Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ vẫn còn một số hạn chế và đứng trước những thách thức, yêu cầu đổi mới, nhất là việc xây dựng định hướng nghiên cứu theo các giai đoạn cụ thể để phù hợp với bối cảnh, yêu cầu đặt ra và đảm bảo tính định hướng của công tác nghiên cứu so với chính sách, pháp luật và thực tiễn hoạt động của Ngành.
Với mục tiêu đề xuất xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, chuyên đề “Cơ sở khoa học xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021 - 2026” (Chuyên đề) được triển khai nghiên cứu ở phạm vi chuyên đề khoa học độc lập theo Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020 của Thanh tra Chính phủ. Chuyên đề do TS. Nguyễn Thị Thu Nga - Phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra chủ trì.
Ngày 25/11/2020, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Viện CL&KHTT) tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu Chuyên đề. Tham dự buổi họp có toàn thể công chức, viên chức Viện CL&KHTT. TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT - Tổ trưởng Tổ tư vấn đánh giá, nghiệm thu chuyên đề (Tổ tư vấn) chủ trì buổi họp.
Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu, Chuyên đề nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Cơ sở khoa học cho việc xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ; ii) Cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn cho việc xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021 - 2026; iii) Một số kiến nghị, đề xuất cho việc xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021 - 2026.

Theo nhận xét chung, Tổ tư vấn đánh giá cao kết quả nghiên cứu chuyên đề, Chuyên đề có hàm lượng thông tin khoa học cao và đã đạt mục tiêu chính là đề xuất khung Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2021 - 2026.
Tổng hợp các ý kiến góp ý của Tổ tư vấn, Chủ trì chuyên đề nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện nội dung nghiên cứu theo một số nội dung sau: Phần I, Chuyên đề cần làm rõ khái niệm cơ sở khoa học trong Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ; Phần II, về cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn cho việc xây dưng Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh việc phải tạo được sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Chuyên đề cần bổ sung thêm nội dung phải tạo sự gắn kết với công tác hoàn thiện thể chế trong Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, Chuyên đề cần có sự đánh giá những tồn tại, hạn chế việc thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua, từ đó, làm cơ sở đề xuất chương trình nghiên cứu khoa học cho giai đoạn sau.
Theo TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Chuyên đề đã luận giải được những vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu khoa học của ngành Thanh tra trong 5 năm, bên cạnh đó, Chuyên đề cần chú trọng vào 4 nhiệm vụ trong công tác nghiên cứu trong những năm tiếp theo, cụ thể: Một là, công tác nghiên cứu khoa học phải gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính; hai là, công tác nghiên cứu khoa học phải gắn với chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo; ba là, công tác nghiên cứu khoa học phải phục vụ phát triển kinh tế thị trường giai đoạn mới; bốn là, nghiên cứu công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Kết thúc buổi họp, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đạt được, Tổ tư vấn thống nhất thông qua Chuyên đề./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng