Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, thu hồi đất là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với đất đai trên phạm vi cả nước thực hiện hoạt động thu hồi đất. Tuy nhiên, đây là một hoạt động rất nhạy cảm đối với xã hội vì thông thường người sử dụng đất không muốn bị thu hồi. Vì vậy, nhà nước phải giải mã, minh định rạch ròi giữa nội dung quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai với nội dung quản lý nhà nước về đất đai để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo về các chức năng này. Kiểm soát tốt quyền lực nhà nước thông qua hoạt động thu hồi đất sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất đai, giảm nguy cơ tiềm ẩn lạm dụng, tha hóa quyền lực, tham nhũng trong quá trình thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Trong những năm qua, quá trình thu hồi đất đã đạt được hiệu quả nhất định góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, quá trình này còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến những bất bình trong nhân dân và nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ do không giải quyết được vấn đề đất đai. Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do nhiều chủ thể mang quyền lực nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong thu hồi đất đai như việc lạm dụng quyền lực và đùn đẩy trách nhiệm khi thu hồi đất đai… Đây là những vấn đề đang đặt ra và cần thiết phải nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay.
Theo Thuyết minh, Đề tài hướng tới mục tiêu nhằm đánh giá, hoàn thiện những quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn. Đề tài dự kiến nghiên cứu một số nội dung chính như sau: i) Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất; ii) Thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay; iii) Định hướng, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay.

Trong phần nhận xét của Hội đồng, ông Nguyễn Cảnh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên phản biện cho rằng, việc nghiên cứu đề tài là rất cần thiết, tuy nhiên, về tính cấp thiết, cần bổ sung nội dung Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, việc lạm dụng quyền lực trong thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân; nêu những sai phạm về đất đai trong thời gian qua, điểm danh những vụ việc nổi cộm, phức tạp để đề xuất căn cứ nghiên cứu… Về nội dung nghiên cứu, theo ông Nam, phần lý luận cần bổ sung thêm cơ sở chính trị, pháp lý của kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất; bổ sung thêm quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất. Phần thực trạng cần được điều chỉnh lại các nội dung nghiên cứu theo hướng bám sát vào các khâu của thu hồi đất dễ phát sinh lạm quyền trong thu hồi đất.
Phát biểu với vai trò là Ủy viên Hội đồng, TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho rằng, qua nghiên cứu hồ sơ tuyển chọn đề tài cho thấy, Chủ nhiệm Đề tài là người có trình độ, năng lực, đáp ứng điều kiện nghiên cứu. Về tính cấp thiết, Đề tài bổ sung thêm nội dung kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất; thực trạng quy định pháp luật, quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước về vấn đề này; các nguy cơ lạm dụng quyền lực trong thu hồi đất; cần luận giải việc thu hồi đất được thực hiện trong những trường hợp nào… Về nội dung nghiên cứu, phần lý luận, Đề tài cần làm rõ hơn nội hàm kiểm soát quyền lực qua quy định pháp luật, qua các biện pháp bảo đảm như thanh tra, tòa án; chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của hoạt động kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất; bổ sung kinh nghiệm nước ngoài trong thu hồi đất. Phần thực trạng, không chỉ đánh giá các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất mà Đề tài cần đánh giá thêm quyết định hành chính, đây là vấn đề quan trọng trong đánh giá thực trạng quy định trong thu hồi đất; chỉ ra tiêu chí, nội dung để đánh giá trong phần này. Phần giải pháp, Đề tài cần cụ thể hơn các định hướng giải pháp, quy định về đất đai, về hỗ trợ đền bù, hoàn thiện các vấn đề về công chức, công vụ; hoàn thiện quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải pháp về mặt nhận thức và tổ chức thực hiện.
Theo TS. Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT - Ủy viên thư ký cho rằng, mục tiêu của đề tài cần làm sáng tỏ việc kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan và đề xuất các giải pháp kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất. Về nội dung nghiên cứu, Phần lý luận cần làm rõ đặc trưng cơ bản của kiểm soát quyền lực; trình tự, thủ tục của thu hồi đất; vai trò ý nghĩa, yếu tố ảnh hưởng của kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất và có thể bổ sung thêm kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này. Phần thực trạng, Đề tài đánh giá thực trạng về chính sách, pháp luật liên quan đến thu hồi đất và thực trạng hoạt động thu hồi đất hiện nay, cần phân tích một số vụ việc cụ thể đã xảy ra trên thực tế. … để có cơ sở đánh giá thực trạng thu hồi đất hiện nay. Phần giải pháp, đề xuất giải pháp về hoàn thiện pháp luật về đất đai, thanh tra, phòng chống tham nhũng và pháp luật liên quan; các giải pháp về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thu hồi đất; các giải pháp về tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất ứng dụng kết quả đề tài vào thực tiễn.
Phát biểu với tư cách Chủ tịch Hồi đồng, đồng thời, tổng kết các ý kiến của các thành viên Hội đồng, TS. Trần Văn Sơn - Hàm Vụ trưởng, Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài là rất cần thiết; Chủ nhiệm đề tài có nhiều công trình nghiên cứu, có trình độ năng lực, đủ điều kiện nghiên cứu đề tài. Về tính cấp thiết, Đề tài cần viết lại rõ hơn về quyền sử dụng đất của người dân, việc lạm dụng quyền lực trong thu hồi đất dẫn đến nhiều hệ lụy như xâm phạm quyền lợi người dân, suy giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, gây bất ổn chỉnh trị xã hội… do đó, nghiên cứu đề tài cần làm rõ cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, khẳng định uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, giúp ổn định chính trị xã hội, củng cố lòng tin của dân với chính quyền… Về nội dung kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất, Đề tài có thể làm rõ các nội dung, từ việc lập quy hoạch, ban hành kế hoạch sử dụng đất; quyết định thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; và vấn đề cưỡng chế - biện pháp bảo đảm thực hiện trong thu hồi đất… Về phương thức kiểm soát, dựa vào lý thuyết kiểm soát quyền lực, cần nghiên cứu năm phương thức như sau: Kiểm soát các hoạt động giám sát; thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoạt động xét xử các vụ án hành chính của Tòa án. Về nội dung nghiên cứu, về lý luận, tên chương I nên được đổi thành “Một số vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất”, ngoài những nội dung đã nêu, trong phần này cần bổ sung quan điểm của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất; Về thực trạng, Đề tài nghiên cứu theo hướng phân tích thực trạng quy định pháp luật và thực trạng việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất theo năm phương thức nêu trên. Về giải pháp, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về đất đai, thanh tra, phòng, chống tham nhũng… và đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất.
Kết thúc buổi họp, với những nội dung nghiên cứu được đưa ra và trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên, Hội đồng thống nhất phê duyệt Thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu trong năm 2021-2022./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng