1. Phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng
Về phạm vi
điều chỉnh, Nghị định quy định 2 vấn đề cơ bản: một là quy định các điều,
khoản, chương được Luật Tố cáo giao; hai là quy định các biện pháp tổ chức thi
hành Luật Tố cáo. Với mục đích đó, Điều 1 của Nghị định quy định về phạm vi
điều chỉnh của Nghị định như sau:
“Nghị định này quy định chi tiết:
1. Các chương, điều, khoản sau
đây của Luật Tố cáo:
a) Điều 30 về thời hạn giải quyết
tố cáo;
b) Điều 33 về rút tố cáo;
c) Khoản 5 Điều 38
về giải
quyết tố cáo đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết;
d) Điều 40 về công khai kết luận
nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi
phạm bị tố cáo;
đ) Chương VI về bảo vệ người tố cáo.
2. Các biện pháp tổ chức thi hành
Luật Tố cáo, bao gồm:
a) Trình tự, thủ tục giải quyết
tố cáo;
b) Xử lý thông tin có nội dung tố
cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có
thẩm quyền chuyển đến;
c) Xử lý kỷ luật đối với cán bộ,
công chức, viên chức có hành vi vi phạm”.
Về đối tượng
áp dụng, Điều 2 Nghị định xác định rõ
các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự áp dụng của Nghị định. Cụ thể, Nghị định áp dụng đối với cá nhân tố
cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên
quan trong việc giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.
2. Thời hạn giải quyết tố cáo
Điều 30
Luật Tố cáo quy định về thời hạn giải quyết tố cáo và những trường hợp được gia
hạn thời hạn giải quyết tố cáo, đó là những vụ việc phức tạp và đặc biệt phức
tạp. Để cụ thể hóa vấn đề này, Điều 3 Nghị định quy định về những trường hợp
được xác định là vụ việc phức tạp và những trường hợp được xác định là đặc biệt
phức tạp, trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ để
gia hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, vụ việc phức tạp quy định tại khoản 2, Điều 30 của
Luật Tố cáo là vụ việc có một trong các dấu hiệu sau đây:
- Tố cáo về một nội dung nhưng
phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên;
- Tố cáo có từ 02 nội dung phải
xác minh trở lên;
- Nhiều người tố cáo về cùng một
nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người;
- Tố cáo có yếu tố nước ngoài:
người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở
nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài;
- Nội dung tố cáo liên quan đến
trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức;
- Các cơ quan, tổ chức có liên
quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau;
- Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn
với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến
của các cơ quan chuyên môn.
Vụ việc đặc biệt phức tạp được quy định tại khoản 3, Điều 30, Luật Tố cáo
là vụ việc có từ 02 dấu hiệu trở lên được quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị
định. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố
cáo sẽ có căn cứ cụ thể để áp dụng việc gia hạn giải quyết tố cáo một cách
thống nhất đối với các vụ việc phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp.
3. Rút tố cáo
Điều
33 Luật Tố cáo quy định về vấn đề rút tố cáo. Để cụ thể hóa hơn về hình thức rút
tố cáo, Điều 4 Nghị định quy định: Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản, văn
bản rút tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ và tên, địa chỉ của người rút
tố cáo; nội dung tố cáo được rút, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút tố cáo.
Trường hợp người tố cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp rút tố cáo
thì người tiếp nhận lập biên bản ghi lại việc rút tố cáo và người rút tố cáo
phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản. Nếu nhiều người cùng tố cáo mà có một
hoặc một số người rút tố cáo thì từng người rút tố cáo thực hiện việc rút tố
cáo. Trường hợp tất cả những người tố cáo rút tố cáo thì người đại diện thực
hiện việc rút tố cáo bằng văn bản hoặc người tiếp nhận lập biên bản ghi lại
việc rút tố cáo có chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của những người tố cáo hoặc
của người đại diện. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố
cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác
định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố
cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo
vẫn phải được giải quyết theo quy định tại khoản 3, Điều 33 Luật Tố cáo. Người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp theo thẩm
quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp
bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật; xử lý người có hành vi đe dọa,
mua chuộc người tố cáo hoặc người lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm,
gây thiệt hại cho người bị tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Người đứng đầu cơ quan,
tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ
quan, tổ chức cấp dưới trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải
quyết
Đây là quy định mới của Luật Tố cáo nhằm đảm bảo
cho việc giải quyết tố cáo được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo đó,
Khoản 5, Điều 38 Luật Tố cáo quy định trường hợp có căn cứ cho
rằng việc giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu
hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp
giải quyết vụ việc tố cáo. Để cụ thể hóa
nội dung này, Điều 5 Nghị định nêu các căn cứ để người
đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo. Cụ thể
là, khi có một trong các căn cứ xác định việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ
chức cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì người đứng đầu cơ quan, tổ
chức cấp trên phải giải quyết tố cáo trong những trường hợp sau đây:
- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết
tố dẫn đến kết luận tố cáo không chính xác, khách quan hoặc làm sai lệch hồ sơ
vụ việc;
- Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 37 Luật Tố cáo.
Nghị định cũng quy định những trường hợp thể hiện có
dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp
dưới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố
cáo:
- Người bị tố cáo là vợ
hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con
đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao
nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo.
- Nội dung tố cáo có liên
quan trực tiếp đến vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ
hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột
của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố
cáo.
- Người được giao nhiệm
vụ xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có lợi ích liên quan trực
tiếp với người bị tố cáo.
5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố
cáo
Việc
công khai kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó, thể hiện
rõ tính công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo, xác định rõ
trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình giải quyết tố cáo, đồng thời nhằm
răn đe, giáo dục đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật. Để cụ thể hóa Điều 40 của
Luật Tố cáo, Điều 6 Nghị định quy định cụ thể hình thức công khai, thời gian
công khai kết luận nội dung tố cáo,
quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo như sau:
- Công bố tại cuộc họp ở cơ quan, tổ chức nơi người bị tố
cáo công tác hoặc ở cơ quan, tổ chức của người giải quyết tố cáo hoặc ở cơ
quan, tổ chức của người được giao xác minh với thành phần gồm người giải quyết
tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo, người bị tố cáo; người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị tố cáo công tác, cơ quan, tổ chức, cá nhân
khác có liên quan.
- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của
người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố
cáo. Thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục.
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin
nội bộ của cơ quan đã giải quyết tố cáo, cơ quan người đã ra quyết định xử lý
hành vi vi phạm bị tố cáo. Thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trên
mạng thông tin nội bộ của cơ quan giải quyết tố cáo ít nhất 15 ngày liên tục.
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, (bao
gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và cổng thông tin điện tử. Việc
thông báo trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện ít nhất 02 lần liên
tục; việc thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít
nhất 15 ngày liên tục.
6. Bảo vệ người tố cáo
Việc
bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu
tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các
cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm
pháp luật. Hơn nữa, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể
hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân. Để
củng cố niềm tin, làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày
càng gắn bó bền chặt thì việc bảo vệ người tố cáo cần được đặc biệt quan tâm,
các cơ quan nhà nước phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những những hành vi trả
thù, trù dập người tố cáo.
Luật tố cáo năm 2018 đã
dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật quy
định cụ thể các vấn đề cơ bản như: Người
được bảo vệ, phạm vi bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ, cơ quan
có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục bảo vệ, các
biện pháp bảo vệ đối với từng đối tượng được bảo vệ. Do đó, mục 2 của Chương II
Nghị định chỉ quy định cụ thể hơn về một số vấn đề nhằm làm rõ trách nhiệm của
các cơ quan khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ của người tố cáo (Điều 7, Điều 8).
Theo đó, quy định trách nhiệm của người giải quyết
tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ;
trách nhiệm của người nhận được đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ.
7. Trình tự,
thủ tục giải quyết tố cáo
Luật tố cáo chỉ quy định một cách khái quát về trình tự, thủ tục giải
quyết tố cáo. Để hướng dẫn thực hiện các quy định này của Luật tố cáo, đảm bảo
việc giải quyết tố cáo được thực hiện một cách thuận lợi và thống nhất tại các bộ,
ngành, địa phương, Mục 2 Chương III Nghị định quy định cụ thể về các hoạt động trong quá trình giải quyết tố
cáo: thụ lý tố cáo, thông báo việc thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; làm
việc trực tiếp với người tố cáo; làm việc trực tiếp với người bị tố cáo; yêu
cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu,
bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo; xác minh thực tế; trưng cầu giám
định; báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo, xử lý
kết luận nội dung tố cáo (từ Điều 9 đến Điều 18).
Ngoài ra, đối với tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ có nội dung rõ ràng,
chứng cứ cụ thể, có cơ sở để kết luận, xử lý ngay thì người giải quyết tố cáo thực
hiện theo thủ tục nhanh gọn hơn, bao gồm các bước: thụ lý tố cáo; tự mình tiến
hành xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý theo thẩm quyền
hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan,
tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo (Điều 19).
8. Về xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tố cáo do cơ
quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến
Thực tế những năm qua,
tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhiều vụ việc, thông tin có nội dung tố
cáo và tố cáo đã được các cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân
chuyển đến. Nhằm xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong
việc tiếp nhận các thông tin tố cáo từ các nguồn này, Luật Tố cáo năm 2018 đã
quy định về vấn đề tiếp nhận, xử lý
thông tin có nội dung tố cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến (Điều 25, Điều
26). Để cụ thể hóa hơn vấn đề này, Điều 20 Nghị định quy định: Khi nhận được
thông tin có nội dung tố cáo theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật Tố cáo hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ
lý do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến theo
quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 26 của Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân
tiếp nhận phải tiến hành phân loại, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc, nếu
thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì quyết định việc thanh tra, kiểm tra;
nếu thấy không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì phải chuyển thông tin
đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra,
kiểm tra.
Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm
tra và việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định
của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
có thẩm quyền nhận được thông tin có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý tố cáo
cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển thông
tin đến biết kết quả xử lý tố cáo.
9. Về xử lý kỷ luật
cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm
Thực
tế cho thấy còn không ít các hành vi vi phạm pháp luật tố cáo của cơ quan, tổ
chức, cá nhân giải quyết tố cáo, xác minh nội dung tố cáo và các cá nhân có
liên quan khác. Để đảm bảo tính răn đe, đồng thời kịp thời xử lý đối với các
hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức,
đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Nghị định đã quy định về việc xử lý kỷ
luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có các
hành vi vi phạm pháp luật tố cáo. Trước hết, Nghị định xác định về nguyên tắc xử lý hành vi
vi phạm. Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán
bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy
định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về
trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật
và quy định khác có liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử
lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên
chức (Điều 21). Nghị định cũng quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo nếu có các hành vi vi phạm trong quá trình giải quyết
tố cáo, từ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đến cách chức (Điều 22).
Về xử lý kỷ luật đối với
người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức: Những năm qua, tại nhiều cơ quan, tổ chức còn tính trạng không ít cán
bộ, công chức, viên chức lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc
người khác tố cáo; tố cáo mạo danh, lợi dụng việc tố cáo gây mất đoàn kết trong
nội bộ cơ quan… tuy nhiên các cơ quan, tổ chức còn rất khó khăn trong việc xử
lý kỷ luật các đối tượng này vì pháp luật chưa có chế tài cụ thể. Để giải quyết
vấn đề này, Điều 23 Nghị định quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của các đối tượng này. Theo đó, cán bộ, công chức,
viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần
hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính
sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ
dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để
tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường
của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
ThS. Phạm Thị Phượng
Phó
Trưởng phòng, Vụ Pháp chế, TTCP