1. Đặc điểm tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư của chính quyền cấp xã
Tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy định từ chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, pháp luật của Nhà nước đã tương đối hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Để nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác này từ cơ sở, ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ thị xác định trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp đó, ngày 18/02/2019 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cấp xã trong trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Các đạo luật chuyên ngành như Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao. Các quy định chi tiết đã cụ thể hơn về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tác động tích cực trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Quá trình thực hiện cho thấy, hầu hết chính quyền địa phương đã xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Từ đó, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã có sự quan tâm, tăng cường chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả.
Từ thực tiễn thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của chính quyền cơ sở có một số đặc điểm sau:
Một là, công dân đến trụ sở chính quyền xã đa số là tự cá nhân đến, không có đoàn đông người: đa số công dân đến trụ sở chính quyền xã đều là đến đơn lẻ, không đi theo đoàn đông người, đa số là đến một lượt, số lượt công dân đến trụ sở để được tiếp nhiều lần có nhưng chiếm tỉ lệ thấp trong tổng số lượt tiếp dân của chính quyền xã. Ví dụ: Năm 2018, cấp xã huyện Ứng Hòa tiếp 1.185 lượt với 1.185 người, không có đoàn đông người[1]. Năm 2019, cấp xã của huyện Ứng Hòa tiếp 912 lượt với 866 người, trong đó không có đoàn đông người[2].
Hai là, về phân loại đơn, vụ việc qua tiếp công dân:
Tổng hợp từ số liệu báo cáo của các huyện cho thấy, trong tổng số đơn thư, vụ việc mà chính quyền xã tiếp nhận qua tiếp công dân thì: đơn khiếu nại, tố cáo chiếm tỉ lệ thấp nhất, đơn kiến nghị, phản ảnh chiếm tỉ lệ cao nhấp, có một số đơn yêu cầu, đơn tranh chấp. Một số địa phương, công dân đến chính quyền cấp xã để gửi đơn yêu cầu, đơn tranh chấp.
Ba là, về nội dung đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã.
Thực tế cho thấy, đơn thư khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã có nội dung chủ yếu kiến nghị, phản ánh những việc liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn xã như vấn đề thuế chợ, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, giải quyết chế độ chính sách… nội dung đơn tranh chấp thường là tranh chấp nhỏ về dân sự như địa giới đất vườn, đất ở…
Bốn là, kết quả xử lý
Đa số các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã đều được xử lý qua hòa giải. Chính quyền cấp xã kết hợp quy định pháp luật, phong tục tập quán của địa phương, mối quan hệ họ hàng thân thuộc để giải thích, hòa giải giữa các bên có mâu thuẫn. Với những vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa công dân với chính quyền như thuế chợ, vệ sinh môi trường…chính quyền thường xem xét, quyết định hài hòa giữa quyền lợi của công dân với lợi ích cộng đồng. Do vậy, đa số các vụ việc được giải quyết bởi chính quyền cấp xã thì nội dung thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể cá nhân hầu như không có.
2. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Một là, ban hành văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn
Hầu hết chính quyền địa phương đã xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Từ đó, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã có sự quan tâm, tăng cường chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của công dân và tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với chính quyền cấp xã, các loại văn bản chủ yếu mà Uỷ ban nhân dân cấp xã ban hành đó là văn bản ban hành quy chế tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (thường là Quyết định); văn bản về giao nhiệm vụ tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo (thường là Quyết định). Theo quy định của Luật Tiếp công dân, cấp xã không có ban tiếp công dân mà việc tiếp dân thường được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân giao cho một công chức, tuy nhiên, một số địa phương thành lập Hội đồng tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã linh hoạt kết hợp với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, gắn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.
Hai là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên hệ thống loa truyền thanh của phường/xã và tuyên truyền trên hệ thống trang tin của các cơ quan nhà nước.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục, xác minh, tham mưu giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Với công dân, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp người khiếu nại, tố cáo nhận thức đúng, đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia quan hệ pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhất là trình tự, thủ tục thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, qua đó giúp họ thực hiện quyền hiệu quả hơn.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đa số các địa phương đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó có Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số tỉnh đã xây dựng Phần mềm cơ sở dữ liệu Báo cáo tổng hợp. Nhờ đó nên công tác tổng hợp, báo cáo, khai thác và tra cứu thông tin, tìm kiềm hồ sơ được tiến hành thuận lợi hơn.
Một số địa phương đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO TCVN 9001:2015 vào quy trình xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần kiểm sát hiệu quả quá trình xử lý vụ việc đảm bảo đúng thời hạn quy định.
Từ năm 2021, khi Thanh tra Chính phủ triển khai phần mềm Hệ thống báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, một số địa phương đã triển khai đến cấp xã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê tình hình thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, giai đoạn năm 2020 và năm 2021, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, các địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng và pháp luật nói chung theo nhiều hình thức linh hoạt, chủ yếu như: tuyên truyền chủ yếu trên các kênh báo, đài truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, gửi đường dẫn đến địa chỉ webside có văn bản pháp luật để người dân tìm hiểu, nghiên cứu; tuyên truyền thông qua việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo và các buổi đối thoại và tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và thủ trưởng các cấp, các ngành.
3. Tổ chức thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã nêu cao trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể là, thực hiện nghiêm túc bảo đảm số ngày tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương, đơn vị mình; tập trung lực lượng giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, có biện pháp phòng ngừa các vụ việc phức tạp có thể xảy ra, hạn chế tối đa công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên tỉnh và lên Trung ương. Điển hình như Thái Nguyên, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 18/6/2018 về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến. Tại Yên Bái, kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh cho thấy người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã đã duy trì nghiêm túc việc tiếp công dân theo lịch; đã chỉ đạo Ban Tiếp công dân, Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Tư Pháp huyện định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị, phản ánh của công dân. Duy trì giao ban khối nội chính để tập chung chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn huyện[3].
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, đa số các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã đều được xử lý qua hòa giải. Chính quyền cấp xã kết hợp quy định pháp luật, phong tục tập quán của địa phương, mối quan hệ họ hàng thân thuộc để giải thích, hòa giải giữa các bên có mâu thuẫn. Với những vụ việc liên quan đến mối quan hệ giữa công dân với chính quyền như thuế chợ, vệ sinh môi trường…chính quyền thường xem xét, quyết định hài hòa giữa quyền lợi của công dân với lợi ích cộng đồng. Do vậy, đa số các vụ việc được giải quyết bởi chính quyền cấp xã thì nội dung thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể cá nhân hầu như không có.
4. Đánh giá chung tình hình và một số vấn đề đặt ra
Qua công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số địa phương, công tác tiếp công dân của chính quyền cơ sở thời gian qua có sự đổi mới rõ nét, việc thực hiện tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của các cấp, các ngành nghiêm túc, trách nhiệm, sâu sát.
Đội ngũ công chức tiếp công dân cơ bản được kiện toàn, nâng cao chất lượng. Việc tiếp nhận, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo thời gian, đúng thẩm quyền, công khai, khách quan trong thẩm tra, xác minh. Quan tâm, chú trọng đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại, đặc biệt công tác hòa giải ở cơ sở phát huy tác dụng thiết thực góp phần giải quyết những vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh trong Nhân dân. Một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành tập trung giải quyết dứt điểm. Việc ban hành các quyết định và công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản được thực hiện đảm bảo, đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã vẫn đặt ra những vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể là:
- Việc triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế, thiếu quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện
Một số địa phương, nhất là chính quyền cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình trạng chưa hoặc chậm ban hành văn bản triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và triển khai thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các địa phương chưa thống nhất. Một số địa phương việc ban hành văn bản thực hiện lại diễn ra chậm, có địa phương đến thời kỳ phải tổng kết, sơ kết chỉ thị hay quyết định mới ban hành văn bản thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chú trọng việc triển khai thực hiện đến cấp huyện và giao cấp huyện triển khai đến cấp xã mà thiếu sát sao trong kiểm tra, đôn đốc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện của chính quyền cấp xã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao.
+ Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện các nội dung chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhiều nơi chưa thực sự quan tâm thực hiện, thực hiện chưa nghiêm túc, chưa thực sự sâu rộng, còn nặng về hình thức, chưa đa dạng, phong phú. Cá biệt có địa phương không triển khai hoạt động gì để đưa nội dung chỉ đạo của Đảng vào thực tiễn.
+ Việc bố trí trụ sở tiếp công dân: Có nhiều địa phương Uỷ ban nhân dân xã chưa bố trí được địa điểm tiếp công dân riêng, có nơi tổ chức tiếp dân tại bộ phận một cửa, có nơi tổ chức tại hội trường chung của xã.
+ Việc ghi chép sổ sách tiếp công dân của người đứng đầu: Đa số các xã chưa thực hiện đầy đủ việc ghi chép sổ sách tiếp công dân của người đứng đầu. Những lỗi sai phổ biến như: không có chữ ký xác nhận của lãnh đạo được phân công và cán bộ tiếp công dân sau khi kết thúc ngày tiếp công dân; chưa mở sổ theo dõi của Bí thư trong việc tiếp công dân, tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân. , Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số xã không mở số tiếp dân, ghi chép sổ tiếp dân không rõ ràng; công tác xử lý đơn còn chậm, thực hiện không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
+ Việc phân loại nội dung đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vẫn còn trường hợp chưa chính xác, chưa lập danh mục hồ sơ theo quy định, nhất là đối với cấp xã. Việc phân loại và tham mưu xử lý đơn, việc phân tích, giải thích những thắc mắc cho công dân có nơi con lung túng.
+ Công tác thanh tra trách nhiệm của cơ quan Thanh tra cấp huyện về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa phương đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên.
Công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp cụ thể còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ; có vụ việc các cơ quan còn có ý kiến khác nhau, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng vụ việc chậm được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, tổ chức.
- Người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tình trạng người đứng đầu chính quyền cơ sở chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ diễn ra khá phổ biến, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình độ, năng lực, kỹ năng của một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa nắm bắt và áp dụng đúng quy định của pháp luật, còn tình trạng ghi chép cập nhật vào sổ theo dõi tiếp công dân thiếu chi tiết, chưa rõ ràng, nội dung còn sơ sài chưa thể hiện được đầy đủ kết quả tiếp công dân; tham mưu giải quyết vụ việc còn sai sót; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao[4]; công tác xử lý đơn còn chậm, thực hiện không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
- Thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa hết trách nhiệm, chưa triệt để
Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo và xử lý tình huống phức tạp xảy ra còn có lúc bị động. Trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.
- Hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp xã còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra
Nhiều nơi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tiếp công dân chưa đảm bảo số lượng theo quy định; một số nơi công tác tiếp công dân định kỳ và thường xuyên ở cấp xã, thị trấn đã được duy trì nhưng chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn thư chưa cao. Một số vụ việc giải quyết còn chậm, một số đơn vị chưa tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc. Đặc biệt còn một xã không niêm yết quy trình tiếp công dân.
Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo và xử lý tình huống phức tạp xảy ra còn có lúc bị động. Trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn.
Việc phân loại đơn thư, tổng hợp, báo cáo tình hình của nhiều xã còn chưa đúng về form mẫu, chưa phản ánh hết số lượng đơn thư, vụ việc thực tế diễn ra tại địa phương, chưa đảm bảo tiến độ báo cáo, tổng hợp về mặt thời gian.
TS. Phạm Thị Huệ
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
[1] Báo cáo số 442/BC-UBND ngày 16/10/2018 của UBND huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
[2] Báo cáo số 497/BC-UBND ngày 21/10/2019 của UBND huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
[4] Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở không niêm yết quy trình tiếp công dân, không mở số tiếp dân, ghi chép sổ tiếp dân không rõ ràng, có trường hợp cán bộ tiếp công dân còn sơ suất hoặc ứng xử không phù hợp dẫn đến người dân bức xúc; việc phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tiếp dân chưa tập trung, thiếu chuyên sâu, …