Một số điểm mới trong tổ chức và hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra    
Cập nhật: 24/09/2018 10:05
Xem lịch sử tin bài

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ. Theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ có 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, bao gồm Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Trung tâm thông tin.

 

1. Ngày 09 tháng 4 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, thay thế Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định quyền hạn của Thanh tra Chính phủ. Điều 3 của Nghị định xác định trong cơ cấu đơn vị sự nghiệp của Thanh tra Chính phủ có Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Việc đổi tên Viện Khoa học Thanh tra thành Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước.

Trên cơ sở quy định của Nghị định số 50/2018/NĐ-CP, ngày 25 tháng 6 năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 539/2018/QĐ-TTCP ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, trực tiếp cho tổ chức và các định hướng hoạt động của Viện trong thời gian tới, phù hợp với các chủ trương, định hướng về xây dựng các viện nghiên cứu chiến lược, chính sách nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị.

2. Quyết định số 539/2018/QĐ-TTCP đã kế thừa các quy định trong Quyết định số 208/2008/QĐ-TTCP về tổ chức hoạt động của Viện Khoa học Thanh tra. Các quy định về tổ chức đã được giữ nguyên; các quy định về hoạt động của Viện đã được nghiên cứu, xây dựng thành những quy phạm cụ thể, quy định những định hướng hoạt động mang tính “chiến lược” của Viện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định rõ vị trí và chức năng của Viện

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ. Theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ có 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, bao gồm Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và Trung tâm thông tin.

Theo tinh thần các quy định của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nói riêng, cần phân loại và xác định rõ loại hình của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên hay được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, thực hiện theo các quy định cụ thể về chuyển đổi, đổi mới tổ chức và hoạt động phù hợp với mỗi loại hình. Với tư cách là một đơn vị có chức năng nghiên cứu của Ngành, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra được xác định là Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách, phục vụ quản lý nhà nước của ngành Thanh tra. Đây chính là nội dung quan trọng góp phần xác định rõ địa vị pháp lý của Viện, làm cơ sở cho việc quy định các chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Viện.

Từ địa vị pháp lý của mình, Viện được xác định có 03 nhóm chức năng, cụ thể bao gồm: (i) chức năng nghiên cứu và xây dựng chiến lược, chính sách; ii) chức năng nghiên cứu khoa học; (iii) chức năng quản lý hoạt động khoa học trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Các nhóm chức năng này đều nhằm phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ. So với quy định cũ, việc xác định rõ tính chất là một Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách cơ bản của Thanh tra Chính phủ đã dẫn đến chức năng mới quan trọng của Viện đó là nghiên cứu và xây dựng chiến lược, chính sách của Ngành.

Thứ hai, xác định rõ, đầy đủ, cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện.

Trên cơ sở cơ cấu lại và bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn mới, Quy chế đã xác định cụ thể 09 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Các quy định này đã thể hiện rõ những nội dung công việc mà Viện có trách nhiệm thực hiện, bám theo các mảng công tác của Thanh tra Chính phủ, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng Thanh tra. Các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện bao gồm:

Một là, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, chính sách:

 Đây là quy định mới, có thể coi là nhiệm vụ thể hiện cụ thể, trực tiếp tính “chiến lược” của Viện. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua một chuỗi các hoạt động, nhằm tạo ra sản phẩm cuối có tính chất “chiến lược”, “chính sách” được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm của Thanh tra Chính phủ ban hành hoặc kiến nghị ban hành. Việc nghiên cứu nhằm xây dựng chiến lược, chính sách được thực hiện không chỉ qua nghiên cứu bàn, mà còn chú trọng các hoạt động tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động chính sách, pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đây là cách tiếp cận khoa học và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động này để các kiến nghị, dự báo có tính thực tiễn, phản ánh thực tiễn và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đối với tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra.

Trên cơ sở các nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, cùng với các lý thuyết khoa học, tiến hành dự báo chiến lược về xu hướng, diễn biến trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Thanh tra. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, làm cơ sở cho nhu cầu ban hành hay sửa đổi, bổ sung các quy định cũng như các yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của Ngành. Các dự báo chiến lược giúp xác định những thuận lợi, những khó khăn, thách thức trong tương lai, theo các mốc thời gian cụ thể. Từ đó có những giải pháp, theo lộ trình phù hợp để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra.

Từ các nghiên cứu, các dự báo, trên cơ sở chỉ đạo và phân công của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Viện tiến hành xây dựng chiến lược, chính sách của ngành Thanh tra; tham gia hoặc chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật của ngành Thanh tra. Đây được coi là các sản phẩm cuối, thể hiện tính “chiến lược” của ngành Thanh tra, được tạo dựng bởi các hoạt động mang tính “chiến lược” của Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.

Hai là, thực hiện nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các nội dung khác có liên quan.

Đây là mảng hoạt động chính của Viện, gắn liền với công tác chuyên môn nhằm đưa ra các kiến nghị, giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành trên cơ sở làm rõ các vấn đề về mặt lý luận, pháp lý và thực tiễn. Việc triển khai nghiên cứu khoa học của Viện được thực hiện trên cơ sở Kế hoạch nghiên cứu 05 năm và định hướng nghiên cứu hàng năm. Trên cơ sở này, các đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể được tập hợp để Hội đồng khoa học của Thanh tra Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Các nội dung nghiên cứu hàng năm tập trung vào những vấn đề có tính cấp thiết, phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành như phục vụ sửa đổi các văn bản pháp luật, phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách, phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng, hay làm rõ những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của Ngành.

Các nghiên cứu được triển khai dưới hình thức các chuyên đề nghiên cứu độc lập, đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, nhiệm vụ cấp quốc gia. Quá trình triển khai đã thu hút nhiều các nhà khoa học trong và ngoài ngành Thanh tra tham gia trực tiếp viết chuyên đề nghiên cứu hoặc tham gia các hội thảo khoa học. Việc nghiên cứu gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đã được ưu tiên trong những năm gần đây và được xác định là những nguyên tắc trong lựa chọn các vấn đề nghiên cứu. Các cán bộ, nghiên cứu viên của Viện dần trưởng thành qua hoạt động thực tiễn và trở thành lực lượng nghiên cứu chính trong triển khai các nhiệm vụ được giao.

Ngoài triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện chủ trì, các cán bộ của Viện đã tham gia phối hợp nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu khác. Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm làm sáng rõ các vấn đề có liên quan, trên cơ sở tiếp cận từ các góc độ khác nhau, nhất là các nghiên cứu tiếp cận từ bên ngoài đối với tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra. Với năng lực, uy tín khoa học của Viện, của các cán bộ, nghiên cứu viên, kết quả nghiên cứu đã được đánh giá cao, có giá trị khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Ba là, đổi mới hoạt động quản lý nghiên cứu khoa học

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, các hoạt động quản lý khoa học của có vai trò quan trọng giúp xác định đúng vấn đề nghiên cứu, triển khai nghiên cứu hiệu quả và đánh giá đúng giá trị nghiên cứu của các đề tài. Việc quản lý nghiên cứu khoa học góp phần thúc đẩy tạo các kết quả nghiên cứu có chất lượng, đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra. Các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quản lý khoa học đã được cơ cấu lại và sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ cho phù hợp với quy định về tổ chức triển khai và thực hiện nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các nhiệm vụ quản lý nghiên cứu khoa học bao gồm: xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn và hằng năm trình Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ; tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc tổ chức đấu thầu thực hiện đề tài khoa học và phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học hằng năm; tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các đề tài nghiên cứu theo Quy chế quản lý đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn, phối hợp với Thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong nghiên cứu khoa học về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tổ chức Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng Khoa học và tổ chức sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu khoa học.

Bốn là, nâng cao kết quả tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra

Đây là nhiệm vụ quan trọng, phản ánh giá trị của các kết quả nghiên cứu khoa học. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu giúp nhận diện, đánh giá được sự phù hợp, đúng đắn của các giải pháp, kiến nghị nghiên cứu với các bài toán thực tiễn đang đặt ra. So với các quy định trước, Quy chế đã xác định rõ hơn về trách nhiệm của Viện trong tổ chức việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu thông qua quy định về việc hàng năm báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ về nội dung và kết quả ứng dụng.

Thực hiện tốt việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học sẽ góp phần thúc đẩy việc tổ chức nghiên cứu hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Vì đây sẽ là lăng kính phản chiếu các kết quả nghiên cứu, thể hiện ở tính ứng dụng, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Năm là, hoàn thiện hơn các nhiệm vụ khác như xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin - tư liệu khoa học và thư viện của Thanh tra Chính phủ; biên soạn và phát hành theo quy định của pháp luật các ấn phẩm thông tin - tư liệu khoa học về các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra; cung cấp các dịch vụ khoa học, dịch vụ tư vấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật; tham gia đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra; liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; quản lý tài chính, tài sản; công chức, viên chức và người lao động thuộc Viện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thứ ba, hoàn thiện hơn các nội dung về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các thiết chế trong Viện.

Bên cạnh các nội dung về mặt hoạt động của Viện, Quy chế cũng đã có những quy định cụ thể, khoa học về nội dung và trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Viện trưởng, Phó viện trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, công chức, viên chức và người lao động trong Viện. Các quy định này trên cơ sở kế thừa các quy định cũ, có bổ sung và hoàn thiện hơn theo tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng tính tự chủ và chịu trách nhiệm của tổ chức nghiên cứu khoa học công lập.

Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Viện, trách nhiệm của các bên liên quan trong quan hệ công tác. Đây là những cơ sở quan trong nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; trong phối hợp triển khai các nhiệm vụ với các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; trong xây dựng và bảo vệ các chương trình, kế hoạch nghiên cứu; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; trong phát triển đảng viên, trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức, người lao động trong Viện.

3. Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Viện theo tinh thần của Quyết định 539/2018/QĐ-TTCP là một nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tinh thần “chiến lược” trong tổ chức và hoạt động của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Viện như xây dựng Đề án vị trí việc làm, Quy chế làm việc của Viện, Quy chế tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các quy định về nhiệm vụ khoa học của mỗi vị trí nghiên cứu trong Viện,… Bên cạnh đó cần có định hướng chiến lược trong việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên có năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm cao, nhằm đáp ứng tốt các nhiệm vụ chính trị của một viện nghiên cứu chiến lược, chính sách của Ngành trong thời gian tới.



TS. Trần Văn Long

Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học

Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: