1. Khái quát các quy định của pháp luật về thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Điều 74 Hiến pháp năm 1992 “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào”, được cụ thể hoá trong Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác, tạo cơ sở pháp lý cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Khiếu nại, tố cáo là công cụ để công dân bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và các quyền tự do dân chủ khác khi bị xâm hại. Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân thể hiện tính dân chủ, bản chất Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Từ khi Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực thi hành thì công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã coi trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân đã được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi chính đáng của công dân. Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, yếu kém, vẫn còn nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được giải quyết kịp thời, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có văn bản giải quyết của cấp có thẩm quyền nhưng những vi phạm vẫn chưa được xử lý, hậu quả chưa được khắc phục, người khiếu nại, tố cáo vẫn bức xúc, tiếp tục khiếu nại, tố cáo gay gắt, vượt cấp.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã được quy định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết kịp thời cần phải có sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để các hoạt động thanh tra trách nhiệm có hiệu quả ? Vì sao thanh tra trách nhiệm nhiều mà công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến chậm, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp?.
Thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được quy định có tính nguyên tắc trong Luật khiếu nại, tố cáo, Luật thanh tra và trong một số Nghị định của Chính phủ. Cụ thể là:
Khoản 6 Điều 15 Luật thanh tra quy định: Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng”.
Điều 80 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm “Thanh tra, kiểm tra các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.
Điều 62 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của mình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức do mình quản lý trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Chính phủ.
Thanh tra nhà nước các cấp giúp thủ trưởng cơ quan cùng cấp quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Điều 54 Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện “thanh tra, kiểm tra các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.
Điều 58 Nghị định số 136/NĐ-CP quy định: Thanh tra nhà nước các cấp, các ngành có trách nhiệm “kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới của thủ trưởng cùng cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong trường hợp cần thiết, đề nghị thủ trưởng cùng cấp, triệu tập thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới họp để đề xuất biện pháp tổ chức chỉ đạo, xử lý đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì xử lý theo thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.”
Thông tư liên tịch số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV ngày 13/3/2009 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định: Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn "thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh"; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn "thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các biện pháp tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện".
Từ các quy định trên, có thể khẳng định với các quy định pháp luật hiện nay là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành thanh tra trách nhiệm. Mặt khác, trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng đã nêu tương đối đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định có tính nguyên tắc về thẩm quyền thanh tra trách nhiệm và đối tượng thanh tra trách nhiệm nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thống nhất về quy trình nghiệp vụ thanh tra trách nhiệm. Vì vậy, khi tiến hành thanh tra trách nhiệm, các chủ thể tiến hành thanh tra thường rất lúng túng trong việc xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra. Hiện nay việc quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu tập trung, thiếu thống nhất, do đó rất khó khăn cho các chủ thể tiến hành thanh tra xác định nội dung thanh tra, đặc biệt là khi các Đoàn thanh tra xác định căn cứ để kết luận về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Mặc dù Điều 96, 97, 98, 99, 100 Luật khiếu nại, tố cáo và Điều 61, 62, 63 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo đã quy định các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn chưa quy định cụ thể từng hành vi và hầu như chưa được áp dụng trong thực tế. Do đó, việc kết luận và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định là rất khó.
Mặt khác, trong thực tế khi thanh tra trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo thường tiến hành đồng thời với thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra và phòng, chống tham nhũng nhưng chưa có hướng dẫn khi lồng ghép các công việc này.
2. Một số đánh giá về công tác thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những năm gần đây, nhiều đoàn công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được triển khai. Trong đó, tăng cường thanh tra trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo và nó còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của ngành Thanh tra.
Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước 6 bộ, ngành và 8 tỉnh trong đó có nội dung thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các cuộc thanh tra trách nhiệm thường tập trung vào những địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, nổi cộm. Các Đoàn thanh tra đều bố trí cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ, Thanh tra viên cao cấp làm trưởng đoàn, thành viên là những cán bộ có năng lực chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009, chỉ đạo thanh tra các bộ, ngành, địa phương và các Cục địa phương thành lập các Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ để nắm tình hình và rà soát, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc để giúp đỡ và đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Đến ngày 15/6/2009, tại 63 tỉnh, thành phố còn 1.920 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Trong đó, có 262 vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 345 vụ việc đã có kết luận của các Bộ, ngành Trung ương nhưng các địa phương chưa thực hiện và 1.313 vụ việc đã được các địa phương giải quyết nhưng vẫn còn phát sinh khiếu nại.
Đối với cơ quan thanh tra nhà nước ở các cấp, các ngành, công tác thanh tra trách nhiệm cũng đã trở thành một trong các nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Thông qua công tác thanh tra trách nhiệm đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Cũng qua công tác thanh tra trách nhiệm đã đánh giá được tình trạng chấp hành pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, đã phát hiện nhiều sai phạm, chấn chỉnh đôn đốc, nhắc nhở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền còn tồn đọng; đặc biệt là việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, dây dưa kéo dài, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra trách nhiệm thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế đó là:
Trong thời gian qua, mặc dù công tác thanh tra trách nhiệm đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng thực tế nhiều nơi, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cũng như thủ trưởng các cơ quan thanh tra chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác thanh tra trách nhiệm. Không ít nơi, thủ trưởng cơ quan quản lý và ngay bản thân các cơ quan thanh tra cũng đánh giá cao vai trò của thanh tra để phát hiện ra các sai phạm trong các vụ việc hơn là việc tạo ra một nề nếp hoạt động có hiệu quả của hệ thống trong việc thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình, điều mà sẽ giúp giảm bớt các sai phạm ngay từ đầu. Cá biệt, không ít nơi còn khoán trắng công việc thanh tra trách nhiệm cho các cơ quan thanh tra cùng cấp. Vì vậy, công tác thanh tra trách nhiệm không được tiến hành thường xuyên. Thanh tra trách nhiệm còn mang nặng tính hình thức.
Ở một số địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, trong đó, không ít trường hợp do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng nhưng các Đoàn thanh tra còn e dè, cả nể, né tránh khi kết luận và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối tượng thanh tra. Do đó, hiệu quả của công tác thanh tra trách nhiệm cũng còn hạn chế, chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra trách nhiệm hầu như chưa được thực hiện, vì vậy hiệu quả của công tác thanh tra trách nhiệm không được phát huy trên thực tế.
- Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, thiếu sót trong công tác thanh tra trách nhiệm thời gian qua là:
Về việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong một số văn bản pháp luật song chưa thật đầy đủ, chưa cụ thể làm cơ sở cho việc thực hiện. Cụ thể như: chưa phân biệt rõ thanh tra trách nhiệm với kiểm tra trách nhiệm; chưa xác định rõ chủ thể tiến hành thanh tra trách nhiệm; chưa thống nhất về nội dung thanh tra trách nhiệm; chưa quy định về hình thức thanh tra trách nhiệm, vì vậy chưa thống nhất về trình tự, thủ tục và các biện pháp nghiệp vụ khi tiến hành thanh tra trách nhiệm; công tác thanh tra trách nhiệm chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm. Với những quy định hiện nay, chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình chỉ đạo và tiến hành thanh tra.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú trọng một số vấn đề sau:
- Nhận thức đúng về chế độ trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hiện nay nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa đề cao trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều nơi chưa quan tâm hoặc có biểu hiện đùn đẩy, né tránh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại tràn lan, vượt cấp lên các cơ quan nhà nước cấp trên.
- Cần phải kế hoạch hoá công tác thanh tra trách nhiệm. Các cơ quan thanh tra nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong công tác thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, các cơ quan thanh tra nhà nước cần phải chủ động đổi mới mạnh mẽ về nhận thức cũng như chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra nói chung và công tác thanh tra trách nhiệm nói riêng. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp trong chỉ đạo và tổ chức tiến hành các cuộc thanh tra trách nhiệm theo hướng giảm bớt việc tiến hành giải quyết những vụ việc cụ thể mà tập trung nhiều hơn vào việc thanh tra trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Cần đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành các cuộc thanh tra trách nhiệm.
- Hoàn thiện thể chế về khiếu nại, tố cáo nói chung và về thanh tra trách nhiệm nói riêng. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định hoặc hướng dẫn về việc thực hiện trình tự, thủ tục và nội dung của việc thanh tra, kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện không thống nhất về nội dung cũng như cách thức tiến hành. Khi thanh tra, mỗi cơ quan thanh tra tiến hành một cách khác nhau, hiệu quả thanh tra rất hạn chế. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ tiếp công dân; quy trình nghiệp vụ xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; quy trình nghiệp vụ giải quyết khiếu nại hành chính; quy trình nghiệp vụ giải quyết tố cáo và quy trình nghiệp vụ thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nai, tố cáo.
- Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra. Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều cán bộ được cử tham gia các đoàn thanh tra chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, trình độ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng là việc làm cần thiết.
Vũ Thị Ngọc Huế
Viện Khoa học Thanh tra