Theo TS. Nguyễn Thị Thu Nga, công tác truyền thống có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Đối với Thanh tra Chính phủ, công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành Thanh tra đến với nhân dân; giúp các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chức năng, nhiệm vụ của ngành, phản hồi ý kiến hoàn thiện chính sách, pháp luật của ngành, đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động của ngành.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc thiết lập cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, các điều kiện đảm bảo và việc tổ chức thực hiện công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ cũng còn những tồn tại, hạn chế về mặt nhận thức, về phương thức truyền thông, về phương tiện truyền thông, nội dung truyền thông… Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu Đề tài sẽ góp phần hoàn thiện nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác truyền thông cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức truyền thông của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới, góp phần thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành Thanh tra.
Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu, mục tiêu chính của Đề tài là đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm đổi mới công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Một số vấn đề chung về công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; ii) Thực trạng công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; iii) Khuyến nghị đổi mới công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ.
Trong phần nhận xét của Hội đồng, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ đánh giá cao sự cần thiết nghiên cứu đề tài, qua kết quả nghiên cứu, Đề tài giúp người đọc nhận thức rõ vai trò cũng như thực trạng của công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; Đề tài đưa ra các thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật đầy đủ; Đề tài có giá trị khoa học cao, kết quả nghiên cứu rất thuyết phục, phục vụ tốt cho việc đổi mới công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; các giải pháp đề ra rất toàn diện, sâu sắc, đảm bảo tính khả thi cao.
Góp ý hoàn thiện Đề tài, TS. Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, tại phần lý luận, Đề tài cần làm rõ nội dung và các yếu tố cấu thành của công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; phần giải pháp, cần bổ sung quan điểm đổi mới công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ, từ đó, thấy được những nhiệm vụ phải làm để đạt được mục tiêu đề ra trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ.
ThS. Lê Đức Trung - Trưởng phòng Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện CL&KHTT, thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài, về giá trị khoa học, Đề tài đã nghiên cứu có tính hệ thống về công tác truyền thông của cơ quan nhà nước và công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; khái quát được thực trạng tổ chức bộ máy và nhân sự thực hiện công tác truyền thông; đánh giá được thực trạng hoạt động và phương thức truyền thông của Thanh tra Chính phủ; Đề tài chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó, Đề tài đã luận giải các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; các số liệu được đưa ra rất phong phú và đáng tin cậy… Về ứng dụng, Đề tài cung cấp được giá trị khoa học trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ, đề xuất các giải pháp mang tính khả thi cao.

Góp ý vào việc hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, ThS. Lê Đức Trung cho rằng, Đề tài cần làm sâu sắc hơn việc đổi mới nội dung, hình thức công tác truyền thông và tăng cường phối hợp, chia sẻ và hợp tác giữa các đơn vị trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ.
Theo TS. Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch Hội đồng, Đề tài có ý nghĩa thiết thực trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; Đề tài có cách tiếp cận toàn diện quan điểm truyền thông từ truyền thống đến hiện đại; các mô hình truyền thông đều được đề cập đến trong đề tài; nghiên cứu công tác truyền thông gắn với nền công nghiệp 4.0; Đề tài đánh giá tốt thực trạng tổ chức, nhân sự, hoạt động truyền thông của Thanh tra Chính phủ; trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế, Đề tài đưa ra nhiều kiến nghị có tính ứng dụng ngay trong thực tiễn…
Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Văn, để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, Đề tài cần làm sâu sắc thêm những kết quả đạt được trong công tác truyền thông cũng như những khó khăn của đội ngũ chuyên trách làm công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ; cần làm rõ thêm những giải pháp mang tính trước mắt cho các đơn vị làm công tác truyền thông trong công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ
Bên cạnh đó, Đề tài cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự chia sẻ về nội dung truyền thông; loại hình truyền thông; thực trạng những kết quả đạt được và hạn chế trong công tác truyền thông và các giải pháp đổi mới công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ…
Với những kết quả đạt được, Hội đồng thống nhất nghiệm thu Đề tài với kết quả Xuất sắc./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng