1. Tư vấn hành chính là mô hình đặc trưng chỉ có tại Nhật Bản. Trong đó, ở Trung ương có Cục Đánh giá hành chính thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông; ở các địa phương có Chi cục Đánh giá hành chính khu vực, Văn phòng Đánh giá hành chính cấp tỉnh và đội ngũ tư vấn viên hành chính tình nguyện. Hiệp hội tư vấn hành chính tình nguyện có 50 văn phòng với khoảng hơn 5.000 tư vấn viên tình nguyện trên toàn nước Nhật.
Hoạt động tư vấn hành chính cho công dân là một trong những điểm đặc thù của Nhật Bản, bắt đầu từ năm 1961, theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông. Trước năm 1955, Tổng cục Đánh giá hành chính thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, phản ánh từ người dân. Nhưng thực tế cho thấy tâm lý người dân ngại ngần khi phải khiếu nại với cơ quan công quyền. Năm 1961, cơ chế cán bộ tư vấn hành chính được thiết lập nhằm tiếp nhận khiếu nại rộng rãi của người dân thông qua những người không phải là công chức. Năm 1966, Luật Cán bộ tư vấn hành chính được thông qua và là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động tư vấn hành chính ở Nhật Bản. Cơ chế tư vấn hành chính nhằm hỗ trợ, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các dịch vụ công, bao gồm việc tư vấn các vấn đề liên quan đến việc quản lý hoặc thực hiện dịch vụ từ phía Nhà nước, có tác dụng xử lý ban đầu các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân.
Ở Nhật Bản, hoạt động tư vấn hành chính là hoạt động thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Truyền thông. Cơ cấu của Bộ gồm có 11 đơn vị, trong đó, Cục Đánh giá hành chính thuộc Bộ đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong hoạt động tư vấn hành chính. Cục Đánh giá hành chính có Phòng Tư vấn hành chính, gồm các chuyên gia đánh giá hành chính và cán bộ thanh tra đánh giá hành chính có trách nhiệm xem xét, đánh giá các chính sách của các bộ, ngành khác. Cục Đánh giá hành chính có chức năng là đầu mối nhận đơn từ công dân và gửi cho các bộ, ngành liên quan, yêu cầu các bộ, ngành giải quyết khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của công dân.
Hoạt động tư vấn hành chính được thực hiện thông qua các Tổ chức tư vấn hành chính đặt ở các địa phương, đứng đầu là Hiệp hội tư vấn hành chính tình nguyện. Đây là các tổ chức xã hội mang tính tự nguyện hoàn toàn. Hiệp hội này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông công nhận việc thành lập. Hiệp hội Tư vấn hành chính tình nguyện toàn quốc Nhật Bản có 50 Chi nhánh tại các tỉnh và 8 Hiệp hội khu vực địa phương. Hiệp hội có trách nhiệm tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn hành chính cho các chuyên gia tư vấn hành chính. Các tổ chức tư vấn hành chính hoạt động dựa trên nguồn kinh phí lấy từ hội phí của các hội viên, tiền chi trả thực tế cho hoạt động tư vấn và nguồn hỗ trợ rất nhỏ của Nhà nước. Mỗi năm, Hiệp hội sẽ tổ chức 02 Hội nghị lãnh đạo Hội và 01 lần Đại hội toàn quốc.
Thành viên của Hiệp hội là các chuyên gia tư vấn hành chính, gồm những luật sư, giáo viên, công chức đã nghỉ hưu, tự nguyện tham gia và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông bổ nhiệm. Tình nguyện viên tư vấn hành chính là đội ngũ gần dân, hoạt động ở cơ sở, có quan hệ mật thiết với dân. Họ là những người có hiểu biết xã hội, được xã hội tin tưởng, tín nhiệm, có nhiệt huyết, muốn tham gia cải cách hành chính. Các tình nguyện viên tư vấn hành chính này bị ràng buộc bởi những điều kiện nhất định như: không tham gia chính trị, không được nhận thù lao, phải giữ bí mật họ tên người yêu cầu tư vấn... và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: được người có thẩm quyền giới thiệu; là giáo sư các trường đại học, luật sư, công chức, giáo viên đã nghỉ hưu... tuổi không quá 80 và có chuyên môn nhất định. Nhiệm kỳ của các tư vấn viên hành chính tình nguyện là 02 năm và có thể kéo dài. Trên thực tế, hiện nay, ở Nhật Bản có một số người đã làm tư vấn viên hành chính trên 40 năm.
Tư vấn viên hành chính có nhiệm vụ tiếp nhận các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân, từ đó nghiên cứu làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, hướng dẫn người dân đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Việc tiếp nhận tư vấn hành chính thông qua nhiều hình thức (điện thoại, thư, Internet, fax, gặp mặt). Nếu như hoạt động đánh giá hành chính nhằm phát hiện, giải quyết vấn đề chung của công tác quản lý thì tư vấn hành chính nhằm xử lý giải quyết vụ việc vấn đề riêng, cụ thể của quản lý hành chính. Hoạt động tư vấn hành chính mỗi năm xử lý khoảng 160.000-170.000 vụ việc, chiếm 50% vụ việc hành chính. Quy trình tư vấn hành chính đơn giản thông qua trao đổi, tiếp nhận thông tin để hướng dẫn công dân thực hiện theo đúng quy định và mang tính chất trung gian tư vấn, còn việc giải quyết vụ việc cụ thể thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Hoạt động tư vấn hành chính nhà nước do Cục Đánh giá hành chính và các Văn phòng tư vấn hành chính địa phương thực hiện. Đây còn là công cụ để bảo đảm cho hoạt động của tình nguyện viên tư vấn hành chính đạt hiệu quả, sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ đối với những vụ việc mà tình nguyện viên tư vấn hành chính không thể đáp ứng được yêu cầu tư vấn hành chính.
Vào trung tuần tháng 10 hàng năm, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện hoạt động tiếp nhận yêu cầu tư vấn về công việc của cơ quan hành chính trên cả nước, tổ chức tại những địa điểm gần gũi với người dân. Sự kiện này gọi là “Tuần lễ tư vấn hành chính”. Một trong những hoạt động của sự kiện này là việc mở “Điểm tư vấn hành chính tổng hợp một ngày”; tại đó nhân viên của các cơ quan hành chính trung ương, của tỉnh thành và huyện thị tập trung tại các trung tâm thương mại hay công trình công cộng để tiếp nhận khiếu nại, ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề hành chính. Tại điểm tư vấn này, ngoài việc tiếp nhận các vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan hành chính hay các vụ việc người dân không biết hỏi ở đâu, người dân còn có thể yêu cầu tư vấn tại chỗ nhiều vụ việc mà không phải tới từng cơ quan hành chính.
Đặc trưng nổi bật của chế độ tư vấn hành chính ở Nhật Bản đó là: i) Công bằng, trung lập, đứng giữa người dân và chính quyền; ii) Tư vấn với nội dung bao trùm hoạt động của Chính phủ; tư vấn hành chính rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội; tư vấn hành chính chủ yếu giải quyết vấn đề riêng, nhưng qua đó có những vấn đề phức tạp, khó giải quyết thì được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Thúc đẩy hỗ trợ khiếu nại hành chính để tìm phương hướng giải quyết..
Có thể nói, hoạt động tư vấn hành chính khá linh hoạt, đa dạng và hiệu quả (nhất là hoạt động của tư vấn viên hành chính tình nguyện), góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho công dân, thấu hiểu và chia sẻ, hướng dẫn công dân chấp hành tốt pháp luật; giúp chính quyền hiểu dân hơn, tạo được sự đồng thuận giữa dân và chính quyền, hạn chế được nhiều xung đột về lợi ích, quan điểm và hạn chế được phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện bức xúc trong xã hội. Mô hình tư vấn hành chính và việc sử dụng đội ngũ tình nguyện viên tư vấn hành chính ở Nhật Bản là kinh nghiệm rất đáng để nghiên cứu áp dụng, học tập.
2. Tại Việt Nam, số lượng lượt/đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sai, không có căn cứ hoặc gửi đơn không đúng thẩm quyền của cơ quan hành chính khá nhiều. Năm 2021, các CQHCNN các cấp đã tiếp 330.971 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận 359.339 đơn các loại (bao gồm đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 336.645 đơn, có 274.988 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 76,5% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 45.108 đơn khiếu nại, 17.389 đơn tố cáo, 212.491 đơn kiến nghị, phản ánh; có 16.038 vụ việc khiếu nại, 6.600 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước[1].
Nghiên cứu xây dựng mô hình tư vấn hành chính để hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật nhằm làm giảm đáng kể áp lực lên các cơ quan nhà nước. Việc sử dụng đội ngũ tư vấn hành chính trong hướng dẫn công dân chấp hành pháp luật sẽ làm giảm số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến các cơ quan chính quyền. Đơn cử, qua tư vấn hành chính, người khiếu nại sẽ lựa chọn việc không sử dụng quyền khiếu nại (nếu khiếu nại của họ không có cơ sở) hoặc khiếu nại tiếp (nếu khiếu nại của họ có cơ sở) và xác định đúng cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, hoạt động tư vấn hành chính trong giải quyết khiếu nại hành chính cũng sẽ góp phần làm tăng hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính vì các khiếu nại có cơ sở được chuyển đến đúng chủ thể có thẩm quyền giải quyết, tránh được tình trạng đơn khiếu nại gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, bị chuyển “lòng vòng” giữa các CQHCNN, hạn chế khiếu nại vượt cấp.
Việc tư vấn hành chính phải được tiến hành miễn phí nhằm giúp người dân hiểu được khiếu nại, tố cáo của họ có cơ sở hay không. Theo quy định hiện nay, công dân có quyền nhờ Luật sư tư vấn nhưng phải chịu chi phí luật sư, trong khi đó có nhiều trường hợp người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị không có điều kiện về kinh tế. Từ góc độ tư vấn, trợ giúp pháp lý trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, luật sư vừa thực hiện tư vấn pháp luật, giải thích, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công dân, cơ quan, tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; đồng thời cũng giúp các chủ thể này thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định, bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp.
Vai trò quan trọng của Luật sư trong đời sống xã hội nước ta đã được ghi nhận và khẳng định rõ trong chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thời gian qua: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư; Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư; Nghị định 137/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật luật sư; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật Tiếp công dân năm 2013. Theo đó, pháp luật đã ghi nhận vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo như (i) tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; (ii) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; (iii) xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; (iv) nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại[2]...
Để phát huy sự tham gia của luật sư trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014 về giám sát, nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở và đã có thông báo kết quả 05 năm triển khai thực hiện (từ năm 2014 đến năm 2018). Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình số 01, ngày 11/10/2018, Chương trình phối hợp số 02- CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS đã được tiếp tục ký kết. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai công tác luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Sự tham gia của Luật sư trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực: (i) Tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân nâng cao nhận thức về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; (ii) Tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế khiếu kiện sai, góp phần bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; (iii) Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân giúp hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài, vượt cấp...
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác về hoạt động tư vấn hành chính, bên cạnh sự tham gia của luật sư vào quá trình trợ giúp pháp lý miễn phí như hiện nay thì mô hình tư vấn hành chính và việc sử dụng đội ngũ tình nguyện viên tư vấn hành chính của Nhật Bản rất đáng để nghiên cứu tham khảo và học tập. Tình nguyện viên tư vấn hành chính có thể là những người có hiểu biết xã hội, tín nhiệm, có nhiệt huyết, tình nguyện, có chuyên môn nhất định như giáo sư các trường đại học, luật sư, công chức, giáo viên đã nghỉ hưu... được ràng buộc tham gia tư vấn với những điều kiện nhất định. Quy trình tư vấn hành chính chỉ nên đơn giản thông qua trao đổi, tiếp nhận thông tin để hướng dẫn công dân thực hiện theo đúng quy định và mang tính chất trung gian tư vấn, còn việc giải quyết vụ việc cụ thể thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước./.
TS. Tạ Thu Thủy
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
[1] Báo cáo số 362/BC-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.
[2] Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011