xây dựng gặp phải là các nguy cơ sai phạm về hợp đồng như việc thanh toán một lần, việc tính toán sai lệch giữa thiết kế của chủ đầu tư và nhà thầu, thời gian xây dựng quá chặt, dày đặc, các chi phí không chính thức phát sinh do trì hoãn chậm tiến độ... Nhóm thách thức thứ tư liên quan đến việc kiểm soát chất lượng và thử nghiệm vật liệu. Đó là các hành vi gửi mẫu vật liệu giả để kiểm nghiệm, làm sai lệch báo cáo kiểm nghiệm. Nhóm thách thức thứ năm là các hệ quả của văn hóa không lành mạnh ví dụ như tham gia các hình thức giải trí lãng phí, các mối quan hệ không đúng mức với các nhà thầu dẫn đến xung đột lợi ích.
 
iii) Chiến lược phòng ngừa


Để góp phần giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng trong xây dựng, ICAC Hồng Kông (Trung  Quốc)   thực hiện chiến lược phòng ngừa tham nhũng thông qua các biện pháp cụ thể như sau:

- Chủ động đưa ra khuyến nghị với các cơ quan ban ngành trong khu vực công trong quá trình giám sát kiểm soát các khâu hoạch định dự án, mời thầu, quản lý quá trình đấu thầu.

- Cung cấp tư vấn đối với các quy trình thủ tục, hồ sơ mời thầu, các thỏa thuận dự án.

- Giám sát và tư vấn trong mở thầu và chấm thầu.

- Tổ chức các hội thảo dành cho các cán bộ dự án, các chuyên gia tư vấn và các nhà thầu.

Đối với khu vực tư, ICAC cũng thực hiện các biện pháp như sau:

- Phối hợp với Hội đồng Ngành nghề Xây dựng (bao gồm các hiệp hội và hiệp đoàn thương mại) và các cơ quan chuyên môn (kiến trúc sư, kĩ sư, các nhà nghiên cứu).

- Tư vấn cho các công ty tư nhân nếu được yêu cầu về các vấn đề như quy tắc ứng xử, các quy trình thủ tục và các tài liệu hướng dẫn, đào tạo quản trị liêm chính thông qua nền tảng dịch vụ trực tuyến của ICAC có tên là CPAS.

iv) Các nguy cơ tham nhũng và các biện pháp phòng ngừa


Chuyên gia của ICAC chia sẻ về các nguy cơ tham nhũng và biện pháp phòng ngừa đối trong quá trình dự thảo hợp đồng, giám sát thi công công trình và quản lý hợp đồng, kiểm nghiệm vật tư

Các khâu

Nguy cơ tham nhũng

Các biện pháp phòng ngừa

Mời thầu

- Quá ít nhà cung ứng trong danh sách được phê duyệt tham gia dự thầu

- Không có điều khoản quy định về chống thông thầu trong các hồ sơ mời thầu

- Áp dụng mời thầu công khai, cạnh tranh

- Đưa điều khoản quy định về chống thông thầu vào trong các hồ sơ mời thầu

- Tiến hành hoạt động kiểm toán độc lập

Lập yêu cầu chi tiết đối với Hợp đồng

- Quy định quá chi tiết sản phẩm hàng hóa bằng tên thương hiệu

- Áp dụng đặc tả có đặc tính hạn chế

- Không kiểm soát phù hợp việc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thay thế/tương đương

- Áp dụng các yêu cầu về hiệu quả

- Thành lập ban kiểm tra và phê duyệt hợp đồng

- Bảo đảm nguồn cung sẵn có của các hàng hóa, sản phẩm trên thị trường

- Đánh giá độc lập các sản phẩm thay thế

Mở thầu và Chấm thầu

- Tiết lộ thông tin người dự thầu

- Ưu ái trong chấm thầu

- Bảo đảm bảo mật các thông tin nhà thầu

- Thành lập các nhóm mở thầu/chấm thầu

- Đưa ra các tiêu chí chấm thầu đạt chuẩn (ví dụ chọn nhà thầu có giá thấp nhất)


Đối với các nguy cơ tham nhũng và biện pháp phòng ngừa trong kiểm nghiệm vật tư, chuyên gia đưa ra một số gợi ý như sau:

Các khâu

Nguy cơ tham nhũng

Các biện pháp phòng ngừa

Kiểm nghiệm vật tư

- Thao túng việc lựa chọn, xử lý và bảo đảm an toàn cho mẫu đem đi kiểm nghiệm

- Can thiệp vào báo cáo kiểm nghiệm

- Xung đột lợi ích giữa nhà thầu và phòng kiểm nghiệm vật tư

- Hướng dẫn giám sát việc chuẩn bị và lựa chọn mẫu mang đi kiểm nghiệm

- Thiết chặt an ninh trong vận chuyển, lưu trữ và xử lý các mẫu vật tư dùng cho kiểm nghiệm

- Báo cáo kiểm nghiệm phải được gửi trực tiếp tới chuyên gia tư vấn hoặc người sở hữu báo cáo này

- Tổ chức các cuộc kiểm nghiệm song song độc lập

 

5. Rủi ro và giải pháp phòng, chống tham nhũng trong mua sắm công

Chuyên gia ICAC chia sẻ về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công. Theo đó, 57% trong tổng số các vụ án hối lộ liên quan đến nước ngoài là các hối lộ trong mua sắm. Tham nhũng trong mua sắm công đã tạo ra những tác động có thể thấy rõ như: Làm gia tăng chi phí và thổi phồng giá trị của hợp đồng; làm mất giá trị của hàng hóa và dịch vụ; làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền; giảm tính cạnh tranh; cản trở tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, mục tiêu của ngăn ngừa tham nhũng trong mua sắm công là nhằm bảo toàn ngân sách công và bảo đảm việc sử dụng một cách đúng đắn tiền thuế mà người dân và doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước.

Ở Hồng Kông (Trung  Quốc)  , những hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị bằng hoặc dưới 641 đô la Mỹ sẽ áp dụng biện pháp mua sắm trực tiếp và chỉ yêu cầu có 01 báo giá. Đối với hàng hóa dịch vụ có giá trị từ trên 641 đô la Mỹ cho đến dưới hoặc bằng 6.410 đô-la Mỹ thì quy trình mua sắm đòi hỏi trên 01 báo giá. Đối với hàng hóa và dịch vụ có giá trị từ trên 6.410 đô-la Mỹ cho đến dưới hoặc bằng 179.500 đô-la Mỹ thì yêu cầu phải mua sắm bằng hình thức cạnh tranh với ít nhất 5 báo giá. Đối với trường hợp hàng hóa và dịch vụ có tổng giá trị trên 179.500 đô-la Mỹ thì áp dụng hình thức đấu thầu công khai mở rộng.

Trường hợp đấu thầu công khai mở rộng, Hồng Kông (Trung  Quốc) quy định rõ trong thông tư của Cục Hậu cần Chính phủ về việc Ban Đấu thầu do Cục này thành lập sẽ chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt đối với các gói thầu có giá trị từ trên 641.000 đô-la Mỹ đến 3.846.000 đô la Mỹ. Với trường hợp các gói thầu có giá trị trên 3.846.000 đô la Mỹ, cơ quan thẩm định và phê duyệt là Ban đấu thầu Trung ương.

Trên đây là một số kinh nghiệm mà Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã ghi nhận được từ kết quả tham gia 04 hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ Chương trình tăng cường năng lực do Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hồng Công (Trung  Quốc) phối hợp tổ chức. Rất mong việc chia sẻ tư liệu này sẽ đóng góp thêm thông tin hữu ích cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tham khảo, phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng cũng như gợi mở những vấn đề nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam./.

 

ThS. Ngô Mạnh Hùng

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ

                                                                                                                                                             
  

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: