Trả lời: Tổ chức và hoạt động tài phán hành chính ở mỗi quốc gia là rất khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội, thiết chế quyền lực Nhà nước, các yếu tố về truyền thống pháp lý, văn hóa, tâm lý dân tộc... của từng quốc gia. Tuy nhiên, trên bình diện chung thì tổ chức và hoạt động tài phán hành chính thường được thể hiện thông qua một số mô hình chủ yếu sau:
- Ở một số nước, tài phán hành chính được thực hiện chủ yếu bởi các toà án hành chính. Ở những nước này toà án hành chính là một hệ thống độc lập song song với toà án tư pháp. Điển hình là Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Phần Lan....
- Trung Quốc và một số nước khác theo mô hình của Trung quốc, việc giải quyết tranh cháp hành chính cũng được thực hiện tại Toà án nhưng không tổ chức thành hệ thống độc lập mà Toà hành chính là một bộ phận của Toà án thường (ở Trung Quốc cũng gọi là Toà án nhân dân). Đây chính là mô hình mà Việt Nam đang thực hiện.
- Ở những nước chỉ có một hệ thống Toà án (Anh, Mỹ và một số nước khác theo mô hình của Anh, Mỹ). Về nguyên tắc, ở các nước này Toà án có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp, trong đó có tranh chấp hành chính. Tuy nhiên, do nhu cầu giải quyết tranh chấp hành chính ngày càng nhiều và tính đặc thù của tranh chấp hành chính thể hiện ở chỗ bên bị kiện luôn là cơ quan công quyền cho nên dần dần các nước này có xu hướng thiết lập các cơ quan giải quyết tranh chấp trong chính hệ thống hành pháp. Các cơ quan này được gọi là Cơ quan tài phán hành chính để phân biệt với Toà án tư pháp cũng xét xử hành chính. Hơn nữa, những người thực hiện nhiệm vụ tài phán tại các cơ quan này, ngoài kiến thức luật pháp cần thiết, còn phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về quản lý để khi giải quyết các vụ việc mới có thể đánh giá cả tính hợp pháp và tính hợp lý của quyết định hay hành vi bị khiếu kiện, bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích của công dân và lợi ích chung của cả cộng đồng theo nhu cầu quản lý. Xuất phát từ ưu thế như vậy của mô hình này, cho nên hoạt động của cơ quan tài phán hành chính khá hiệu quả, việc giải quyết của cơ quan tài phán hành chính nhanh gọn, không quá phức tạp, rườm rà. Vì thế, phần lớn các tranh chấp hành chính được giải quyết tại cơ quan tài phán hành chính, chỉ một số ít tiếp tục bị khởi kiện tại Toà án tư pháp và kể cả khi bị kiện thì Toà án cũng chỉ xem xét lại việc áp dụng pháp luật chứ không xem xét lại toàn bộ vụ việc, Toà án chỉ phán quyết một lần mang tính chất của một bản án giám đốc thẩm. Khi có cơ quan tài phán hành chính, việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước thường chỉ được coi là một giai đoạn tự xem xét lại quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại và không khác nhiều so với các thủ tục hành chính thông thường.