Kết quả nghiên cứu của Chuyên đề chỉ ra rằng, nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ là hoạt động phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ trên các lĩnh vực quản lý ngành: Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong công tác nghiên cứu khoa học vẫn còn tồn tại một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như phát triển sự nghiệp khoa học của Thanh tra Chính phủ: Thứ nhất, nguồn kinh phí phân bổ cho công tác nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ; Thứ hai, nguồn lực kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển sự nghiệp khoa học của Thanh tra Chính phủ chưa đảm bảo; Thứ ba, việc triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy với các đơn vị có chức năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ còn hạn chế.
Xuất phát từ thực tế trên, mục tiêu nghiên cứu của Chuyên đề là nhằm đưa ra những giải pháp để nâng cao, đảm bảo nguồn lực tài chính, kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học cũng như việc tìm kiếm sự hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới. Theo đó, Chuyên đề được xây dựng gồm ba phần: i) Những vấn đề chung về nguồn lực tài chính, nguồn lực kỹ thuật, hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học; ii) Thực trạng nguồn lực tài chính, nguồn lực kỹ thuật, hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học; iii) Giải pháp nâng cao, đảm bảo nguồn lực tài chính, kỹ thuật và hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học của Thanh tra Chính phủ.

Cho ý kiến vào nội dung nghiên cứu của Chuyên đề, TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, các nội dung nghiên cứu của Chuyên đề được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản với nhiều nội dung thiết thực. Tuy nhiên, để hoàn thiện, Chuyên đề cần bổ sung, hoàn thiện một số nội dung sau:
Mục tiêu nghiên cứu của Chuyên đề nên viết gọn lại thành: “Đưa ra những giải pháp để phát triển, đảm bảo nguồn lực tài chính, kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học”. Bên cạnh đó, Chuyên đề cần nghiên cứu theo hướng phân biệt, làm rõ hai nội dung về nguồn lực tài chính và nguồn lực kỹ thuật thành hai nội dung riêng biệt. Phần lý luận của Chuyên đề được phân tích khá kỹ lưỡng khi đưa ra được các quan niệm về nguồn lực tài chính, nguồn lực kỹ thuật, hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học. Tuy nhiên, cần bổ sung quan niệm về nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng vật chất. Các giải pháp mà Chuyên đề đưa ra rất cụ thể, có tính khả thi.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng, Viện CL&KHTT đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Chuyên đề. Tuy nhiên, để làm nổi bật các nội dung nghiên cứu, Chuyên đề cần được bố cục, sắp xếp lại một số nội dung nghiên cứu. Cụ thể, nên chia thành các nhóm: Nguồn lực tài chính, nguồn lực kỹ thuật, hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học, nguồn lực con người, nguồn lực cơ sở vật chất.
Cho ý kiến và đưa ra kết luận về kết quả nghiên cứu của Chuyên đề, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Tổ trưởng Tổ tư vấn đánh giá, Chuyên đề được nghiên cứu công phu, các nội dung nghiên cứu rõ ràng. Chuyên đề đã khái quát thực trạng về nguồn lực tài chính, nguồn lực kỹ thuật, hợp tác phát triển sự nghiệp khoa học của Thanh tra Chính phủ hiện nay. Trên cơ sở những ý kiến góp ý của các thành viên Tổ tư vấn tại buổi nghiệm thu, chủ trì chuyên đề cần tiếp thu các ý kiến trên nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của Chuyên đề.
Với những kết quả nghiên cứu đạt được của Chuyên đề, các thành viên Tổ tư vấn đánh giá Chuyên đề đạt chất lượng và nhất trí nghiệm thu Chuyên đề./.
Tin: Lan Hương
Ảnh: Hữu Thắng