Phát huy vai trò của Thanh tra Chính phủ giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay    
Cập nhật: 22/05/2023 11:02
Xem lịch sử tin bài

Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay (như: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí) là những vấn đề lớn, phức tạp, có tính độc lập tương đối song có mối quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết với nhau.

1. Đặt vấn đề 

 

 
Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay (như: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí) là những vấn đề lớn, phức tạp, có tính độc lập tương đối song có mối quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết với nhau.

 

Một nền dân chủ đúng nghĩa, đích thực là nền dân chủ thể hiện đầy đủ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân và những điều kiện bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, các quyền này phải được khẳng định ở Hiến pháp và được cụ thể trong các văn bản pháp luật. Thực hành dân chủ một cách đầy đủ là biến những quy định pháp luật về quyền đó trở thành hiện thực. Tất nhiên không có quyền dân chủ chung chung hay tuyệt đối, mà nó phải đặt trong những điều kiện cụ thể, hoàn cảnh nhất định.

 

Thực hiện dân chủ phải đặt trong mối quan hệ với kỷ cương, pháp chế (đó là kỷ cương, pháp chế đích thực). Thực hiện dân chủ một cách đầy đủ một mặt nào đó chính là tăng cường pháp chế, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội và những vấn đề khác có liên quan.

 

Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là biểu hiện tập trung sâu sắc, là tiền đề, cơ sở của việc thực hành dân chủ một cách đầy đủ, sinh động, đúng nghĩa của nó. 

 

Nếu không có hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn thiện, văn minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển thì không thể có nền dân chủ đầy đủ, đúng nghĩa và đương nhiên không thể có việc thực hiện dân chủ một cách thiết thực, hiệu quả.

 

Bên cạnh đó chỉ có hệ thống pháp luật, song thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện, các cơ quan nhà nước, đội ngũ công chức không chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thì cũng không thể có dân chủ, không thể thực hiện dân chủ một cách đầy đủ, thiết thực, hiệu quả.

 

2. Vai trò của Thanh tra Chính phủ trong thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay 

 

Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ xác định vai trò của cơ quan này trong thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay.

 

Ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ vừa mới thành lập của nước ta đã phải đối mặt với vô vàn thử thách, khó khăn, phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp. Vừa phải hoàn thiện bộ máy nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật, vừa phải đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Mặc dù vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã ý thức được sự cần thiết, tầm quan trọng thành lập cơ quan đặc biệt để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, ý kiến của người dân; giám sát việc làm, xem xét sự liêm chính của các nhân viên trong bộ máy chính quyền. Vì vậy, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban thanh tra đặc biệt (mà tiền thân là Thanh tra Chính phủ hiện nay) và xác định chức trách, nhiệm vụ được giao: Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ; có quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu, giấy tờ của Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ; có quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ đã phạm lỗi…

 

Kể từ năm 1945 đến nay cơ quan thanh tra không ngừng được phát triển và hoàn thiện với tên gọi, mô hình tổ chức, quy mô khác nhau, đến nay đã trở thành hệ thống quy mô từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành, địa phương. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, Người thường xuyên đến thăm và có những bài nói chuyện, huấn thị về công tác thanh tra. Người đã từng nói: Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới. Đó là câu nói khái quát nhưng hàm chứa nội dung quan trọng, thanh tra là công cụ, là tai mắt giúp các cơ quan Nhà nước, thủ trưởng cấp trên theo dõi, kiểm tra, giám sát, nắm bắt việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cấp dưới. Song thanh tra còn phải thấy được những khó khăn, vướng mắc của cấp dưới, thậm chí oan khuất của người dân để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo, kịp thời.

 

Hiện nay các cơ quan Thanh tra Nhà nước nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng có chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, phòng, chống tham nhũng; thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng.

 

Bằng thực tiễn hoạt động của mình, Thanh tra Chính phủ có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và phòng, chống tham nhũng.

 

Thanh tra Chính phủ có vai trò rất lớn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội cũng như phòng, chống tham nhũng.

 

3. Phát huy vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và những vấn đề trong tình hình hiện nay

 

3.1. Thanh tra Chính phủ làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tiếp công dân, đồng thời bảo đảm trật tự, kỷ cương trong công tác tiếp công dân

 

- Thanh tra Chính phủ chủ động và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan, tổ chức khác tổ chức tốt việc tiếp công dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả quyền dân chủ của mình thông qua việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh. 

 

Đón tiếp chu đáo, tôn trọng, lắng nghe, tiếp nhận đầy đủ, kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân về hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, cản trở thực hiện quyền dân chủ của người dân. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, giải thích để người dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật, không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối, mất trật tự trị an.

 

- Xem xét, tiếp nhận kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cơ quan báo chí chuyển đến. Đối với trường hợp đưa tin, phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực từ báo chí thì Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, phân tích, đánh gía sàng lọc tính chính xác để xem xét, xử lý cho phù hợp. Trường hợp đưa tin, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật có căn cứ, có cơ sở nhưng không rõ người tố cáo cũng như tố cáo về nội dung vụ việc, về hành vi vi phạm, người vi phạm thì sử dụng, phục vụ vào việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. 

 

- Xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp, trên cơ sở tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài phải chủ động, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức tiếp, lắng nghe đầy đủ ý kiến của người dân, thu thập các thông tin, tài liệu, bằng chứng về nội dung vụ việc, đánh giá đầy đủ, khách quan tính chất vụ việc, mức độ vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; khi cần thiết tổ chức đối thoại công khai, dân chủ với người đi khiếu kiện. Trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý, giải quyết đầy đủ, hiệu quả các vấn đề liên quan đến nội dung vụ việc.

 

Không được nôn nóng, máy móc, cứng nhắc trong việc xem xét xử lý đối với vụ việc đông người, phức tạp cũng như xử lý đối với những người tham gia khiếu kiện. Cần phải phân hóa đối tượng tham gia, đối với trường hợp cầm đầu, lợi dụng, lôi kéo người khác phải xử lý nghiêm. Đối với người bị lôi kéo, kích động thì có chính sách khoan hồng phù hợp. 

 

Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp vận động, thuyết phục người dân trở về địa phương, không tụ tập đông người tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan ở Trung ương, không có hành vi gây rối, vi phạm trật tự an ninh, an toàn xã hội. 

 

Có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo, người thân thích của họ đã tích cực đấu tranh để tránh bị trả thù, trù dập. Các biện pháp bảo vệ về thông tin, bí mật về người tố cáo, về vị trí việc làm, về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố cáo… 

 

Áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp bảo đảm trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để gây rối, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, trị an khi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 

 

- Tiếp nhận, xử lý có trách nhiệm đối với kiến nghị, phản ánh, đóng góp của người dân: Các kiến nghị, phản ánh tâm huyết của công dân về quy định pháp luật, cơ chế chính sách, pháp luật, đề xuất có trách nhiệm, mang tính xây dựng về giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, mở rộng dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… phải trân trọng, lắng nghe, tiếp nhận, có giải pháp cụ thể, thiết thực để xem xét, giải quyết và trả lời công dân.

 

3.2. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng 

 

Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần phải:

 

 - Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, trở thành điểm nóng. Tiến hành các cuộc thanh tra đối với vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí diễn ra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương, nhất là các vi phạm đến quyền, lợi ích, quyền dân chủ của công dân, tổ chức.

 

Trong quá trình giải quyết tập trung đánh giá bản chất vụ việc, xác định nguyên nhân chính, chủ yếu dẫn đến vi phạm, khiếu kiện. Kết luận làm rõ các vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Giải quyết đầy đủ, thỏa đáng quyền, lợi ích của người dân; có các giải pháp ổn định tình hình, bảo đảm đời sống cho nhân dân. 

 

- Đổi mới phương pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo, cách thức tiến hành thanh tra, bảo đảm nhanh, gọn, đơn giản, hiệu quả. Việc tiến hành thanh tra đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng thanh tra giải trình về những việc làm của mình, không được áp đặt, truy chụp, thiếu cơ sở, thiếu căn cứ. Việc kết luận phải căn cứ vào quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, không sơ cứng, máy móc.

 

- Đối với hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải kịp thời xem xét, kết luận, làm rõ. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị theo thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm của cơ quan,  tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm, nhất là các hành vi vi phạm quyền dân chủ của người dân, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Việc xử lý người vi phạm, bảo đảm khách quan, minh bạch, không phân biệt vị trí, chức vụ, không có vùng cấm. Công khai việc xử lý đối cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm để nhân dân, giám sát, kiểm tra.

 

- Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở có những biện pháp ổn định tình hình, khắc phục hậu quả xảy ra, củng cố tổ chức quần chúng, phát huy vai trò của người dân ổn định cuộc sống, tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa người dân với chính quyền cơ sở.

 

- Công khai, minh bạch kết luận, quyết định giải quyết, xử lý vi phạm trong các vụ việc khiếu nại, tố cáo, vụ việc tham nhũng, người có hành vi tham nhũng, tiêu cực trên các phương tiên thông tin đại chúng, bằng các hình thức theo quy định. công khai, minh bạch việc để nhân dân giám sát, kiểm tra.

 

- Phát hiện những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý, bất cập, hạn chế của cơ chế, chính sách, pháp luật không phù hợp thực tiễn, cản trở tự do, dân chủ, việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đề xuất các kiến nghị giải pháp vừa mở rộng dân chủ, song bảo đảm trật tự, kỷ cương.

 

- Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc xem xét, giải quyết vụ việc, xử lý trách nhiệm đối tượng vi phạm do Trung ương Đảng quản lý. Phối hợp với cơ quan Điều tra trong việc xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm, dấu hiệu cấu thành tội phạm tham nhũng để xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, không để sót, để lọt tội phạm.

 

- Xử lý nghiêm những cán bộ thanh tra khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiều, gây khó khăn, phiền hà, có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

 

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tổ cáo, kiến nghị, phản ánh, thanh tra, phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, ngành địa phương; kịp thời phát hiện sai phạm có biện pháp chấn chỉnh, nhắc nhở nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác này.

 

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, kết luận và quyết định xử lý về tham nhũng, bảo đảm kết luận, quyết định xử thực được thi hành đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh. Trường hợp không thực hiện, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, bao che dung túng vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

 

- Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan. Tập trung vào những quy định tăng cường tính công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò người dân, tổ chức xã hội trong giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò xã hội, cơ quan báo chí, người dân trong việc phát hiện, đưa tin về các vụ việc tham nhũng, cản trở việc thực hiện dân chủ.  

 

TS. Nguyễn Văn Kim

Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế, TTCP

 

                                                                                            

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: