• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ấn phẩm
  • Thư viện
  • Liên hệ
  • Hỏi đáp
  • Mail
  • Sitemap
  • TIN TỨC
  • NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
  • QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ
  • ĐỐI THOẠI PCTN
  • ĐỀ TÀI KHOA HỌC
  • DỰ THẢO
  • VĂN BẢN PHÁP LUẬT
  • ENGLISH
Hội nghị triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp tỉnh Sinh hoạt khoa học: “Định hướng hoạt động hợp tác phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thời gian tới” Thông báo tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học năm 2023 của Thanh tra Chính phủ Hội thảo định hướng nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn” Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Hội thảo đề tài khoa học cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng”
 
Những kết quả đạt được trong thực thi Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Việt Nam    
Cập nhật: 27/06/2022 09:23
Xem lịch sử tin bài

Nhận thức sâu sắc về tác hại của tham nhũng, nhiều Nghị quyết của Đảng đã đưa ra những chủ trương, chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.  


Luật Phòng, chống tham nhũng cũng là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng. Việt Nam cũng tích cực tham gia các sáng kiến quốc tế và khu vực để góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Việc thực hiện những chủ trương, chính sách, giải pháp nêu trên đã mang lại những kết quả bước đầu quan trọng, được dư luận quần chúng đồng tình, bạn bè quốc tế ủng hộ.

 

Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 với mục tiêu nhằm hài hoà và phối hợp các nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đã xác định các mục tiêu căn bản, lâu dài cũng như những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đề ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ với một kế hoạch thực hiện cụ thể có lộ trình và bước đi thích hợp. Quá trình tổ chức thực thi Chiến lược đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

 

1. Về nội dung Chiến lược và việc tổ chức thực thi Chiến lược

 

Một là, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đã xác định các mục tiêu, hệ thống giải pháp, có kế hoạch, lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan một cách cụ thể, chi tiết, là căn cứ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định và triển khai thực hiện nhằm tập trung tối đa mọi nỗ lực cho việc hoàn thành mục tiêu đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện của cuộc chiến chống tham nhũng. Đây đều là các mục tiêu định tính trải rộng trên nhiều nội dung khác nhau về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng và các tác động Chiến lược mong muốn đạt được. Hệ thống các giải pháp, công cụ được đưa ra tương đối tương thích, hướng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, giải quyết cơ bản các nguyên nhân của tình hình tham nhũng và được cụ thể hoá trong một hệ thống văn bản thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương. Kế hoạch thực hiện Chiến lược trong cả 03 giai đoạn được xây dựng chi tiết, cụ thể, phân giao trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp và thời điểm hoàn thành, là căn cứ để triển khai, kiểm tra tiến độ, đánh giá việc thực thi đối với từng nhiệm vụ và từng cơ quan có trách nhiệm.

 

Hai là, kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 3 đã có sự điều chỉnh kịp thời về mục tiêu so với hai giai đoạn trước để phù hợp với yêu cầu mới của cuộc chiến chống tham nhũng và khắc phục những hạn chế lớn của hai giai đoạn trước đặt ra: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu ưu tiên trong phòng, chống tham nhũng có trọng tâm, trọng điểm hơn và phù hợp hơn với thực tế, đòi hỏi mới của cuộc chiến chống tham nhũng. Nếu Chiến lược phòng, chống tham nhũng khẳng định: “Vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính” thì Nghị quyết số 126/NQ-CP điều chỉnh, phát triển như sau: “trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai.”. Những điều chỉnh này gia tăng hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng những năm gần đây, giúp cho công tác chống tham nhũng có trọng tâm và nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử, tạo ra hiệu ứng răn đe lớn, làm cho tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm. 

 

Ba là, kế hoạch từng giai đoạn cũng có sự bổ sung hoặc nhấn mạnh tới những giải pháp nhất định để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu, yêu cầu. Kế hoạch giai đoạn 2 bổ sung thêm nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế và cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ rõ ràng. Kế hoạch giai đoạn 3 thực hiện Chiến lược cũng có sự điều chỉnh bổ sung và nhấn mạnh tới một số giải pháp để kịp thời đẩy nhanh hiệu lực, hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng như giải pháp về tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản, nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm, tính độc lập tương đối trong thực hiện nhiệm vụ, nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) phù hợp với điều kiện và pháp luật Việt Nam; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Những điểm bổ sung, nhấn mạnh của Kế hoạch giai đoạn 3 là rất cụ thể, phù hợp với tình hình mới, tạo trọng tâm rõ ràng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi, là tiền đề tạo ra những thành tựu nổi bật của cuộc chiến chống tham nhũng giai đoạn 2017 đến năm 2020.

 

Bốn là, các hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược được thực hiện tương đối tốt như công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện thể chế, chính sách phòng, chống tham nhũng được quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản pháp luật để cụ thế hóa và triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược được được xây dựng tương đối đầy đủ, liên kết chặt chẽ với nhau, cung cấp các giải pháp phòng, chống tham nhũng một cách toàn diện trên tất cả các mặt pháp lý, thể chế, thiết chế, văn hoá, xã hội, vừa hướng tới việc triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện của hiện tượng tham nhũng, vừa phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng cụ thể. Các giải pháp phòng ngừa tập trung vào hoàn thiện tổ chức và hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước, hình thành nên nền công vụ minh bạch, hiệu quả, trách nhiệm giải trình, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức... Hệ thống văn bản quy định các giải pháp trực diện chống hành vi tham nhũng đã xác định hình thức tố cáo hành vi tham nhũng, biện pháp xử lý hành vi tham nhũng, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan phòng, chống tham nhũng; về hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền phù hợp với đặc trưng của từng loại hình cơ quan phòng, chống tham nhũng. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng trên thực tế. Việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ thực hiện Chiến lược được quan tâm thực hiện. Việt Nam đã thiết lập bộ máy với các cơ quan có trách nhiệm trong cuộc chiến chống tham nhũng. 

 

Về cơ bản, các giải pháp được đưa ra tương đối phù hợp với năng lực triển khai của tổ chức bộ máy, năng lực của đội ngũ tổ chức thực thi chính sách, về cơ bản họ có đủ kỹ năng cần thiết để thực hiện các tác nghiệp. Một số tổ chức đảm bảo sự độc lập cần thiết với bộ máy hành pháp, có đủ năng lực về tài chính, nhân sự chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ được giao như Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập.

 

2. Kết quả đạt được trong thực thi Chiến lược:

 

Một là, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng của Chiến lược được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng:

 

Trong giai đoạn 2 thực hiện Chiến lược, Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá năm 2014 đạt thứ hạng 68/144 nền kinh tế (tăng 2 hạng so với năm 2013); xếp hạng môi trường kinh doanh theo WB năm 2014 giữ vị trí thứ 99/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh (tăng 5 hạng so với năm 2006). Bốn giải pháp được đánh giá là có hiệu quả tích cực gồm: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ); xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hai giải pháp được đánh giá hiệu quả ở mức trung bình: Chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Ba giải pháp nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả thấp: Kê khai tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán và thực hiện quy định tặng quà, nộp lại quà tặng.[1]

 

Xếp hạng của Việt Nam từ năm 2009 đến 2020 về trách nhiệm giải trình, chất lượng pháp luật theo Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng thế giới có sự cải thiện tích cực:[2]

 

 

Quá trình triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược đã góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội; nêu cao trách nhiệm, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng được nâng cao, giữ vai trò nòng cốt trong phát hiện và xử lý tham nhũng.

 

Hai là, giai đoạn 3 của Chiến lược (2016 - 2020), hiệu lực, hiệu quả thực thi đã có những cải thiện rất đáng kể, nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Theo PAPI 2020, “điểm chỉ số lĩnh vực nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả này phần nào phản ánh tác động của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay”. Tỷ lệ tham nhũng, hối lộ trong khu vực công từ năm 2011 - 2016 không có xu hướng giảm xuống nhưng từ năm 2016 đến nay đã có sự cải thiện:[3]

 

Biểu đồ 1. Xu thế đánh giá tình hình tham nhũng và hối lộ trong khu vực công, 2011 - 2020

 

 

Ba là, việc thực hiện Chiến lược đã đem lại những hiệu quả tác động tích cực về kinh tế, cụ thể là:

 

 Công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế của Việt Nam: Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của WB, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với năm 2017 (82/190).

 

 

Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã giúp cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa một số thủ tục. Dịch vụ công trực tuyến cùng việc áp dụng thanh toán điện tử bước đầu làm môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh hơn. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế), mức tăng nhiều nhất trong thập niên qua[4].

 

Chi phí không chính thức đã có xu hướng giảm xuống trong hai năm gần đây: Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra sau khi đă giảm ấn tượng từ con số 51,9% của năm 2017 xuống 39,3% của năm 2018, 39,3% năm 2019.[5] Tỷ lệ giảm xuống vừa nêu của năm 2018 so với năm 2017 là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy tính răn đe được tạo ra từ kết quả phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng những năm gần đây.

 

Bốn là, Chiến lược phòng, chống tham nhũng mang lại hiệu quả nhất định về chính trị - xã hội:

 

“Chính sách phòng, chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình... Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng.”[6].

 

Công tác phòng, chống tham nhũng góp phần cải thiện bước đầu niềm tin của nhân dân với nhà nước, góp phần thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm giải trình, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được cơ quan nhà nước chủ động giải trình thông qua họp báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, các hình thức để cán bộ, công chức chịu trách nhiệm chưa được áp dụng mạnh mẽ. Việc lấy phiếu tín nhiệm không tạo ra sự ràng buộc trách nhiệm cao đối với các chức danh được lấy phiếu so với việc bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cho đến nay việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được thực hiện, văn hóa chủ động từ chức khi không còn uy tín chưa được hình thành.

 

Những tác động tích cực về kinh tế, chính trị - xã hội cũng giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp 107/180 toàn cầu. Năm 2019 tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà TI đánh giá đối với Việt Nam từ trước đến nay và năm 2019 cũng là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.[7]

 

Biểu đồ 2. Chỉ số CPI từ năm 2012 đến 2020

 

 

Theo đánh giá của VCB 2019[8], 49% người được hỏi cho rằng các nỗ lực phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện “tốt” hoặc “rất tốt” (so với 21% năm 2017). So sánh giữa những lần khảo sát cho thấy tỷ lệ người được hỏi đưa ra câu trả lời trung lập (không kém cũng không tốt) đã giảm đáng kể từ 39% năm 2013 xuống còn 6% năm 2019. Con số này cho thấy dường như cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã thành công trong việc thuyết phục những người dân có quan điểm trung lập hoặc còn thiếu tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng theo VCB, tỷ lệ hối lộ trong các lĩnh vực dịch vụ công năm 2019 cũng được người dân cảm nhận giảm xuống đáng kể, tỷ lệ người dân có quan điểm chấp nhận tố cáo tham nhũng (87%) cao hơn so với năm 2016 (chỉ 67%) (Phụ lục 2). Tỷ lệ người dân chấp nhận tố cáo tham nhũng tăng lên (Phụ lục 3).

 

Biểu đồ 3. Nhận thức về hiệu quả hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ

  

 

Năm là, Chiến lược phòng, chống tham nhũng mang lại hiệu quả về văn hóa

 

Công tác phòng, chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả nhất định, làm thay đổi văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trước người dân và của người dân trước cơ quan công quyền. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã định hình văn hóa phục vụ đối với cán bộ, công chức, các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ đã khiến cho cán bộ, công chức ý thức rõ hơn về vị trí của mình là người phục vụ nhân dân, bớt thái độ quan liêu, vòi vĩnh, sách nhiễu. Các giải pháp về xây dựng nền công vụ công khai, minh bạch, hiện đại đã cải thiện môi trường làm việc, đặt cán bộ, công chức vào tình thế bị giám sát, bắt buộc phải nâng cao đạo đức liêm chính. Các giải pháp quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, xác định vị trí công tác, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cán bộ, công chức, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện trách nhiệm giải trình cũng làm thay đổi phần nào “văn hóa tập thể”, khiến cán bộ, công chức có trách nhiệm cao hơn trong công việc, khó ỷ lại vào tập thể.

 

Đối với người dân, các giải pháp thúc đẩy người dân mạnh dạn hơn trong việc nêu quan điểm, yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải thích, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, điều này cũng tạo áp lực cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải phục vụ người dân tốt hơn. Qua tuyên truyền, phổ biến, người dân cũng phần nào thay đổi ý thức của họ về tác hại của tham nhũng, để họ xem xét lại hành vi ứng xử của mình.

 

ThS. Phạm Thị Thu Hiền
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

 


[1] Thanh tra Chính phủ (2015), Báo cáo Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6/12/2012

[2] Nguồn: https://info.worldbank.org/governance/wgi/Home/Reports

[3] Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) (2020), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2020

[4] Ngân hàng Thế giới (WB) (2018), Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm, Hoa Kỳ

[5] Thanh tra Chính phủ (2020), Báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

[6] Chính phủ (2016), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, Hà Nội

[7] Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) (2018, 2019), Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI,  Berlin, Đức

[8] Tổ chức Minh bạch quốc tế (2019), Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam năm 2019



 

Về trang trước Bản in Gửi email Lên đầu trang

Các tin đã đọc
Bàn về mối liên hệ giữa xung đột lợi ích và tham nhũng - (27/06/2022 09:39) Giám sát của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức - (27/06/2022 09:27) Tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, y tế công - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp - (27/06/2022 09:17) Các điều kiện bảo đảm thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - (27/06/2022 09:06) Áp dụng phương pháp quản lý theo kết quả trong việc đánh giá kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay - (31/03/2022 12:17) Phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng - (31/03/2022 11:53) Pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam - (31/03/2022 11:48) Phát huy hiệu quả của Quy tắc ứng xử nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công qua tham khảo Quy tắc ứng xử doanh nghiệp - (10/01/2022 10:54) Quy định về xử lý hành vi vi phạm hành chính trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng - (10/01/2022 09:55) Điểm nghẽn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam - (11/11/2021 10:02)
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Liên hệ
  • Trợ giúp

Lên đầu trang

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ KHOA HỌC THANH TRA
Giấy phép số: 149/GP-TTĐT, cấp ngày 13/08/2019
Người chịu trách nhiệm: TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Địa chỉ: 17 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội;
Điện thoại: 024.37470457; Fax: 024.37470458
Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: