• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Ấn phẩm
  • Thư viện
  • Liên hệ
  • Hỏi đáp
  • Mail
  • Sitemap
  • TIN TỨC
  • NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI
  • QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ
  • ĐỐI THOẠI PCTN
  • ĐỀ TÀI KHOA HỌC
  • DỰ THẢO
  • VĂN BẢN PHÁP LUẬT
  • ENGLISH
Hội nghị triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp tỉnh Sinh hoạt khoa học: “Định hướng hoạt động hợp tác phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thời gian tới” Thông báo tuyển chọn chủ nhiệm đề tài khoa học năm 2023 của Thanh tra Chính phủ Hội thảo định hướng nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Việc xác định thẩm quyền giữa các cơ quan thanh tra nhà nước - Lý luận và thực tiễn” Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Hội thảo đề tài khoa học cấp cơ sở: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống tham nhũng”
 
Pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam    
Cập nhật: 31/03/2022 11:48
Xem lịch sử tin bài

Pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước được hiểu là hệ thống các quy định pháp luật của Nhà nước, quy chế nội bộ của doanh nghiệp để đánh giá, xem xét tình hình sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo tính chân thực của báo cáo tài chính, sự tuân thủ các quy định có liên quan, phòng tránh rủi ro, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

1. Hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng

 

Pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước được hiểu là hệ thống các quy định pháp luật của Nhà nước, quy chế nội bộ của doanh nghiệp để đánh giá, xem xét tình hình sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo tính chân thực của báo cáo tài chính, sự tuân thủ các quy định có liên quan, phòng tránh rủi ro, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

 

Ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước luôn giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế. Trong những năm gần đây, trước những hạn chế, bất cập trong quản lý điều hành doanh nghiệp Nhà nước cũng như tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ trương cơ cấu lại, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện quyết tâm đó, nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành. Một cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã và đang dần được hoàn thiện trong đó có quy định pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, trước nhưng biến đổi không ngừng của thực tiễn, hệ thống các quy định pháp luật về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa phát huy được hiệu quả “kiểm soát nội bộ”, chưa là công cụ đắc lực nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của chủ thể này trên thực tế. Hạn chế của hệ thống pháp luật này có thể khát quát trên một số kía cạnh như sau:

 

Một là, phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước được nhắc đến nhiều nhưng chưa phát huy được vai trò trong bảo toàn và kinh doanh hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Quy định về phòng, chống tham nhũng nói chung và kiểm soát nội bộ nói riêng trong doanh nghiệp Nhà nước được nhắc đến nhiều ở những văn bản khác nhau, nhưng chủ yếu dừng lại ở những quy định chung chung, thiếu tính định lượng, chưa cụ thể, rõ ràng nên hiệu quả thực hiện là không cao.

 

Thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước thuộc khu vực công, do vậy, mọi giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định hiện hành đều áp dụng đối với chủ thể này. Tuy nhiên, dù thuộc khu vực công nhưng doanh nghiệp Nhà nước là chủ thể có nhiều điểm khác biệt so với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Từ góc độ địa vị pháp lý, đây là chủ thể thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội và phát triển kinh tế, yếu tố “mục tiêu phát triển kinh tế” khiến doanh nghiệp Nhà nước khác biệt với hệ thống cơ quan thuộc bộ máy hành chính Nhà nước. Đặc biệt, khi khu vực này nắm giữ nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách nhà nước. Do vậy, cơ chế phòng, chống tham nhũng trong chủ thể này cũng cần có sự khác biệt so với phòng, chống tham nhũng trong khu vực hành chính. Đó là sự cụ thể, chi tiết thậm chí là cá biệt trong từng giải pháp phòng, chống tham nhũng đối với chủ thể này. Nhất là những giải pháp liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng tài chính công như công khai minh bạch thông tin, tài chính, quy trình phê duyệt, quyết định đầu tư, chế độ định mức tiêu chuẩn,… Rất tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật vẫn chưa có những quy định cá biệt về những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, sự không tách bạch, rõ ràng giữa nhiệm vụ chính trị với mục tiêu kinh tế là nguyên nhân dẫn đến hành vi gian lận, tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp Nhà nước.

 

Hai là, quy định công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình và phòng ngừa xung đột lợi ích chưa được hoàn thiện.

 

Quy định về minh bạch thông tin để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn hạn chế. Mặc dù cơ quan có thẩm quyền đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nhưng ngay cả với tiêu chí mới nhất được ban hành tại Thông tư số 77/2021/TT-BTC thì theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiêu chí đó chưa bao quát hết các yếu tố để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, do đó chưa phản ánh hết được hay chưa đủ để có thể đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp. Ví dụ, chỉ tiêu "doanh thu năm sau phải cao hơn năm trước", Mobifone có năm doanh thu gia tăng tới 30% nên rất khó tăng cao hơn nữa[1]… Hay như việc đánh giá người quản lý doanh nghiệp dựa trên cơ sở các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà không tính đến yếu tố điều hành doanh nghiệp đúng quy định pháp luật là chưa thực sự phù hợp nhất là trong bối cảnh Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Bên cạnh đó, có một thực trạng hiện nay là chúng ta chưa có chế tài hay cơ chế để xử lý việc chủ sở hữu không báo cáo, báo cáo không đầy đủ kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Tài chính thì có tới 81/145 doanh nghiệp chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá kết quả giám sát, đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp năm 2020[2]. Đến thời điểm quá hạn báo cáo hơn 03 tháng, số doanh nghiệp được giám sát, tổng hợp và báo cáo chưa đạt 50%, đặc biệt Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng tình hình này đã lặp lại nhiều lần ở các kỳ báo cáo trước nhưng không có chuyển biến qua các năm. Ngay cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan đại diện chủ sở hữu của nhiều Tập đoàn, tổng công ty lớn cũng chưa thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

 

Bên cạnh đó, quy định hiện hành về phòng ngừa xung đột lợi ích còn hạn chế, chưa đủ mạnh để trở thành giải pháp thúc đẩy phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể là:

 

+ Quy định về nhận diện tình huống xung đột lợi ích trong văn bản pháp luật còn có sự mâu thuẫn. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định:“Xung đột lợi ích là tình huống….”[3]. Tuy nhiên, nghị định hướng dẫn thi hành[4] lại nêu ra 09 trường hợp xung đột lợi ích trong đó có đến 08 trường hợp là mô tả lại hành vi của người có chức vụ, quyền hạn chủ động vi phạm quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm (quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng), chỉ có 01 trường hợp mô tả đúng tình huống (trường hợp thứ 8: có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình). Quy định này đã tạo nên sự không rõ ràng trong cách hiểu về tình huống xung đột lợi ích.

 

Ba là, nội dung về xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản trị nội bộ trong doanh nghiệp Nhà nước còn rất hạn chế.

 

Quy định pháp luật về quản trị nội bộ doanh nghiệp Nhà nước, bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế dẫn đến hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại doanh nghiệp Nhà nước có hạn chế.

 

Bên cạnh đó, vai trò của quản trị nội bộ doanh nghiệp nói chung và kiểm soát nội bộ nói riêng được đề cập đến rất hạn chế và mờ nhạt. Trong nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước thì nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ tại doanh nghiệp chưa được quan tâm quy định cụ thể.

 

Bốn là, chưa có cơ chế để khuyến khích, bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp.

 

Quản trị doanh nghiệp hiện nay đã được thực hiện theo nhiều chuẩn mực quốc tế. Việt Nam cũng đã có những chuẩn mực riêng áp dụng với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, với doanh nghiệp Nhà nước lại chưa có những cơ chế khuyến khích hay bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo một chuẩn mực nào đó khi xây dựng quản trị nội bộ của doanh nghiệp mình.

 

Bản thân Bộ nguyên tắc quản trị của Việt Nam do SCIC xây dựng và phát triển cũng chỉ dừng lại ở mức SCIC khuyến khích áp dụng cho các công ty trong danh mục đầu tư của SCIC.

 

Có thể nói, cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Pháp luật hiện hành chưa có các quy định bắt buộc về áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế hay một quy chuẩn quản trị doanh nghiệp cụ thể nên chưa tạo áp lực, động lực cho các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện. Theo các chuyên gia thì đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống thông tin tài chính doanh nghiệp hiện nay chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan, chưa có vai trò phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước.

 

Năm là, chế tài hay cơ chế xử lý hành vi không thực hiện hay thực hiện không hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ chưa được quy định cụ thể

 

Cơ chế kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước đã có nhưng cơ chế xử lý hành vi không thực hiện hay thực hiện không hiệu quả thậm chí là xảy ra vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể. Trách nhiệm của những cá nhân thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu vốn như thế nào khi doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, vi phạm pháp luật chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật.

 

2. Giải pháp cho vấn đề

 

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa vị, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế

 

Địa vị pháp lý rõ ràng, vai trò được khẳng định là tiền đề chính trị, pháp lý để định vị mô hình tổ chức, ổn định cơ cấu tổ chức làm tiền đề cơ bản, quan trọng để thực hiện các định hướng phát triển, mục tiêu chiến lược của mọi doanh nghiệp nói chung. Một trong những nguyên nhân đã được nêu ra khi phân tích về hạn chế hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua đó là các doanh nghiệp nhà nước này đang trong quá trình tái cơ cấu tổ chức nên thường xuyên có sự thay đổi trong bố trí cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự gây nên sự mất ổn định trong tổ chức, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động KSNB gặp rất nhiều gặp khó khăn, vướng mắc và chưa phát huy được vai trò, tác dụng, ảnh hưởng đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở để doanh nghiệp đẩy mạch cải cách cần định vị rõ vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể là:

 

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Để thực hiện giải pháp này, trước hết, cần hoàn thiện xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 02 tháng 7 năm 2021­­­­­ Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu khá rõ ràng như: sau sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước chỉ hiện diện trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư…. , Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg cũng đã đưa ra tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp thuộc diện phải sắp xếp lại, cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu. Để hiện thực hóa chủ trương này cũng như tạo tiền đề, điều kiện pháp lý cho quá trình sắp xếp lại, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước tạo khung pháp lý cho các Bộ ngành, địa phương rà soát để có định hướng sắp xếp. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành có liên quan trong sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chí phân loại để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn triển khai việc cơ cấp lại, sắp xếp lại. Đồng thời cần có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp doanh nghiệp giữa các bộ, ngành, địa phương.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đặc biệt là những quy định liên quan đến định giá đất đai, định giá tài sản trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường theo định hướng:

 

+ Tạo cơ chế độc lập cho các tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp.

 

+ Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp.

 

+ Quy định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn nhà nước.

 

+ Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị để cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp.

 

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường

 

+ Hoàn thiện quy định về phân loại doanh nghiệp Nhà nước để làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế quản lý tài chính riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích và doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh.

 

+ Hoàn thiện cơ chế đối với doanh nghiệp Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao để tạo ranh giới rõ ràng giữa nhiệm vụ chính trị - xã hội với mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp đồng thời bảo đảm không ảnh hưởng và không làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.

 

+ Hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

+ Hoàn thiện quy định về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp Nhà nước, xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,...

 

- Tiến hành rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đánh giá hiệu quả thực hiện vai trò người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Cụ thể là:

 

+ Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí cùng cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Rà soát, tổng hợp, phân tích bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước hiện hành để đề xuất phương án hoàn thiện theo hướng tiêu chí phải bao quát hết các yếu tố thích hợp để đánh giá hiệu quả hoạt động, để bộ tiêu chí thực sự là công cụ hữu hiệu phản ánh hết các mặt hoạt động của doanh nghiệp.

 

+ Hoàn thiện tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện vai trò người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp.

 

Việc đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và các tiêu chí: Mức độ hoàn thành chỉ tiêu cơ quan đại diện chủ sở hữu giao về lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; Kết quả xếp loại doanh nghiệp; Mức độ hoàn thành kế hoạch cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích). Theo chúng tôi, dưới góc độ phòng, chống tham nhũng, việc đánh giá kết quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp cần theo hướng đánh giá tổng thể dưới góc độ người điều hành doanh nghiệp Nhà nước. Bởi lẽ, đặc thù của doanh nghiệp Nhà nước là không chỉ thực hiện mục tiêu kinh tế mà còn có nhiệm vụ chính trị - xã hội, là nòng cốt cho nền kinh tế. Với vai trò đứng đầu, chịu trách nhiệm việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm đạt mục tiêu kinh tế mà còn đảm bảo cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện được mục tiêu chính trị - xã hội mà trước hết là trách nhiệm “thực hiện đúng quy định pháp luật” trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng và yếu tố xây dựng đạo đức liêm chính trong doanh nghiệp. Do vậy, việc hoàn thiện đánh giá kết quả hoạt động của Người quản lý doanh nghiệp ngoài yếu tố quan trọng đã được đề cập trong Nghị định số 87/2015/NĐ-CP cần tính đến các yếu tố tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về quản trị doanh nghiệp, về chế độ thông tin báo cáo. Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, đưa doanh nghiệp Nhà nước hoạt đông theo cơ chế thị trường, đề đạt mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế thì có thể cân nhắc đưa tiêu chí xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quy tắc ứng xử và đạo đức trong doanh nghiệp là một yếu tố bổ sung khi đánh giá hiệu quả hoạt động của người quản lý doanh nghiệp.

 

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước

 

- Hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng với đối tượng chủ thể là doanh nghiệp Nhà nước. Pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay chưa có những quy định phòng, chống tham nhũng cá thể hóa cho đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước. Theo chúng tôi, việc có những quy định áp dụng cụ thể với đối tượng doanh nghiệp Nhà nước cần được xem xét hoàn thiện. Bởi lẽ, đây là chủ thể thuộc khu vực công nhưng trực tiếp quản lý và sử dụng một lượng rất lớn vốn, tài sản của Nhà nước, cơ hội hay điều kiện để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát vốn Nhà nước và rất lớn. Việc áp dụng những quy định chung về phòng, chống tham nhũng áp dụng cho hệ thống hành chính Nhà nước với doành nghiệp Nhà nước là chưa thực sự hợp ý. Trong khi pháp luật phòng, chống tham nhũng đã điều chỉnh đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì cũng cần cân nhắc việc có những quy định với đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước.

 

Một số vấn đề cần có quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước là: (i) Quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước và từng chủ thể trong nội bộ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tham nhũng. (ii) Hoàn thiện quy định về minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp Nhà nước.

 

- Hoàn thiện pháp luật về quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước và triển khai có hiệu quả trên thực tế hoạt động quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp Nhà nước.

 

+ Rà soát, hoàn thiện quy định để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp trực tiếp, cụ thể hơn khắc phục tình trạng giám sát gián tiếp thông qua báo cáo; cơ quan quản lý thực hiện phương thức giám sát sau thiếu tính kịp thời, hiệu quả kém như hiện nay. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện công khai thông tin của các doanh nghiệp và các cơ quan chủ sở hữu, gắn với chế tài cụ thể và đủ mạnh.

 

+ Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Phần mềm Cơ sở dữ liệu thanh tra, liên thông kết nối với các cơ sở dữ liệu trong ngành Tài chính (Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Tài chính doanh nghiệp...).

 

+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này;

 

- Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ cho hoạt động quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; tạo cơ chế đồng bộ và hiệu quả phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời góp phần bảo đảm hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp Nhà nước.

 

Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp Nhà nước

 

- Hoàn thiện quy định pháp luật về quản trị nội bộ doanh nghiệp Nhà nước.

 

+ Hoàn thiện quy định về bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, cơ chế bổ nhiệm, giám sát đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế thực hiện quyền của người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vừa đảm bảo tính minh bạch trong quy trình quản lý cán bộ đối với chủ thể này, vừa đảm bảo tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

 

+ Hoàn thiện cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại doanh nghiệp Nhà nước.

 

+ Hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Hiện nay, cơ chế quản trị nội bộ đã có những chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, việc xây dựng pháp luật trong nước là không cần thiết mà nên quy định mở theo hướng buộc các doanh nghiệp phải hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn này. Pháp luật trong nước nên quy định cơ chế đảm bảo thực hiện, đó là những ưu đãi đối với DN áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, mức ưu đãi sẽ tùy thuộc mức độ đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.

 

- Hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện hoạt động kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp Nhà nước theo hướng: (i) Quy định nguyên tắc về sự độc lập của thành viên ban kiểm soát (với doanh nghiệp thiết lập Ban kiểm soát nội bộ); (ii) Quy định bắt buộc về xây dựng báo cáo hằng năm về hoạt động kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp Nhà nước; (iii)  Quy định bắt buộc về đánh giá rủi ro trong doanh nghiệp./.

 

TS. Phạm Thị Huệ
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra


[1] Xem https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/lay-tieu-chi-kinh-doanh-lam-thuoc-do-hieu-qua-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-373793/

[2] Theo số liệu tại Báo cáo số 10373/BTC-TCDN ngày 10/9/2021 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2020.

[3] Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

[4] Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Về trang trước Bản in Gửi email Lên đầu trang

Các tin đã đọc
Bàn về mối liên hệ giữa xung đột lợi ích và tham nhũng - (27/06/2022 09:39) Giám sát của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức - (27/06/2022 09:27) Những kết quả đạt được trong thực thi Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Việt Nam - (27/06/2022 09:23) Tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, y tế công - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp - (27/06/2022 09:17) Các điều kiện bảo đảm thực hiện vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - (27/06/2022 09:06) Áp dụng phương pháp quản lý theo kết quả trong việc đánh giá kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay - (31/03/2022 12:17) Phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng - (31/03/2022 11:53) Phát huy hiệu quả của Quy tắc ứng xử nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công qua tham khảo Quy tắc ứng xử doanh nghiệp - (10/01/2022 10:54) Quy định về xử lý hành vi vi phạm hành chính trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng - (10/01/2022 09:55) Điểm nghẽn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam - (11/11/2021 10:02)
  • Trang chủ
  • Sitemap
  • Liên hệ
  • Trợ giúp

Lên đầu trang

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ KHOA HỌC THANH TRA
Giấy phép số: 149/GP-TTĐT, cấp ngày 13/08/2019
Người chịu trách nhiệm: TS. Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Địa chỉ: 17 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội;
Điện thoại: 024.37470457; Fax: 024.37470458
Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: