Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ    
Cập nhật: 20/02/2023 09:19
Xem lịch sử tin bài

Xây dựng một nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả và hiện đại tất yếu cần phải qua quá trình cải cách hành chính để hoàn thiện thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức… PAR Index (viết tắt tiếng Anh: Public Administration Reform Index) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. ​

1.  Bối cảnh

 

Xây dựng một nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả và hiện đại tất yếu cần phải qua quá trình cải cách hành chính để hoàn thiện thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức… PAR Index (viết tắt tiếng Anh: Public Administration Reform Index) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

 

Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác CCHC và chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của Thanh tra Chính phủ, mặc dù đã có những cải thiện, tiến bộ đáng kể, không phải xếp hạng với các bộ, ngành do tính chất đặc thù của công tác thanh tra nhưng chỉ số vẫn còn thấp hơn so với rất nhiều bộ ngành và còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong thời gian tới. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ xếp thứ 15/19 các bộ, ngành được đánh giá, xếp hạng; năm 2018, Thanh tra Chính phủ xếp thứ 13/18 các bộ, ngành được đánh giá, xếp hạng … trong đó có nhiều chỉ số thành phần đạt thấp, như chỉ số hiện đại hóa hành chính (năm 2018 là 68,54 điểm, đứng cuối cùng trong các bộ, ngành được đánh giá xếp hạng); chỉ số cải cách bộ máy năm 2018 đạt 73.08 điểm, đứng thứ 15/18 bộ ngành được đánh giá, xếp hạng; chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ đạt 72,54 điểm, xếp thứ 15/18…Theo kết quả công bố chỉ số CCHC năm 2020, TTCP đạt 81.2/100 điểm, vẫn thuộc vào nhóm các bộ có điểm số thấp, so với năm 2019 thì một số giá trị của các chỉ số CCHC theo từng lĩnh vực còn bị giảm điểm như: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại  hóa hành chính…

 

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, tuy nhiên nhận thức, quyết tâm hành động về CCHC ở một số bộ phận chưa cao, thực hiện chưa quyết liệt nên kết quả còn chưa đạt như mong muốn, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC tại một số đơn vị còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo kế hoạch. Việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đề ra. Chất lượng một số đề nghị xây dựng pháp luật chưa cao, có những dự thảo văn bản sau khi đã đưa vào chương trình, kế hoạch xây dựng thể chế vẫn còn tình trạng xin lùi, rút. Hàng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ đã phải ban hành quyết định để điều chỉnh kế hoạch xây dựng thể chế do dự kiến, đề xuất xây dựng văn bản ban đầu không phù hợp. Hoạt động xây dựng thể chế phần nào thiếu tính dự báo và tính hệ thống nên nhìn chung còn “bị động” trước những thay đổi của các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành thanh tra. Quá trình thi hành pháp luật của ngành Thanh tra cho thấy còn nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên công tác xây dựng thể chế chưa kịp thời khắc phục những bất cập này.

 

Hơn thế nữa, việc thực hiện các thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan còn chậm, sự phối hợp giữa các đơn vị trong cơ quan nhiều khi chưa chặt chẽ. Do đó, tiến độ thực hiện công việc, nhất là việc trả lời các văn bản nghiệp vụ, góp ý nhiều khi còn chậm so với yêu cầu đặt ra.Triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai công tác thanh tra theo Kế hoạch thanh tra, ban hành Kết luận thanh tra còn chậm, nhất là các nhiệm vụ về xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải gia hạn nhiều.

 

Chất lượng đội ngũ cán bộ chưa được nâng lên nhiều; công tác nâng ngạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác chưa được thực hiện thường xuyên hàng năm; việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự gắn liền với chức danh, nhiệm vụ của công chức, viên chức; việc xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm còn gặp nhiều nhiều vướng mắc và chậm so với yêu cầu đề ra. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, có nhiều trang thiết bị đã hết khấu hao, lạc hậu; việc triển khai, xây dựng các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chưa thực hiện được do khó khăn về nguồn vốn, kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn hẹp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa được triển khai do những vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành; việc xây dựng Cổng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

 

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

 

Thứ nhất, nguyên nhân khách quan. 

 

- Cải cách hành chính là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến cơ chế, chính sách chung và sự vận hành của cả bộ máy tổ chức, lực lượng nhân sự của toàn cơ quan. Bất cứ khâu nào của quá trình hoạt động của từng cục, vụ, đơn vị cũng như hoạt động của cá nhân từng công chức đều tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của công tác cải cách hành chính. Trong khi đó, các khâu, các lĩnh vực hoạt động của cơ quan không đồng đều, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ.

 

- Nguồn lực và những điều kiện bảo đảm cần thiết cho cải cách hành chính chưa ngang tầm, kể cả nguồn lực con người và tài chính.

 

Về nguồn lực con người: Số lượng biên chế của Thanh tra Chính phủ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm. Khối lượng công việc của các cục, vụ, đơn vị là rất lớn, sức ép cao. Đặc biệt, thời gian qua, do yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Thanh tra Chính phủ lại được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiều vụ việc đột xuất. Do đó, để đảm bảo hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ tát cả các công việc là vấn đề rất khó khăn. 

 

Nguồn lực tài chính dành cho công tác cải cách hành chính cũng còn khó khăn. Các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, định mức, chế độ về quản lý tài chính, tài sản công đã được hoàn thiện hơn nhưng chưa thực sự đồng bộ; một số định mức, tiêu chuẩn chưa sát, chưa phù hợp thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; chưa tính đến hoạt động đặc thù của ngành Thanh tra.

 

Máy móc, thiết bị phục vụ cho công việc hàng ngày của công chức, viên chức còn thiếu, một số đã rất cũ, không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Chẳng hạn, rất nhiều tài liệu trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tài liệu mật; trong quá trình soạn thảo văn bản nhiều khi phải in nhiều lần đối với một văn bản nên cần phải hủy tài liệu không cần thiết nhưng tại Thanh tra Chính phủ chưa có máy hủy tài liệu. Nhiều đoàn thanh tra còn thiếu máy vi tính xách tay; một số máy vi tính cũ, phải sửa thường xuyên, tốc độ dường truyền thấp. Tháng 11/2017, Đoàn kiểm tra công tác CCHC của Thanh tra Chính phủ đã làm việc tại Cục III, Trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra cho thấy tại Cục III, máy fax quá cũ, hàng ngày phải scan, fax văn bản rất nhiều nhưng tốc độ rất chậm. Cục III hiện nay cũng không có máy hủy tài liệu và còn thiếu nhiều máy tính xách tay cho các Đoàn thanh tra, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. 

 

Thứ hai, nguyên nhân chủ quan

 

- Phương pháp tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động CCHC tại TTCP chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt. Công tác truyền thông phục vụ cho việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ cải cách hành chính chưa tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn thể các công chức, viên chức tại các cục, vụ, đơn vị. Nhận thức của nhiều công chức, viên chức về CCHC của TTCP còn hạn chế.

 

- Vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cục, vụ đối với cải cách hành chính còn hạn chế; chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chưa đầu tư thời gian, nguồn lực thích đáng cho cải cách hành chính.

 

- Vai trò tham mưu của Tổ CCHC, Phòng Kiểm soát TTHC nhiều khi cò mang tính bị động, chưa thực sự chủ động. Những năm qua, Phòng Kiểm soát TTHC tổ chức rất ít các hội nghị về tập huấn công tác CCHC để giúp các công chức, viên chức trong cơ quan hiểu về công tác này. Phòng cũng chưa đề xuất các hình thức để tuyên truyền sâu rộng về CCHC tại Thanh tra Chính phủ, chưa kịp thời đề xuất những hạn chế, khó khăn tại các cục, vụ, đơn vị để lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, giải quyết. 

 

- Năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp và chuyên sâu, kỹ năng hành chính của một số công chức, viên chức còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm đối với công việc của một số công chức, viên chức chưa cao.

 

- Trong lĩnh vực thể chế, lực lượng công chức tại Vụ Pháp chế còn mỏng, nhiều công chức thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực trình độ nhận diện vấn đề và kỹ năng, nhất là kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay, các cục, vụ, đơn vị và mọi công chức chuyên môn đều có thể và phải tham gia vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, điều đó dẫn đến hệ quả là hoạt động xây dựng pháp luật chưa mang tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng văn bản pháp luật. 

 

- Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhân lực ứng dụng CNTT còn hạn chế. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn về CNTT của cơ quan TTCP là 15 người. Trong đó, một số công chức, viên chức được biệt phái, phân công làm công tác khác, hiện nay chỉ có 09 viên chức là chuyên trách về CNTT. Mặc dù các công chức, viên chức đều có trình độ chuyên môn CNTT là từ đại học trở lên, tuy nhiên năng lực và trình độ, kinh nghiệm lại không đồng đều nhau. Tại Trung tâm Thông tin của TTCP, bộ máy chỉ đạo, điều hành còn thiếu cán bộ, chưa có quản lý điều hành phòng ban; nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ chuyên ngành ứng dụng CNTT còn thiếu nhiều; việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức, viên chức làm CNTT chưa thực sự được chú trọng, dẫn đến tình trạng trình độ chuyên môn của một số người chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, mặc dù yêu cầu cầu ứng dụng CNTT của các công chức, viên chức, người lao động là rất cần thiết nhưng không ít công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ vẫn còn thụ động, chưa chịu khó học hỏi, chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc ứng dụng CNTT vào công việc. 

 

- Trong lĩnh vực tài chính công, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý tài chính, tài sản công đã được thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao, còn mang nặng tính hình thức, báo cáo; không ít công chức, lao động hợp đồng chưa gương mẫu trong việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm.

 

- Trình độ, năng lực của một số công chức tham gia thực hiện mua sắm, sửa chữa trang thiết bị văn phòng, tài sản còn hạn chế, chưa ham học hỏi, nghiên cứu các văn bản mới. Chưa tạo được cơ chế phù hợp cho việc giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.

 

- Công tác thực hiện phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực tài chính, tài sản, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, ứng dụng CNTT, đấu thầu và mua sắm, sửa chữa trong các đơn vị thuộc TTCP mới được ban hành nhưng chưa thực sự được triển khai đồng bộ.

 

2. Giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ

 

Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC, cải thiện nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công cuộc cải cách hành chính, thực hiện bộ chỉ số cái cách hành chính thực sự là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược, kế hoạch của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Đồng thời các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên đi đôi với việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác cải cách hành chính để kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong các đơn vị.

 

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính và đề cao vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu là một nhân tố quan trọng bảo đảm thành công của hiệu quả chỉ số cải cách hành chính. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; công tác CCHC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác, của đơn vị. Theo đó, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của Thanh tra Chính phủ; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ; phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận và công chức, viên chức; bố trí nguồn lực; trên cơ sở đó tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót. Đồng thời có quy định rõ và tăng trách nhiệm, phải tăng thẩm quyền và tạo điều kiện về tổ chức để thủ trưởng các đơn vị thực hiện được các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, dễ đựng chạm đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong cải cách hành chính.

 

Kết quả cải cách hành chính hàng năm của các đơn vị là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và là một trong những tiểu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.

 

Tăng cường đổi mới tư duy trong công tác ban hành chính sách, nâng cao công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính. Trong công tác ban hành chính sách cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng theo hướng tránh tư duy đồng nhất mà phải dựa trên nguyên tắc hệ thống có sự kế thừa, phát triển được đa số đồng tình. Đồng thời việc ban hành chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, ổn định và đặt lợi ích cơ quan, đơn vị lên trên hết; phải bám sát thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách vì lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện, quyết định sự thành công hay thất bại của chính sách do cơ quan, đơn vị mình vạch ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”
2. Quyết định số 4361/QĐ-BNV ngày 28/12/2016 Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”
3. Quyết định số 2636/QĐ-BNV ngày 18/12/2018  của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh
4. Quyết định số 1150/QĐ-BNV ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”
6. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
7. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030
8. Cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ - Thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp cơ sở năm 2017, Ths. Phạm Thị Phượng, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Nguyễn Hữu Thắng
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: