1. 1. Sự thay đổi chức năng của nhà nước trong bối cảnh mới
Xã hội ngày nay vận động nhanh hơn rất
nhiều. Thời đại thông tin đòi hỏi “sức ép
đòi phải ra quyết định nhanh hơn giáng mạnh thẳng vào tính phức tạp thêm và
tính xa lạ thêm của môi trường mà người ta phải ra quyết định về nó” - như
Alvin Toffler đã viết. Kết quả là “sự quá
tải nặng nề về các quyết định - nói một cách vắn tắt là cú sốc tương lai về
chính trị”.
Cũng chính tác giả đã dự liệu một trong cácxu hướng của nhà nước trong tình thế
này, đó là bắt đầu giảm gánh nặng quyết định bằng cách chia sẻ nó với nhiều người
hơn nữa, cho phép “khu vực dưới hoặc “vùng ngoại vi” đề ra nhiều quyết định hơn
nữa, chứ không tập trung chúng vào những trung tâm đã quá căng thẳng và hoạt động
không tốt. Đó chính là nguồn gốc của
sự tham gia.
Sự tập trung ngày càng cao vào tay nhà
nước không làm cho quá trình ra quyết định kịp thời và hợp lý hơn, trái lại việc
phi tập trung hoá tạo ra sự thích ứng dễ dàng hơn với tình hình đang thay đổi
và đây chính là nhu cầu gia tăng sự tham gia - xuất phát từ hiện tượng phân quyền,
trao quyền của nhà nước hiện đại.
Phân cấp, phân quyền là tác nhân trực
tiếp thúc đẩy sự tham gia. Thứ nhất, việc phân cấp trao
quyền làm cho quyết định được đưa đến gần hơn với cộng đồng. Thứ hai, phân cấp
trao quyền làm gia tăng các cơ quan ra quyết định:
nhiều thiết chế tư vấn mới, dưới hình thức các hội đồng hoặc các ủy ban chuyên
môn - trong đó công dân trực tiếp đảm nhiệm – đã hình thành. Thứ ba, việc phân
cấp, phân quyền dẫn đến khả năng giới hạn các quyết định trong phạm vi địa giới
hành chính – và với địa giới này thì sự tham gia của người dân tích cực hơn nhiều.
Sự tham gia cũng là kết quả tất yếu của
mô hình quản trị nhà nước mới. Nhà nước toàn trị, tập trung chỉ còn trong quá
khứ, hiện nay mô hình nhà nước điều tiết đã dần thay thế với các đặc tính như:
phân quyền, tư nhân hoá; đánh giá chi phí, quản lý có sự tham gia. Các kỹ thuật
được sử dụng ngày càng nhiều là hợp đồng, đối tác công tư; thoả thuận.v.v. đólà
các kỹ thuật thôi thúc sự tham gia.
2. Các hình thức đa dạng của sự tham gia
Sự đa dạng của các hình thức tham gia
cũng tương thích với sự đa dạng về quan niệm thực hành dân chủ. Về mặt học thuật
thường người ta chia ra các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Dân chủ trực tiếp - với ý tưởng của
Jean Jacques Rousseau cho rằng nền dân chủ lý tưởng là thông qua việc tham gia
trực tiếp của người dân hầu như trong tất cả các vấn đề của cộng đồng. Theo đó,
sự tham gia của các thành viên của cộng đồng sẽ làm bộc lộ ý chí chung của tất
cả, và rằng phương thức tốt nhất để ra quyết định chính là nguyên tắc đa số đơn
giản. Tuy nhiên đến ngày nay mô hình của chính quyền địa phương đã quá lớn nên
khó có thể cho phép một sự tham gia trực tiếp như vậy. Mô hình tham gia lý tưởng
đó đã vĩnh viễn qua rồi, bởi trong một quốc gia không thể mỗi công dân đều làm
công việc lập pháp.
Bởi vậy các học giả hiện đại thường nói về dân chủ đại diện - theo đó là “hình thức dân chủ tốt nhất, khả thi nhất mà
chúng ta có thể hy vọng”: người dân lựa chọn người có thẩm quyền ra quyết định
thay cho cả cộng đồng - từ trong số các ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị.
Cũng có cách phân chia sự tham gia
thành: tham gia truyền thống và tham gia tăng cường (IDEA). Tham gia truyền thống
bao gồm:
+ dân chủ đại diện;
+ ứng cử;
+ bầu cho ứng cử viên;
+ hoạt động trong các đảng chính trị;
+ giám sát bầu cử; liên lạc với các
quan chức;
+ tham gia vào tiến trình lập pháp hoặc
hoạch định chính sách chính thức
Tham gia tăng cường bao gồm:
+ Dân chủ trực tiếp;
+ Sáng kiến công dân;
+ Thu thập thông tin;
+ Tham vấn;
+ Ra quyết định cộng đồng;
+ Cơ chế giải quyết tranh chấp và nỗ lực
xây dựng hoà bình;
+ Tham gia vào các tiến trình xã hội
dân sự.
Dù cách phân loại có đa dạng nhưng
trên thực tiễn, ở các quốc gia hiện đại, các hình thức tham gia thường được liệt
kê bao gồm:
- Bầu cử
Là hình thức tham gia quan trọng nhất
vì thông qua bầu cử người dân thể hiện chính kiến mình; có thể thay đổi chính
quyền; quyết định những chính sách lớn của quốc gia (trong trường hợp trưng cầu
dân ý). Bầu cử là chủ đề được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất trong số các hình
thức tham gia của nhân dân. Ý nghĩa của bầu cử vượt ra khỏi khuôn khổ của sự
tham gia: thông qua bầu cử, các quốc gia thực hiện việc chuyển đổi sang một chế
độ dân chủ. Nói cách khác bầu cử là công cụ không thể thiếu của tiến trình dân
chủ hoá.
- Trưng cầu dân ý: tầm quan trọng của
phương thức tham gia này thể hiện ở chỗ người dân có tiếng nói trực tiếp vào
các chính sách hay quyết định quan trọng. Các cử tri có quyền bỏ phiếu trực tiếp
để quyết định các vấn đề của quốc gia hay địa phương, theo đề nghị của cơ quan
có thẩm quyền về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả của trưng cầu dân ý
có thể là ràng buộc về mặt pháp lý hoặc có thể được sử dụng cho mục tiêu tham vấn
- tuỳ theo quy định trong Hiến pháp, pháp luật của quốc gia.
- Sáng kiến công dân: là việc cử tri
được bỏ phiếu về một vấn đề chính trị, pháp lý - được đề xuất bởi một số công
dân, chứ không dựa trên đề xuất của Chính phủ, cơ quan lập pháp hay cơ quan
công quyền khác.
- Sáng kiến chương trình nghị sự: công
dân qua thủ tục này có thể đặt một vấn đề cụ thể vào trong Chương trình nghị sự
của Quôc hội hoặc cơ quan lập pháp địa phương. Để có sáng kiến chương trình nghị
sự - cũng giống như sáng kiến công dân – cần có một tập hợp các chữ ký tối thiểu
của người dân theo quy định của pháp luật, mới có thể chuyển được sáng kiến đó
tới cơ quan lập pháp.
- Bãi miễn chức danh dân cử: thủ tục
này cho phép cử tri bỏ phiếu về việc có nên kết thúc nhiệm kỳ của mọt chức danh
dân cử hay không. Kết quả bãi miễn luôn có tính bắt buộc, tuy nhiên để có thể tổ
chức bãi miễn thì cần có đủ chữ ký của số lượng công dân theo quy định trong
pháp luật.
- Tham gia thông qua các hiệp hội - tự
do hiệp hội: tham gia vào hiệp hội; nghiệp đoàn, đảng phái.
- Tham gia trực tiếp thông qua các
hình thức khác của đời sống thường ngày:
+ Biểu tình, đình công, khiếu nại
+ Tham gia vào các
ban, tổ của cộng đồng;
+ Tham gia vào xét xử:
Hội thẩm nhân dân;
+ Tham gia thông qua
quyền được thông tin;
+ Tham gia vào điều
tra công cộng;
+ Tham gia vào các cuộc
tham vấn cộng đồng; các cuộc tranh luận côngchúng; hội nghị công dân; hiệp
thương;
+ Tham gia thông qua việc người dân trở
thành thành viên tình nguyện cho các hoạt động: cứu hoả; quân đội; thành viên của
dịch vụ công dân; tình nguyện viên quốc tế.v.v.
Các hình thức tham gia trực tiếp dường như càng ngày
càng phong phú, nhưng theo các học giả thì chúng vẫn chỉ được coi như là sự bổ
sung cho dân chủ đại diện.
Sự phát triển của tham gia trực tiếp không hề gây tổn hại đến hệ
thống đại diện. Hai nguyên tắc chính trị này không phải mâu thuẫn nhau mà bổ
sung cho nhau để đảm bảo sự gắn kết và hiện đại hoánền chính trị hiện đại.Tuy
nhiên trên thực tế, nhà nước liên tục phải đối mặt với một khó khăn: tìm điểm
cân bằng giữa một mặt, một bí mật nhất định cần thiết cho các quyết định phát
sinh từ quá trình của chính phủ và mặt khác, sự cởi mở và công khai - thành tố
của xã hội dân chủ.
Các
xu hướng nổi bật của sự tham gia hiện nay:
- Thứ nhất: có thể quan sát thấy sự suy giảm của các hình thức
tham gia truyền thống. Điển hình là các cuộc bầu cử, có sự sụt giảm về người
tham gia. Người ta thường nói đến sự hạn chế và không thoả mãn của quần chúng đối
với các hình thức dân chủ truyền thống như đảng phái và nghiệp đoàn công đoàn.Quan
sát thực tiễn của các chuyên gia về dân chủ và bầu cử cho thấy: sự tập trung
vào các cuộc bầu cử và sự khác biệt sâu sắc giữa các cương lĩnh chính sách của
các chính trị gia đã tạo nên khoảng cách giữa người dân và các quan chức và làm
tăng thêm sự chia rẽ giữa các nhóm xã hội. Hậu quả là công dân bình thường trở
nên thờ ơ và rút lui khỏi lĩnh vực chính trị. Dấu hiệu dễ nhận thấy là số lượng
người đi bầu cử thấp: theo báo cáo của IDEA quốc tế thì “tỷ lệ đi bầu trung bình trong các cuộc bầu cử kể từ năm 1990 đã giảm xuống
64%”.
Nhưng bù vào đó là các hình thức tham
gia dân mới đang nổi lên đặc biệt là trên Internet, đó là "nền dân chủ điện
tử". Công nghệ thông tin có thể làm biến đổi khái niệm về sự tham gia.
- Thứ hai: nhờ internet và mạng xã hội,
các kiến nghị được đưa ra,các cuộc biểu tình hay các sự kiện cộng đồng được tổ
chức để bảo vệ cho các vấn đề về môi trường, quyền của người nước ngoài hoặc thậm
chí các giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thậm chí ở một số quốc gia, đã thử
nghiệm trưng cầu dân ý điện tử. Ở Thuỵ Sĩ, cuộc trưng cầu dân ý bằng hình thức
điện tử đầu tiên được áp dụng vào ngày 14 tháng 1 năm 2003 trong cộng đồng
thành phố Anières ở bang Geneva. Kể từ đó các cuộc bỏ phiếu điện tử đã dần thực
hiện trong các cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia ở một số bang khác.
Ở những mức độ tối thiểu, các chính
quyền địa phương hiện nay thường sử dụng internet để trao đổi thông tin về các
chương trình, quy định, chính sách, dịch vụ công, thông tin liên lạc. Cổng thông
tin điện tử của chính quyền có thể cho phép người truy cập tìm ra thông tin
chính sách một cách dễ dàng và nhanh nhất. Một số quốc gia đã thử nghiệm mô
hình đào tạo trực tuyến, các khoá học và ứng dụng thực tế - ví dụ như Bộ Giáo dục
Singapore đã hợp tác với IBM để khởi động Chương trình “Làng học” (Learning
Village) nhằm tạo ra các trường học và nguồn giáo dục cho công chúng. Ở các quốc
gia đã và đang phát triển, phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự đã sử
dụng tính năng truyền thông của email và danh sách thư điện tử để sắp xếp các mục
tiêu chính trị và để huy động các cuộc vận động kêu gọi và nâng cao nhận thức,
tạo ra những người ủng hộ mới hay tổ chức các cuộc biểu tình. Internet cũng được
sử dụng trong các tổ chức chính trị nhằm tổ chức bầu cử trực tuyến hay khảo sát
các thành viên.
3. Vai trò của sự tham gia trong bối cảnh hiện đại
Các ý nghĩa của sự tham gia cũng phong phú y hệt như ý nghĩa của
dân chủ. Sự tham gia mang lại các lợi ích trực tiếp như: cải thiện các chủ thể
tham gia, việc huy động thêm các đối tượng thụ hưởng và làm phong phú thêm nội
dung các chính sách. Nhưng sự tham gia cũng mang lại những lợi ích gián tiếp,
khó đo lường hơn, đó là sự tăng cường tính chính danh trong các can thiệp của
nhà nước. Theo các học giả nước ngoài, sự tham gia có vai trò lớn trong một số
lĩnh vực như sau:
+ Thứ nhất, qua tham gia sẽ tăng
cường năng lực dân sự của các chủ thể tham gia, cho dù họ là "công dân
bình thường", các nhà hoạt động hoặc đại diện của các hiệp hội. Thông qua
tham gia, các chủ thể hiểu rõ hơn về vấn đề đang đặt ra, các giải pháp dự kiến,
những rủi ro hay những hạn chế trong tương lai của việc thực hiện các chính
sách trong tương lai, v.v. họ hiểu rõ hơn về bản chất hệ thống của các vấn đề
công cộng, biên độ tự chủ của chính quyền, sự mơ hồ của các chính sách v.v.
Sự dày dạn về tri thức, quy trình luôn
là có ích cho các chủ thể, để tiếp tục tham gia vào các hoạt động về sau. Sự hiểu
biết về các chương trình cũng là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện sau
này.
+ Thứ hai: huy động đối tượng mục tiêu cho
chính sách.
Tăng cường năng lực của các chủ thể -
một khái niệm khá quen thuộc trong các nước anglo-saxon, đó là việc chuyển giao
thẩm quyền của chính quyền (cụ thể là các nguồn lực chính trị và các năng lực về
tổ chức vốn dĩ của nhà nước) sang một nhóm cộng đồng. Vai trò này đặc biệt được
đề cao khi nhắm vào các nhóm xã hội đặc biệt, khi đối mặt với một vấn đề xã hội
cụ thể (bị phân biệt đối xử, khó khăn về nhà ở, v.v.) và tìm cách cung cấp cho
họ phương tiện chính trị để cải thiện đáng kể tình trạng của họ.
+ Thứ ba: cải thiện nội dung của các
chương trình, chính sách. Không ai hiểu một vấn đề của người dân hơn là chính họ.
Sự tham gia của người dân chính là bảo đảm cho việc chính sách đưa ra phù hợp,
khả thi nhất. Bằng chứng ở các quốc gia phát triển cho thấy sự tham gia của dân
chúng đã tạo ra các cải thiện cho chương trình – ví dụ về chương trình y tế cấp
vùng của Pháp. Các chuyên gia cho rằng sự tham gia của người dân sẽ giúp khắc
phục những lỗ hổng lớn trong các chính sách của chính quyền, ví dụ như sự tách
biệt cô lập của các địa phương trong thực thi chương trình; sự câu kết nội bộ.v.v.
Sự tham gia còn giúp cho nhà nước hay cộng đồng
xử lý những vấn đề phức tạp – khi mà quyết định cần cân nhắc đa chiều. Tham gia
là yếu tố không thể thiếu của quản trị tốt do minh bạch thông tin, tăng trách
nhiệm giải trình; tạo ra tiếng nói cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chính
sách công.
+ Thứ tư: sự tham gia tạo cơ hội cho
các chủ thể đặc thù, ví dụ ở các quốc gia phát triển cho thấy rằng các phương
pháp tham vấn có thể cho phép các tù nhân - những người bị tước đoạt phần nào
các quyền dân sự - có cơ hội thể hiện chính kiến của mình về các vấn đề của họ
như điều kiện ăn ở; tái hoà nhập; việc sử dụng các hình phạt mới.v.v. thông
qua các hoạt động thu thập ý kiến, soạn
thảo báo cáo để gửi cơ quan hành chính. Rõ ràng là với phương thức dân chủ đại
diện không thể bảo phủ được chủ thể này.
+ Thứ năm: tăng cường tính chính danh
trong các hoạt động của nhà nước, tạo lập “vốn xã hội”:
Thông qua sự tham gia sẽ dẫn đến khôi phục lại một niềm tin nhất
định trong công chúng. Hơn nữa những ý kiến của người dân được cân nhắc đến
trong quyết định cuối cùng càng làm tăng thêm sự tin tưởng này.
Theo các học giả nước ngoài, lợi ích lớn của sự tham gia là tạo
nên được “vốn xã hội”. Robert Putnam đã giải thích rằng vốn xã hội là sự tin tưởng
và tín nhiệm được phát triển khi chính phủ và xã hội dân sự cùng nhau theo đuổi
các lợi ích chung của cộng đồng. Vốn xã hội là cơ sở cho tính chính đáng
(legitimacy) của các thiết chế công quyền. Thiếu vốn xã hội, niềm tin và sự tín
nhiệm không còn thì mọi nỗ lực của chính quyền có thể bị cản trở; các cộng đồng
không có sự tin tưởng thường bị rối loạn các chức năng và có thể dẫn đến kết quả
xấu nhất là bùng nổ bạo lực giữa các lực lượng xã hội. Bằng việc kêu gọi sự
tham gia có thể cho phép tiếp thêm sức mạnh cho vốn xã hội hiện có hoặc xây dựng
vốn xã hội mới cho những nơi chưa có.
Cũng cần lưu ý rằng mục tiêu của sự tham gia không thể là hòa giải
các quan điểm hoặc chính kiến đối lập. Sự tham gia không luôn để tạo ra một sự
đồng thuận, mà để xây dựng tính hợp pháp của quyết định cuối cùng thông qua tiến
trình tranh luận của các ý kiến.
Như học giả Bernard Manin đã viết, “nguồn gốc của tính hợp pháp
không phải được quyết định bởi ý chí của các cá nhân, mà là quá trình hình
thành nó, nghĩa là quá trình tranh luận”. Quyết định của công quyền
– cũng là kết quả của sự tham gia - không đồng nghĩa với giải pháp theo đa số
mà là sự lựa chọn giải pháp đúng đắn, hợp lý nhất – trải qua quá trình lập luận,
giải thích bởi các quan điểm đa dạng của các bên tham gia.
Điều này xuất phát từ sự khác biệt giữa quan điểm cá nhân, quan
điểm nhóm và quan điểm chính trị. Nếu như các quan điểm, ý kiến cá nhân, nhóm –
được hiểu chung là các “lựa chọn của người tiêu dùng” – là lựa chọn chỉ liên
quan đến mình, là sự theo đuổi đối tượng và nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu hoặc
ước muốn cá nhân, thì lựa chọn chính trị là lựa chọn liên quan đến người khác,
thậm chí có khả năng gây hại cho họ. Lựa chọn chính trị - thường hiện hữu dưới
hình thức các quyết định công quyền – là những lựa chọn có thể định hình, cũng
như ảnh hưởng đến lựa chọn và cơ hội của những người khác. Và bởi vậy muốn cho
những quyết định chính trị tập thể được công chính, hợp pháp và hiệu quả thì
chúng phải được hình thành bởi những luận chứng công khai vững chắc, nghĩa là
đương đầu được với những cuộc thảo luận và chất vấn công khai”
4. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy và tăng cường hiệu quả của
sự tham gia
Để thực sự có hiệu quả thì sự tham gia cần gắn với
năng lực hành động. Cộng đồng tham gia là hữu ích để nhận diện vấn đề của cộng
đồng, để đề xuất phương án giải quyết. Nhưng để giải quyết được những vấn đề lớn như đói nghèo, tình trạng thất nghiệp, tội phạm.v.v…
thì cần có sự phối hợp nguồn lực của chính quyền và cả các chủ thể dân sự. Gerry
khuyến nghị ý tưởng về một mạng lưới- trong đó các chủ thể hành động bao gồm cả
nhà nước và cộng đồng -chung tay giải quyết các vấn đề chung.
Bầu cử: vẫn là một phương thức tham gia cổ điển và đặc
biệt quan trọng ở những nơi mà sự tự chủ địa phương cũng như sự phát triển dân
chúng chưa đồng đều. Để bầu cử thực sự có ý nghĩa, cần lưu ý đến những cải cách
chế độ bầu cử, theo hướng đảm bảo sự tham gia. Sự phân chia địa lý và không
gian bầu cử phải bảo đảm chế độ đại diện; các ranh giới khu vực không được làm
cản trở đến sự đại diện của bất kỳ nhóm thiểu số nào.
Nhưng bên cạnh bầu cử thì xu hướng hiện nay là thúc
đẩy các hoạt động tham gia trực tiếp - như tham vấn cộng đồng, điều tra công
chúng. Về chủ đề này, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm thúc đẩy sự tham
gia trực tiếp như sau:
Thứ nhất: bảo đảm rằng đóng góp từ sự
tham gia có thể có ảnh hưởng đến quyết định.Lý do là sự tham gia sẽ trở nên vô
nghĩa nếu như không có mảy may tác động đến những thay đổi trong quyết định cuối
cùng. Và để có thể có tác động thì cần tính thời điểm của sự tham gia: sự tham
gia nên có ở giai đoạn đầu tiên của quyết định chứ không nên đến khi mà dự án
đã hoàn thành, và bởi vậy khó bề thay đổi. Sự tham gia cần được coi như là
phương tiện để cùng xây dựng nên quyết định, chứ không chỉ đơn thuần là công cụ
để thông tin và như một trình diễn dân chủ cho các dự án đã hoàn thành và các lợi
ích cá nhân.
Thứ hai: cần xuất phát từ lợi ích của người dân và đảm
bảo tính toán đến nhu cầu của họ trong vấn đề tham gia.
Thứ ba: phương thức huy động sự tham gia phải rộng mở,
mềm dẻo để đảm bảo không loại trừ bất kỳ ai. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với
những người gặp khó khăn thể chất - để giao tiếp hay bày tỏ ý chí của mình. Việc
cân nhắc đến mọi đối tượng tham gia còn bao hàm việc tham gia của mọi nhóm lợi
ích: từ nghiệp đoàn cho đến doanh nghiệp
Thứ tư: cần bảo đảm cho người dân được có cơ hội thể hiện ý chí bản thân theo cách phù hợp nhất với
họ. Điều này hàm nghĩa đến thiết kế các phương pháp để tham gia. Các phương
pháp chỉ có hiệu quả nếu gắn với mục tiêu là bảo đảm sự tham gia. Và đến lượt
mình thì mục tiêu của tham gia không nằm trong bản thân sự việc mà nằm nhiều hơn
trong mục đích trao đổi hiệu quả cho dự án. Phương pháp phù hợp nhất để thúc đẩy
sự tham gia sẽ phụ thuộc vào chủ đề, vào người tham gia và đặc điểm của họ, tiến
độ của dự án.
Thứ năm: Cần cung cấp thông tin cần
thiết cho người tham gia.
Đó là việc minh bạch về các mục tiêu,
các rủi ro và các hạn chế của dự án. Nguy cơ bỏ qua bước này là những người
tham gia thiếu thông tin cần thiết cho quyết định và từ đó, quan điểm của họ
không đầy đủ về chủ đề này. Các trao đổi bởi vậy không đi được đến cùng và các nhà
ra quyết định cuối cùng sẽ dựa vào ý kiến riêng của họ để đưa ra quyết định
cuối cùng. Việc tham gia sẽ mất đi ý nghĩa của nó.
Cũng cần đưa sự tham vấn thành các kế hoạch lớn, nằm
trong các chương trình lớn. Không thể có sự tham gia một cách tự nhiên và tự
do, ngẫu hứng. Tất cả các yếu tố như: chủ đề, phương thức, đối tượng; nội dung,
thời hạn.v.v. của sự tham gia đều cần được tính toán cân nhắc trong chương
trình. Các chủ thể chính quyền cần tham gia vào tham vấn để trực tiếp nghe hiểu
vấn đề. Đảm bảo tính công khai, những tham vấn cần tiếp cận được bởi truyền thông
đại chúng, internet.
Cuối cùng: Đặc biệt lưu ý rằng cần để cuộc tham vấn
tuân thủ những quy tắc đạo đức nhất định. Đó là nguyên
tắc phổ thông (bất kỳ ai có thể có ý kiến tranh luận đều không thể bị loại trừ
ra khỏi cuộc tham vấn), bình đẳng trong giao tiếp (tất cả mọi người đều có cơ hội
bình đẳng để thể hiện bản thân về vấn đề đang tranh luận), loại trừ sự dối trá
(người tham gia phải nói những gì họ nghĩ) và sự không ràng buộc (không có hạn
chế nào khả dĩ làm mờ nhạt đi các lập luận tốt nhất).
Tại Canada, Văn phòng Tham vấn công
chúng về Môi trường (BAPE) đã đưa ra bộ quy tắc về tổ chức tham vấn như sau:
+ Nội dung cuộc
tham vấn phải được biết trước;
+ Cần có khoảng
thời gian vừa đủ để tài liệu và thông tin khác về tham vấn được phổ biến đến
công chúng;
+ Cuộc tham vấn
phải được điều hành bởi một bên trung lập và vô tư
(thường dưới hình thức một hội đồng quản trị, văn phòng hoặc nhóm làm việc);
+
Cuộc tham vấn lý tưởng nên được tổ chức hai phiên riêng biệt; người phụ trách
có thẩm quyền rõ ràng; mục tiêu buổi tham vấn phải xác định chính xác;
+ Cần có
đủ thời gian cho việc chuẩn bị và tổ chức buổi tham vấn;
+ Trong
buổi tham vấn, tất cả các bên quan tâm đều có thể đặt câu hỏi, đưa ra nhận xét
và trình bày tóm tắt;
+ Lý tưởng
là nên có báo cáo phản biện độc lập trước buổi tham vấn;
+ Buổi
tham vấn phải được thể hiện thành văn bản;
+ Báo cáo
kết quả tham vấn phải công khai;
+
Bên khởi xướng hoạt động tham vấn phải cam kết xem xét các ý kiến đưa ra trong
quá trình ban hành quyết định”.
Rõ ràng cùng với việc chuyển giao quyền
lực cho công chúng, huy động sự tham gia của công chúng vào công việc chung,
cũng cần xác lập các quy tắc ứng xử cho sự tham gia. Lập luận này tương tự như
quy tắc ràng buộc các thiết chế phi tập trung ở Mỹ: “Các chính phủ muốn có trách nhiệm trước các công dân của họ dĩ nhiên
không thể chỉ đơn giản làm cho các viên chức của họ được tự do hành động. Các cử
tri đòi hỏi người ta phải có một tinh thần trách nhiệm nào đó. Vì thế các tổ chức
phi tập trung hoá thẩm quyền cũng thấy rằng họ phải khớp nối các nhiệm vụ của họ,
tạo ra các văn minh ứng xử trong nội bộ xung quanh các giá trị cốt lõi và đánh
giá các kết quả. Tinh thần trách nhiệm về đầu vào nhường chỗ cho tinh thần
trách nhiệm về kết quả và văn minh ứng xử độc đoán nhường chỗ cho văn minh ứng
xử “lỏng lẻo mà chặt chẽ… trong đó các giá trị được tán đồng và các nhiệm vụ
đóng vai trò các quy tắc và các quy định như là một chất keo..”
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh
Khoa Luật, Đại học Quốc
gia Hà Nội
Centre
d’analyse strategique, “La participation des citoyens et l’action publique”, La Documentation française -
Paris, mai 2008 ISBN : 978-2-11-007154-5