Tuy
nhiên, phạm vi áp dụng pháp luật và việc xử lý vi phạm trong khu vực ngoài nhà
nước là có giới hạn, không rộng như phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà
nước. Vấn đề đặt ra là xác định mức độ áp dụng pháp luật và việc xử lý vi phạm
phải phù hợp với thực tiễn.
1.
Trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà
nước.
Một trong những điểm mới cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
so với là những quy định liên quan đến Phòng, chống tham nhũng trong khu vực
ngoài nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định theo phương pháp
loại trừ và chỉ giới hạn áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức không phải là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh
nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật
chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp
quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu
của Nhà nước và xã hội.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã dành riêng một chương quy định
phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước,
trong đó tập trung vào vấn đề xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham
nhũng và áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức
khu vực ngoài nhà nước.
Trước hết, doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách
nhiệm chung trong phòng, chống tham nhũng, cụ thể là phải thực
hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối
hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra
trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy
chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi
tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định
khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức
xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy
tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình. Đây
là những chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người
hành nghề, người hoạt động kinh doanh nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề,
kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực
hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích,
ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không
tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức,
động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh
lành mạnh, không tham nhũng; giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thành viên, hội viên, tích
cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp,
tổ chức còn bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc một số biện pháp phòng, chống tham nhũng cụ thể. Điều này được quy định
tại Điều 80 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, công ty đại chúng,
tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ
Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê
duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện
phải thực hiện các quy định về những nội dung sau:
- Nguyên tắc công khai, minh bạch,
nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc
công khai, minh bạch quy định tại Điều 9, các điểm a, c và d khoản 1 Điều 10,
Điều 11 và Điều 12 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
- Kiểm soát xung đột lợi ích quy
định tại Điều 23 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
- Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm
của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm
a, b và d khoản 3, Điều 73 của Luật Phòng, chống
tham nhũng năm 2018.
2. Xử lý hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Cùng với việc mở rộng
phạm vi trách nhiệm và áp dụng các các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà
nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn quy định hành vi tham nhũng và
các hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng,
chống tham nhũng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể bị xử lý.
Trước hết, Luật Phòng, chống tham
nhũng năm 2018 đã phân định các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và
hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Về cơ bản, các hành vi tham nhũng
trong khu vực nhà nước được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Phòng,
chống tham nhũng năm 2005 và bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật hình sự năm
2015, bao gồm 12 hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Riêng đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chỉ quy định có 4 hành vi, phân thành 3
khoản, bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Đưa
hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình
vì vụ lợi.
Bên cạnh đó, cũng quy định việc
xử lý các hành vi vi phạm phạm pháp luật về
phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung. Các hành
vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là những hành vi không phải là hành vi tham nhũng mà chủ yếu là các hành
vi vi phạm các quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng,
cụ thể là:
- Vi phạm quy định về công khai,
minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Vi phạm quy định về định mức,
tiêu chuẩn, chế độ;
- Vi phạm quy định về quy tắc ứng
xử;
- Vi phạm quy định về xung đột
lợi ích;
- Vi phạm quy định về chuyển đổi
vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn;
- Vi phạm quy định về nghĩa vụ
báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;
- Vi phạm quy định về nghĩa vụ
trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản,
thu nhập tăng thêm;
- Vi phạm quy định về thời hạn kê
khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu
nhập.
Về mức độ xử lý nói chung, người có hành vi quy
định trên đây (trừ vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài
sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm - hiện chưa
có hướng dẫn) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử
phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại
thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với người có hành vi vi
phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật. Người có hành
vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy
định của tổ chức đó. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tuy
không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tham nhũng như đối với các cơ
quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước nhưng cũng phải thực hiện một số biện
pháp phòng, chống tham nhũng như quy định tại Điều 80 Luật Phòng, chống tham
nhũng năm 2018.
3. Một số
kiến nghị đối với việc hướng dẫn thi hành
Với
quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về áp dụng pháp luật phòng,
chống tham nhũng và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với
doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cần tiếp tục có những quy định
hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện theo hướng sau:
Thứ nhất, cần
quy định hướng dẫn về thẩm quyền, mức phạt, trình tự, thủ tục phát hiện và mức
phạt đối với các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực
ngoài nhà nước.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới chỉ quy định
doanh
nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời
phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng
trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động
thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực
ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm
quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi
phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định tại Mục 3 Chương III của
Luật Phòng, chống tham nhũng.
Vấn đề đặt ra cần làm rõ là thẩm quyền và hình thức xử lý như thế nào khi hành
vi tham nhũng bị phát hiện, đặc biệt là thẩm quyền xử lý đối với hành vi tham
nhũng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi tham nhũng của cá
nhân trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bị phát hiện mà
chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không thể xử lý kỷ luật như
áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực nhà
nước mà chỉ có thể xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm này. Theo quy
định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt hành chính hiện được
giao cho rất nhiều chủ thể và dựa trên nguyên tắc gắn với thẩm quyền quản lý.
Với lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, hành vi tham nhũng trong các doanh
nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước xâm phạm đến trật tự kinh doanh và hoạt
động của các các tổ chức xã hội, do đó, nên giao thẩm quyền xử phạt cho Ủy ban
nhân dân và cơ quan quản lý lĩnh vực kinh doanh, tổ chức xã hội, các cơ quan thanh
tra nhà nước thuộc bộ, sở quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kinh doanh và tổ
chức xã hội.
Về mức phạt, do tính chất nguy
hiểm của hành vi vi phạm với các mức độ khác nhau, nên chăng, cần có sự phân
biệt về mức tiền phạt giữa các hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ với
hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Về trình tự, thủ tục xử phạt hành
vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, ngoài việc áp dụng các quy định
chung về xử lý vi phạm hành chính, cần có một số quy định đặc thù áp dụng cho
việc xử phạt đối với hành vi tham nhũng.
Thứ hai, quy định cụ thể cơ chế
thanh tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm trong việc thực
hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Điều
81 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cơ chế thanh tra việc thực
hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực
ngoài nhà nước. Theo đó, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh,
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra việc thực hiện pháp luật
về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, đối với
tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các
khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện khi có dấu hiệu rõ ràng về
việc vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Để thực
hiện được quy định này, cần có quy định
làm cơ sở để xác định được “dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm” làm căn cứ tiến
hành thanh tra và bảo đảm trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật
về phòng, chốn tham nhũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh tra.
Bên cạnh đó, do việc vi phạm các
quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các công ty đại chúng, tổ
chức tín dụng, đối với tổ chức xã hội chủ yếu xâm phạm đến hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp và hoạt động của các tổ chức xã hội, vì vậy, nên giao thẩm
quyền xử phạt vi phạm cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền chung và cơ quan
quản lý chuyên ngành đối với các hoạt động doanh nghiệp, tổ chức đó.
Ngoài ra, để bảo đảm việc xử lý
đối với hành vi tham nhũng và vi phạm pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng
trong doanh nghiệp, tổ chức có tính giáo dục và góp phần nâng cao nhận thức của
toàn xã hội, cần phải tổng hợp và công khai nội dung và kết quả xử lý./.