Phát biểu dẫn đề Toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện đề tài và qua các ý kiến tại các cuộc Hội thảo, toạ đàm đã được tổ chức, Ban Chủ nhiệm đề tài nhận thấy, trong mỗi nhánh của Đề tài hiện còn những vấn đề khó, phức tạp, tồn tại quan điểm và nhận thức khác nhau; một số vấn đề chưa được quan tâm lý giải đúng mức… Tọa đàm ngày hôm nay với chủ đề “Chính phủ trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống ở Việt Nam” là tọa đàm thứ sáu được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài. Ban chủ nhiệm Đề tài hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ, trao đổi, thảo luận tập trung làm sáng tỏ những vấn đề sau: Chính phủ với tư cách là chủ thể kiểm soát, với tư cách là đối tượng chịu sự kiểm soát, do vậy, cần làm rõ về chủ thể, nội dung, phương thức kiểm soát… trong từng trường hợp này; đồng thời, Toạ đàm mong muốn nhận được các ý kiến làm rõ các nội dung kiểm soát quyền lực đối với Chính phủ…
Một số tham luận được trình bày tại Tọa đàm gồm: Tổng quan về Chính phủ trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; Vai trò của Chính phủ và các cơ quan hành chính trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; Tổ chức và hoạt động kiểm tra, giám sát của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhằm phòng, chống tham nhũng; Kiểm soát đối với văn bản lập pháp ủy quyền có quy định giới hạn quyền hiến định của cơ quan hành chính nhà nước; Kiểm soát xung đột lợi ích trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm phòng, chống tham nhũng .

Tại Toạ đàm, PGS. TS. Chu Hồng Thanh chia sẻ vấn đề Chính phủ với tư cách là chủ thể của kiểm soát quyền lực, trong hệ thống cơ quan hành pháp, tư pháp, Chính phủ có quyền cao nhất trong mọi lĩnh vực, trong đó, vai trò của Chính phủ trong kiểm soát quyền lực rất lớn, việc kiểm soát như thế nào là vấn đề đặt ra và cần được làm rõ; đồng thời, Ông cũng chia sẻ những khó khăn trong kiểm soát Quốc hội; đề cao việc phát huy chủ quyền nhân dân trong kiểm soát quyền lực; sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong vấn đề kiểm soát quyền lực…
Theo GS.TS. Phạm Hồng Thái, Chính phủ kiểm soát quyền lực như thế nào để phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam? hiệu quả mang lại như thế nào, năng lực kiểm soát ra sao?… là những vấn đề đặt ra và cần có nghiên cứu cụ thể. Đồng thời, Ông cũng chia sẻ những khó khăn trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, nhân sự, trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Theo GS. TS. Trần Nho Thìn, Đề tài khi nghiệm thu phải giải quyết được vấn đề nào đó đặt ra trong thực tế nên cách tiếp cận phải đa chiều. Việc đánh giá thực trạng phải theo nhiều góc độ chứ không chỉ minh chứng cho Nghị quyết của Đảng. Ông đề cập đến vai trò của các cơ quan như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm sát… trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và vấn đề kiểm soát quyền lực trong hệ thống cơ quan nhà nước…
TS. Nguyễn Thị Minh Hà - Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, “Do tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tham nhũng trong các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nên kiểm soát đối với nhánh này cần phải quan tâm nhất”. Về cơ chế kiểm soát đối với Chính phủ, cần nghiên cứu cả cơ chế kiểm soát bên ngoài và cơ chế kiểm soát bên trong, cùng ba phương thức kiểm soát là kiểm tra, thanh tra và giám sát…; đồng thời, đề cao vai trò của Đảng và nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng…
Kết thúc Toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Văn phát biểu cảm ơn sự có mặt của các đại biểu tham dự, đồng thời khẳng định, các ý kiến đóng góp tại Toạ đàm có vai trò quan trọng, giúp Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện đề tài trong thời gian tới./.
Tin: Thanh Minh
Ảnh: Hữu Thắng