Tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ - Một số vấn đề đặt ra    
Cập nhật: 24/09/2018 09:59
Xem lịch sử tin bài

Tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Tinh giản biên chế nhằm tạo ra một bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành một cách khoa học để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Mục đích của tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm cơ học số lượng nhân sự mà hơn thế, đây là cách thức để các cơ quan nhà nước tinh lọc lại nhân sự nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hoạt động quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đều nhằm hướng tới một mục đích chung là có hiệu quả, trong đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần có quy trình tuyển chọn nhân lực và quy trình làm việc hợp lý, khoa học, quy định cụ thể, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận thì mới phát huy hiệu quả. Một yêu cầu quan trọng trong hoạt động quản lý là phải rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch để xác định chính xác những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc để tinh giản biên chế. Việc thiếu hay thừa biên chế đều gây khó khăn cho việc phân công công việc. Nếu cơ cấu tổ chức của cơ quan không khoa học, chức năng chồng chéo lẫn nhau thì việc phân công các công việc trong quá trình quản lý cũng sẽ khó khăn.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Trước đây, Thanh tra Chính phủ có 06 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Viện Khoa học Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra; Trung tâm Thông tin và Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ miền Trung - Tây Nguyên. Hiện nay, theo Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ có 05 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra và Trung tâm Thông tin. Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ miền Trung - Tây Nguyên sẽ sáp nhập vào Trường Cán bộ Thanh tra. Thực hiện việc tinh giản biên chế nói chung, việc tinh giản biên chế sự nghiệp nói riêng, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành rà soát, lập danh sách viên chức nghỉ hưu đúng độ tuổi giai đoạn 2015 - 2021 trên cơ sở hồ sơ quản lý biên chế sự nghiệp, căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh, trình độ, giới tính, lập danh sách viên chức đến tuổi đưa vào diện nghỉ hưu theo quy định.

Để tiến hành được mục tiêu tinh giản biên chế, trước tiên cần xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng biên chế sự nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp. Đối với biên chế sự nghiệp các đơn vị chưa tự chủ (Trung tâm Thông tin, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra), căn cứ vào vị trí việc làm, số lượng biên chế sự nghiệp nghỉ hưu, thôi việc, thuyên chuyển công tác…, xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung biên chế sự nghiệp đảm bảo bằng 1/2 so với biên chế đã giảm trong năm. Đối với các đơn vị tự chủ một phần (Báo Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Tạp chí Thanh tra), căn cứ vào vị trí việc làm, số lượng biên chế sự nghiệp nghỉ hưu theo quy định, thôi việc, thuyên chuyển công tác…, xây dựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung biên chế sự nghiệp cho phù hợp với vị trí việc làm đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chỉ tiêu tinh giản biên chế sự nghiệp.

Sau khi có chỉ tiêu tuyển dụng biên chế sự nghiệp, Thanh tra Chính phủ xây dựng chỉ tiêu tinh giản biên chế sự nghiệp từ 2015 - 2021: đối với các đơn vị chưa tự chủ (Trung tâm Thông tin, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra), trên cơ sở tổng hợp số liệu viên chức tinh giản biên chế, số viên chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác khác… để xác định chỉ tiêu tuyển dụng mới và tỷ lệ tinh giản biên chế là 10% trong giai đoạn 2015 – 2021; đối với các đơn vị tự chủ một phần (Báo Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Tạp chí Thanh tra),  ngoài việc xác định tỷ lệ tinh giản biên chế là 10% trong giai đoạn 2015 – 2021 còn phải chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa để thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp[1].

Thông qua việc tinh giản biên chế, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ từng bước xây dựng cơ cấu, số lượng viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ trong mỗi đơn vị, từ đó có chính sách phù hợp để thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, phân loại trong quản lý, sử dụng viên chức hàng năm. Việc tinh giản biên chế sẽ đã góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ viên chức. Thông qua việc giải quyết chế độ, chính sách kịp thời đầy đủ cho viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Đồng thời, việc rà soát, đánh giá, phân loại viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ xác định được số lượng và những người cần tinh giản, theo đó tạo điều kiện cho việc bổ sung những người có trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ cao, có trình độ ngoại ngữ, tin học, sức khỏe vào làm việc, từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” biên chế trong các đơn vị. Bên cạnh đó, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên do nhiều nguyên nhân như: tinh giản bao nhiêu thì lại lấy vào bấy nhiêu; vẫn phải bổ sung biên chế cho các tổ chức mới được thành lập hoặc được giao thêm nhiệm vụ mới. Mặt khác, chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự đưa ra được điều kiện căn cứ cụ thể để giảm được những người cần giảm; mới chỉ tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nguyện vọng cá nhân. Do vậy, tinh giản biên chế chưa thực sự đạt được mục tiêu như mong muốn, vẫn còn những người chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục làm việc trong các đơn vị. Chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự thỏa đáng về lợi ích đối với những người thuộc diện tinh giản; chưa thực hiện đồng bộ việc tinh giản biên chế với các nội dung khác của công tác tổ chức nhân sự… đồng thời, mới chỉ tập trung tinh giản biên chế đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Do vậy, để thực hiện tốt việc tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, cần phải thực hiện tốt một số vấn đề sau:

 Một là, về nhận thức

Xác định việc tinh giản biên chế được hiểu là vừa giảm được số lượng biên chế dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở xác định vị trí việc làm, vừa phải thực hiện việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phải lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là mục tiêu chính, gắn tinh giản biên chế với nâng cao chất lượng tuyển dụng; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; đổi mới chế độ đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai là, về hoàn thiện các quy định pháp luật và hướng dẫn về tinh giản biên chế

Cần mở rộng đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế như sau: cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, hoặc phải chuyển sang vị trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu mà tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý. Cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế năng lực hoàn thành công việc được giao, có thể bố trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu mà tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý. Cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm gần nhất không hoàn thành nhiệm vụ, tập thể cơ quan đánh giá khó có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ do năng lực hạn chế, đồng thời cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 03 năm, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý…

Trước mắt, Thanh tra Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự giải quyết tinh giản biên chế. Đồng thời, xây dựng Đề án tinh giản biên chế phải đồng bộ với Đề án vị trí việc làm và Kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021. Theo đó, phải có phương án cụ thể ngay từ đầu, xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản biên chế, để việc thực hiện tinh giản biên chế được chủ động, giảm đúng đối tượng và theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Thanh tra Chính phủ cần khẩn trương phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp; rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ; có giải pháp quyết liệt để tinh giản biên chế đối với những viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt yêu cầu tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, trình độ đào tạo, sức khỏe, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự, những người dôi dư do cơ cấu lại công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Ba là, về tổ chức thực hiện

Thứ nhất, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức về chủ trương thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của mỗi công chức, viên chức; đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Trang tin của Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra,  hội nghị quán triệt, tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức, nhất là công chức, viên chức làm công tác tổ chức cán bộ.

Thứ hai, cần tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đối với Thanh tra Chính phủ, trước mắt, giữ ổn định cơ cấu tổ chức như hiện nay; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn; kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức cấu thành.

Các đơn vị sự nghiệp tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để phân bổ biên chế sát với chức năng, nhiệm vụ; tổ chức phân loại đơn vị sự nghiệp và tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự; tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Thứ ba, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thanh tra Chính phủ cần tích cực, chủ động thực hiện Kế hoạch tinh giản biên chế trong 6 năm (2016 - 2021) và từng năm, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Tinh giản biên chế cần đưa ra mức tỷ lệ tối thiểu phải đạt được trong cả giai đoạn (từ 2015 đến 2021) thực hiện là 10% đối với cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là điểm mấu chốt, bởi bên cạnh yếu tố định tính khó xác định (nâng cao chất lượng đội ngũ) thì yếu tố định lượng (số lượng biên chế cụ thể) cũng cần được bổ sung thêm, trước hết là ấn định tỷ lệ tối thiểu 10% mà cơ quan, tổ chức phải xác định. Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ khuyến khích, động viên chuyển 10% số lượng đang hưởng chế độ tiền lương từ ngân sách nhà nước sang cơ chế tự trả lương từ nguồn thu sự nghiệp, qua đó góp phần thực hiện xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp (thực hiện từ năm 2015 đến 2021), góp phần giảm gánh nặng chi trả tiền lương và các khoản khác từ ngân sách nhà nước cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ tuyển dụng số viên chức mới không quá 50% số viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật. Nghĩa là các cơ quan, tổ chức chỉ được tuyển dụng thay thế 50% số biên chế tinh giản và số công chức nghỉ hưu và số thôi việc theo quy định của pháp luật; 50% còn lại sẽ bị trừ ngay vào tổng biên chế được giao hàng năm. Điều này sẽ bảo đảm không lặp lại tình trạng trước đây là tinh giản bao nhiêu lại lấy vào bấy nhiêu. Trường hợp thành lập mới cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc bổ sung nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Như vậy, tổng số biên chế sẽ phải giảm, trước hết là về mặt số lượng. 

Thứ tư, rà soát, đánh giá, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số; rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức thanh tra theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực; thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức.

Đổi mới việc đánh giá, phân loại viên chức theo nguyên tắc: cấp trên đánh giá, phân loại cấp dưới; người đứng đầu đơn vị đánh giá, phân loại công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Để làm tốt vấn đề này cần phải cụ thể hóa các căn cứ và xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp cho các vị trí công việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xác định cách thức thu thập thông tin đánh giá đảm bảo khách quan, chính xác. Cơ sở thực hiện giải pháp này là đề án xây dựng vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức đã được phê duyệt, đồng thời mở rộng diện thu thập thông tin đánh giá từ bên ngoài cơ quan, tổ chức đối với việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức.

Thứ năm, phát huy vai  trò của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh tâm lý ngại va chạm, nể nang, phát huy cao độ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình thực hiện, gắn kết quả thực hiện với việc đánh giá, phân loại viên chức. Nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh, tâm huyết, không sử dụng quyền hạn của mình một cách triệt để thì không thể nào tinh giản được biên chế, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vào diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Do đó, việc tinh giản biên chế cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, vì người đứng đầu có quyền hạn xác định tỷ lệ tinh giản biên chế, chỉ đạo triển khai thực hiện thì phải chịu trách nhiệm về kết quả tinh giản biên chế. Kế hoạch tinh giản biên chế phải do người đứng đầu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, nếu người đứng đầu không thực hiện được chỉ tiêu tinh giản biên chế đã xác định thì đó là một căn cứ để đánh giá, phân loại người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tinh giản biên chế là một công việc lớn và phức tạp bởi liên quan đến con người, vì vậy, ngoài việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì cần tăng cường sự giám sát từ bên ngoài đối với việc thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức. Các chủ thể giám sát có thể mở rộng bao gồm: các cơ quan báo chí, cơ quan cấp trên, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội và cả người dân. Để tránh việc giám sát chung chung, cần xây dựng cơ chế giám sát một cách rõ ràng về nội dung và cách thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thực hiện giám sát./.

 

ThS. Lê Đức Trung
Trưởng phòng Tổng hợp - Quản trị, 
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra

[1] Kế hoạch số 3420/KH-TTCP ngày 26/12/2016 về tinh giản biên chế công chức, biên chế sự nghiệp giai đoạn 2015 – 2021 của Thanh tra Chính phủ.

 

Tổng số lượt truy cập

2982788

Membership Thành viên:
Latest New User Latest: nguyen sigiao
Hôm nay Hôm nay: 0
Hôm qua Hôm qua: 0
User Count Overall: 6
People Online People Online:
Online Online: 22
Members Thành viên: 0
Tổng cộng Tổng số: 22
Tổng cộng
Online Now Online: