Trình bày nội dung nghiên cứu của chuyên đề, NCS. Nguyễn Phương Vy cho biết, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những trụ cột quan trọng trong quản trị của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 đã chỉ rõ: Những hạn chế trong quản lý kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, công tác kiểm toán, kiểm soát chi, thanh tra tài chính được tăng cường nhưng việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, sai phạm vẫn còn nhiều, lãng phí ngân sách nhà nước ở các mức độ khác nhau còn phổ biến. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy các quy định trong nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều nội dung chưa được công khai, minh bạch, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng chồng chéo, trùng lặp, chưa kịp thời. Xuất phát từ thực tế trên, mục tiêu nghiên cứu của chuyên đề là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, rà soát các quy định của pháp luật và đánh giá khái quát thực trạng thực hiện quy định của pháp luật về minh bạch ngân sách nhà nước; đề xuất giải pháp nhằm tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Nội dung nghiên cứu của chuyên đề gồm ba phần: (1) Khái quát về minh bạch ngân sách nhà nước, vai trò và các bảo đảm minh bạch ngân sách nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; (2) Thực trạng quy định của pháp luật và thực hiện quy định về minh bạch ngân sách nhà nước; (3) Định hướng và giải pháp tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Cho ý kiến vào nội dung nghiên cứu của chuyên đề, ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học cho rằng, vấn đề mà chuyên đề đưa ra nghiên cứu là một nội dung lớn so với cấp độ chuyên đề độc lập. Chính vì vậy, các nội dung nghiên cứu mà chuyên đề đưa ra vẫn mang tính khái quát, ước lệ chưa đi sâu vào từng vấn đề cụ thể. Về vai trò bảo đảm minh bạch ngân sách nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng, cần bổ sung nội dung về phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, đây chính là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng. Phần thực trạng, cần chỉ ra được những hạn chế, bất cập đối với quy định của pháp luật và thực hiện quy định về minh bạch ngân sách nhà nước hiện nay. Phần giải pháp, không cần thiết đưa ra quan điểm, mục tiêu của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp độ nghiên cứu chuyên đề.
Theo TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng Hành chính Tổ chức, Viện CL&KHTT, phạm vi nghiên cứu của chuyên đề quá rộng, các nội dung nghiên cứu mới chỉ đưa ra được phần khái quát chung mà chưa có phân tích sâu vào các vấn đề đưa ra. Do vậy, phạm vi nghiên cứu cần khuôn lại cho phù hợp.
ThS. Lê Đức Trung, Trưởng phòng Thông tin, Tư liệu và Thư viện cho rằng, trước tiên cần làm rõ nội dung minh bạch là gì cũng như cần tăng cường các phương thức minh bạch nào nhằm phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng. Các yêu cầu của việc minh bạch ngân sách nhà nước cũng là một trong những nội dung cần được bổ sung nhằm hoàn thiện kết quả nghiên cứu của chuyên đề này.
Trên cơ sở góp ý của các thành viên Tổ đánh giá, TS. Nguyễn Tuấn Khanh nhất trí cho rằng cần khuôn lại phạm vi nghiên cứu ở cấp độ chuyên đề độc lập. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự vênh nhau giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Ngân sách nhà nước để thấy rõ được những bất cập, hạn chế trong việc minh bạch ngân sách nhà nước hiện nay.
Dựa trên kết quả đạt được, Tổ đánh giá nhất trí nghiệm thu chuyên đề./.
Tin: Lan Hương
Ảnh: Hữu Thắng